13/12/2014 06:16 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/1 lần và khoảng thời gian này đủ để cho các địa phương chuẩn bị lực lượng một cách bài bản về chuyên môn để làm nên bất ngờ trong các cuộc thi đấu. Tuy nhiên, thực tế kết quả ở nhiều môn cho thấy, ưu thế trong phần lớn cuộc đua giành huy chương đều thuộc về các ngôi sao ở ĐTQG, cho dù họ chưa hẳn đã vượt qua cột mốc cao nhất về thành tích của chính mình trước đây.
Chuyện các ngôi sao ở ĐTQG chiếm ưu thế trong các cuộc thi đấu tại Đại hội hay giải VĐQG là chuyện bình thường. Lý do là bởi “quân” đội tuyển bao giờ cũng nhiều lợi thế hơn so với “quân” địa phương nhờ được huấn luyện dài hạn, thi đấu cọ xát nhiều hơn và nhận chế độ đãi ngộ cũng cao hơn.
Xuất phát từ những cái hơn của những tuyển thủ thuộc biên chế ở các đội tuyển, đương nhiên, người hâm mộ và (lẽ ra) cả những người làm công tác chuyên môn cũng có quyền đòi hỏi họ phải giành được một kết quả tốt hơn, chứ không hẳn là “màu” và số lượng huy chương ở đấu trường mà họ nghiễm nhiên đã là số 1.
Tuy nhiên, có một thực tế trong rất nhiều cuộc thi đấu tại Đại hội đang diễn ra không có nhiều thành tích thực sự khiến giới quan sát phải bất ngờ, đặc biệt ở những môn thể thao cơ bản, có thể “đo, đếm” được và rất dễ để nhận thấy có sự tăng trưởng hay không.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Ánh Viên có thể được coi là một điển hình trong số này. Tính đến hết ngày thi đấu thứ 2 ở môn bơi, kình ngư 18 tuổi đã giành 6 HCV cá nhân ở 6 nội dung thi đấu (50m ếch, 50m bướm, 100m tự do, 100m ếch, 200m ngửa, 200m hỗn hợp) và đưa Quân đội tạm đứng vị trí số 1 toàn đoàn.
Ánh Viên đang dẫn đầu về số lượng HCV nhưng kỳ vọng về một sự đột phá về thành tích vẫn chưa xuất hiện. Ở nội dung sở trường 200m ngửa, Ánh Viên từng giành HCĐ ASIAD 17 với thành tích 2’12”25 cách đây gần 3 tháng, song tại Đại hội, thành tích của Ánh Viên lại khá khiêm tốn, chỉ đạt 2’20”49, tức là kém hơn tới gần 8 giây. Tuy nhiên, thành tích này vẫn đủ để giúp Ánh Viên giành tấm HCV vì các đối thủ còn lại quá… yếu.
Nhìn sang môn cử tạ, câu chuyện tương tự cũng xuất hiện. Cái tên Thạch Kim Tuấn và thành tích HCB ASIAD 17 thực sự khiến cho môn thi này nhận được nhiều sự chú ý hơn so với các năm trước. Nhiều kỳ vọng được đặt vào Thạch Kim Tuấn trước khi vào cuộc ở hạng 56kg, sau khi lực sỹ này từng làm nên một cuộc rượt đuổi ngoạn mục với mức 294kg (cử giật 134kg - cử đẩy 160kg) cùng nhà ĐKVĐ Olympic 2012 Om Yun Chol tại Hàn Quốc cách đây 3 tháng.
Nhưng cuối cùng, Tuấn cùng chỉ cần đến mức tổng cử 283 kg (128kg – 155kg) là đã giành trọn bộ 3 HCV ở hạng 56kg. Một câu chuyện vui trong cuộc thi đấu của Tuấn tại Nam Định vừa qua, sau khi cầm chắc HCV, Tuấn định “biểu diễn” với mức cử giật 136kg nhưng không thành công.
Có nhiều cách để lý giải cho những thành tích như trên và cách dễ nhất là cần phải có cái nhìn… “thông cảm”. “Đại hội là giải đấu cuối cùng trong năm, hầu hết các VĐV đều đã trải qua một hành trình rất vất vả trong các cuộc thi đấu trước đó nên rất khó để đòi hỏi thành tích đột phá. Hầu hết chỉ đặt mục tiêu giành huy chương, chứ không nhiều người đặt mục tiêu phá kỷ lục”, một Trưởng bộ môn của Tổng cục TDTT cho biết.
Ngoài sự “thông cảm”, cũng khó có thể “trách” Ánh Viên hay Kim Tuấn, vì dẫu sao họ cũng đã hoàn thành nhiệm vụ là giành được đúng số HCV theo chỉ tiêu được giao.
Chỉ có điều, nhìn vào những thành tích này, người hâm mộ rất khó hài lòng, bởi nó dễ khiến người ta liên tưởng, phong trào thể thao đang cần “số lượng” hơn “chất lượng”.
Còn với các ngôi sao, nếu như không bắt buộc phải vượt qua chính mình, thì những cuộc thi đấu tại Đại hội cũng chẳng khác nhiều so với cuộc dạo chơi của họ.
Phúc Hưng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất