18/09/2015 12:17 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Với việc giành chức vô địch V-League 2015 trước 2 lượt trận, tiền thưởng cứng cho B.Bình Dương là 8 tỷ đồng, bao gồm 3 tỷ của BTC giải và 5 tỷ thưởng thêm của Tổng Cty CP Thể thao – Bóng đá B.Bình Dương. Thêm chiếc Cúp QG nếu giành được sau trận chung kết với Hà Nội T&T vào ngày 26/9 tới đây, đội bóng đất Thủ sẽ có thêm 3 tỷ đồng nữa.
Như vậy, ngoài 55 tỷ đồng trong ngân quỹ hoạt động cho đội bóng/mùa giải, như thừa nhận của TGĐ Cao Văn Chóng với Thể thao & Văn hoá cách đây không lâu, B.Bình Dương còn có thêm rất nhiều khoản thu nhập khác.
Đất Thủ vô đối
“Về nguyên tắc, đáng lẽ chúng tôi không thể tiết lộ ngân quỹ hoạt động của đội bóng, nhưng tôi cũng chẳng giấu giếm làm gì. Trung bình mỗi mùa giải, B.Bình Dương chi tiêu hết khoảng 50 tỷ đồng. Nếu chúng tôi thi đấu ở AFC Cup hay AFC Champions League, sẽ đội lên khoảng 5 tỷ nữa. 80% số tiền này thu về từ quảng cáo, hợp đồng tài trợ với chủ yếu từ Becamex IDC, VSIP…; 20% còn lại là việc vé bán và tham gia thị trường chuyển nhượng…”, TGĐ Cao Văn Chóng cho biết.
Tất nhiên, 55 tỷ đồng chỉ là con số khi B.Bình Dương hạn chế tối đa việc mua vào. Như mùa giải vừa rồi, họ chỉ kéo thêm về Công Vinh (7 tỷ đồng) và Simic Marko (không tiết lộ). Còn như các mùa giải trước, khi đội bóng đất Thủ vẫn giữ thói quen thay thế hàng loạt (hoặc ít nhất cũng quá bán) đội hình, thì quỹ chuyển nhượng phải đội lên gấp nhiều lần. Điển hình là mùa bóng mà họ ký với bộ ba Văn Bình, Trọng Hoàng và Âu Hoàn, sau đó kéo thêm Phước Tứ, Tiến Thành, Tấn Tài…
Vì không có truyền thống đào tạo trẻ, B.Bình Dương thường phải bỏ nhiều tiền mua ngôi sao. Trong khoảng một thập niên qua, gần như mọi ngôi sao sáng nhất của nền bóng đá đều cập bến Thủ Dầu Một và trở thành những tỷ-phú-đá-bóng. Đến Chí Công cũng có giá 9 tỷ đồng/mùa giải, Tăng Tuấn cũng gần bằng khoản đó, thì đừng hỏi cỡ Xuân Thành, Đình Luật hay Phước Tứ. B.Bình Dương đã và đang vô đối trên thị trường chuyển nhượng và trên cả bảng vàng thành tích ở V-League.
“Chúng tôi có sự ổn định về tài chính, đó là điều chắc chắn. Song tôi biết, nhiều đội bóng cũng đầu tư rất lớn, thậm chí là còn lớn hơn B.Bình Dương nhưng thành tích lại không đồng hành”, vẫn chia sẻ của TGĐ Cao Văn Chóng. Thực tế, “những đội bóng từng đầu tư lớn hơn B.Bình Dương” (nếu có) là XMXT Sài Gòn, nhưng giờ đã giải thể.
Tiền nhiều = thành công?
Ở thời đại bóng đá kim tiền, dĩ nhiên, đồng tiền giữ vai trò quan trọng. Không có tiền (hoặc ít hay có mà không chịu chi), một đội bóng chỉ có thể mua được những sản phẩm cầu thủ lỗi mốt hoặc dùng “cây nhà lá vườn”. Điển hình như SLNA, HAGL, Đồng Tháp… ở mùa giải năm nay. Khi V-League vẫn làm ra tiền thì việc tái tạo đồng vốn thông qua các hạng mục kinh doanh của Cty Cổ phần là cực khó. Nếu thật lãnh đạo B.Bình Dương đã làm được điều đó thì quả là đáng học hỏi.
Trên thực tế, từng có giai đoạn mà B.Bình Dương đầu tư rất lớn, với chế độ lương – thưởng cao ngút, nhưng đội bóng vẫn không đáp ứng được sự kỳ vọng. Đó là thời hậu HLV Lê Thuỵ Hải (2009 – 2013). Giai đoạn này, B.Bình Dương liên tục thay máu, từ cabin BHL đến đội ngũ cầu thủ. Thành tích lọt vào đến bán kết AFC Cup 2009 cũng chỉ là sự thừa hưởng di sản mà ông Hải “lơ” để lại, bởi cũng trong năm đó, B.Bình Dương để chức vô địch V-League trôi ngược ra Chi Lăng (SHB Đà Nẵng).
Tiền là một chuyện, nhưng vai trò của người điều hành và đội ngũ kỹ thuật (HLV) cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề hoạch định chi thu, mua bán. Rất nhiều những bản hợp đồng tiền tỷ từng về Thủ Dầu Một, để rồi ra đi không kèn trống và đội bóng thường phải chịu phần thiệt khi thanh lý họ. Ngót 20 tỷ đồng cho Việt Thắng và Chí Công, nhưng gần như không mang giá trị sử dụng, cho đến trước khi B.Bình Dương đẩy họ về ĐTLA (theo dạng hợp đồng cho mượn, thậm chí cho luôn).
Thế mới nói, tiền (ở Bình Dương) không phải là vấn đề, mà vấn đề là giá cả. Mùa giải tới, chắc chắn đất Thủ sẽ lại “thay da đổi thịt”.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất