08/04/2014 12:35 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Cho đến trước khi ĐT.Long An làm cuộc nước rút thần kỳ ở những lượt trận cuối mùa giải năm ngoái để trụ lại, người ta từng sớm điền 2 cái tên miền Tây Nam bộ là K.Kiên Giang và ĐT.LA, như những ứng viên nặng ký cho các suất xuống hạng.
Đó là việc phải làm (của giới truyền thông, cũng như một bộ phận chuyên môn khác), vấn đề còn lại với các đội bóng là phải chứng minh điều ngược lại.
Viễn cảnh ấy có vẻ như đang lặp lại với bóng đá khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở V-League 2014, với người thế vai K.Kiên Giang là đội láng giềng, tân binh HV.An Giang, đang cùng với ĐT.Long An xuôi về giải hạng Nhất 2015, dù V-League mùa này chỉ có một suất xuống hạng.
Lên xuống như con nước
Không có bảng thành tích lẫy lừng như bóng đá Đồng Tháp, Long An (ở kỷ nguyên V-League) và thậm chí là Cần Thơ…, nhưng An Giang thực sự là thủ phủ, là trái tim của thể thao đỉnh cao miền sông nước Cửu Long, trong đó bao hàm luôn cả bóng đá. Các tờ báo thể thao ở Long Xuyên hay Châu Đốc bán chạy như tôm tươi, điều này hoàn toàn không nói ngoa.
“Gạch” sau trận thua tan nát 1-3 ở Thủ Dầu Một, trước B.Bình Dương, đối thủ mà chỉ cách đây nửa thập niên về trước, họ vẫn được xem là một chín, một mười, thực sự đã xuống đến đáy của thất vọng.
Cũng như HV.An Giang, sau 10 lượt trận đã đấu, cựu vương V-League vẫn chưa nếm mùi chiến thắng. Đó thực sự là điều rất đáng lưu tâm.
Quân yếu và thiếu, hay tiềm lực tài chính có phần không dư dả, là một chuyện, song các ý kiến khách quan khác cho rằng, một chiến dịch làm bóng đá khá nửa vời của đại bộ phận các CLB miền Tây Nam bộ mới là nguyên nhân sâu xa.
Chơi ở hạng mục giải đấu nào cũng thế, miễn là bóng đá còn tồn tại, thậm chí trở lại là vùng trắng (như K.Kiên Giang) cũng chẳng sao?!
Trách tại con đường?
Phải tìm đường xuôi miền Tây mới thấy hết sự cơ cực của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trong việc vận động tài trợ. Không có nhiều nhà tài trợ hay Mạnh Thường Quân vững chắc để tựa lưng, khi nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất hay phục vụ các hoạt động thương mại ở đây quá eo hẹp. Nhiều người nói vui, phải chăng nên trách tại cung đường?!
Sự bảo trợ lớn nhất từng xuất hiện trong làng bóng đá khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tất nhiên, đấy là các thương hiệu của Đồng Tâm. Nhưng bằng ấy thời gian cộng với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trên diện rộng, “Gạch” đã hao mòn nhiều rồi. Nhiều thời điểm (như mùa giải năm ngoái), các ông chủ của Đồng Tâm Group đã tính đến phương án trao trả lại đội bóng cho địa phương.
Trong khi đó, bao năm qua Tập đoàn Cao su Việt Nam gắn bó với bóng đá Đồng Tháp, với tỷ lệ được cho là 5/5, nhưng đơn vị kinh tế quốc doanh này hoàn toàn không có bất cứ nhà máy sản xuất nào ở xứ Tràm Chim.
Cây cao su cũng không thể trồng ở vùng sông nước. Điều tương tự đã và đang diễn ra ở hàng loạt các đội bóng láng giềng khác, rất khó để tìm hướng ra.
Cuộc đua danh vọng là thứ xa xỉ, nhưng từ hơn nửa thập niên qua, bóng đá miền Tây thậm chí chỉ có thể nghĩ đến mỗi một cuộc đua khác, đấy là cuộc đua chống rớt hạng. Từ TĐCS.Đồng Tháp, đến K.Kiên Giang, ĐT.Long An và bây giờ là HV.An Giang.
Cuộc chơi cũng lắm công phu, bóng đá khu vực đồng bằng sông Cửu Long phong phú về số lượng nhưng chất lượng lại không quá xuất sắc nên cứ phải cam phận lực bất tòng tâm!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất