Becamex Bình Dương và chuyện lão tướng xung trận

04/07/2015 12:09 GMT+7 | V-League

(giaidauscholar.com) - Nếu như HAGL và SLNA là những đội bóng có tuổi đời trung bình của cầu thủ thấp nhất V-League 2015, thì B.Bình Dương tập hợp toàn lão tướng với tuổi trung bình lên đến 28,5 tuổi.

Các cầu thủ trẻ nhất của B.Bình Dương lúc này là Moses Oloya (sinh năm 1992 theo giấy tờ) và Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn (cùng sinh năm 1989).

Theo khoa học thể thao, độ chín của cầu thủ rơi vào khoảng 27 – 30 tuổi. Tại B.Bình Dương lúc này, những Anh Đức, Công Vinh, Mai Tiến Thành, Phước Tứ, Tấn Tài, Trương Đình Luật, Bùi Tấn Trường, Đặng Văn Robert, Dieng Abass, Xuân Thành… tuy là mới 30 tuổi, nhưng đã được liệt vào hàng lão tướng. Đây là bộ khung đội hình chính dưới thời HLV Mai Đức Chung.

Trẻ hơn một chút, có Văn Bình, Quang Vinh, Minh Đức, Tăng Tuấn, Xuân Luân…, nhưng ít được trọng dụng. Những người còn lại như Minh Phong, Đặng Văn Thành, Trung Tín… thậm chí không có cơ hội ở V-League, khi B.Bình Dương đã vắt qua 3 đời HLV ở mùa giải năm nay.

Thế mới nói, dù chỉ đăng ký danh sách thi đấu hơn 20 cầu thủ, nhưng B.Bình Dương luôn tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng thừa về nhân sự trong những trận đấu chính thức. Nhưng trong đấu tập, chỉ cần một đôi cầu thủ dính chấn thương, là các trợ lý ngay lập tức phải xỏ giầy vào sân làm quân xanh.

Một đội bóng như vậy, đánh vài trận có thể thắng, nhưng trường kỳ e là khó đảm bảo được quân. Nhưng tại sao và như thế nào, B.Bình Dương vẫn luôn đảm bảo được sự tận hiến nơi các cầu thủ? Đấy phải là chế độ và khoản tiền thưởng kếch xù nằm trong két của các ông chủ. Điều này, Thể thao & Văn hoá đã đề cập nhiều rồi.

SLNA gần như là một bộ mặt trái ngược hoàn toàn so với đối thủ B.Bình Dương ở trận này. Già nhất và ngang ngửa với Công Vinh, Anh Đức phía B.Bình Dương, SLNA có Như Thuật, Văn Vinh…, nhưng họ không phải là kép chính.  Thủ quân của đội bóng xứ Nghệ là Quang Tình, thuộc lứa 88, thậm chí còn trẻ hơn cả Quang Vinh, Tăng Tuấn.

Sau nhiều bận phải “bán máu” cầm hơi, hoặc không đủ khả năng tài chính để giữ quân, mà trường hợp gần nhất của Công Vinh là rất điển hình, SLNA luôn phải “gặt lúa non”. Khi U23 Việt Nam tập trận chuẩn bị cho SEA Games 28, quân SLNA đóng góp đến 7 – 8 người. Về việc này, từ hàng chục năm qua, xứ Nghệ luôn là số 1.

B.Bình Dương đã và vẫn luôn tập hợp rất nhiều hảo thủ, nhưng chưa bao giờ ý thức về sự đóng góp nhân lực cho các ĐTQG của họ được nêu cao. Tất nhiên, lối chơi của đội tuyển cũng không được xoay quanh các con người mà đất Thủ cung ứng, từ cabin BHL, đến đội ngũ cầu thủ. Đấy là điều ai cũng có thể thấy.

Trở lại với việc B.Bình Dương đang bị lão hoá, đi ngược lại gần như hoàn toàn tiêu chí hướng tới của bóng đá Việt Nam: Đầu tư phát triển đào tạo trẻ và nguồn nội lực. Nếu họ có tiếp tục “cô đơn trên đỉnh” thêm vài năm nữa, bằng túi tiền không đáy của mình, chắc chắn đấy cũng không phải là điều được hoan nghênh rồi.

Với việc thay máu liên tục, từ cabin BHL đến cầu thủ, nội bộ B.Bình Dương nhanh chóng phân tốp một cách khá rõ rệt. Trung lập và gần như không chủ đích tạo vây cánh, đấy là Công Vinh và Tấn Tài; một nhóm khác là các ngoại binh và người cầm đầu Moses, Dieng Abass không thuộc biên chế B.Bình Dương; Anh Đức và số cầu thủ người miền Nam khá thuần tính, nhưng nhóm cựu Thể Công của Phước Tứ, nhóm Nghệ An của Trọng Hoàng lại khác. Chỉ riêng Đình Luật có vẻ như không thuộc về nhóm nào vì cuộc sống ngoài sân bóng.

Suy cho cùng thì ở đâu cũng thế thôi. Và nếu có khác biệt, đấy là SLNA, ngay lúc này, với niềm tự hào và tinh thần tương thân tương trợ nặng tính bản địa.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm