20/07/2016 19:57 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Sau gần 1 tuần tranh tài, giải đã khép lại tại TP.HCM nhưng với những VĐV tham dự giải đấu này, họ tự hào đã vượt qua nghịch cảnh, sống hướng thiện và luôn ý thức hòa nhập, cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho xã hội.
Thể thao là của mọi người
Đoàn thể thao TP.HCM như thường lệ đã thắng lớn tại giải đấu năm nay khi bỏ xa đoàn xếp thứ nhì là Hà Nội đến 115 HCV. Giải đấu này là một bài kiểm tra phong độ cuối cùng cho các VĐV trước khi tham dự Paralympics tháng 9 tới.
Bên cạnh thành tích được tính dựa trên số huy chương, kỷ lục, giải đấu năm nay còn mang một ý nghĩa đặc biệt, của riêng mỗi VĐV tham dự. VĐV Võ Văn Tùng thì giải không chỉ là cơ hội thử sức, tập luyện mà còn là dịp để anh tích lũy những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống: “Giải lần này với tôi chưa thể trọn vẹn. Vì đấu ở sân nhà nên tôi tiếc không được đi đây đó để mang về cho bản thân thêm nhiều kỷ niệm như hai mùa trước. Nhưng đó cũng là lợi thế với tôi, được đấu tại địa điểm quen thuộc cùng với các đối thủ không quá mạnh nên tôi thi đấu với tâm lý hết sức thoải mái. Và hơn hết, tôi nghĩ huy chương chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng với mình lúc này là cọ xát và kinh nghiệm”.
Với phương châm đấu giải là một, cống hiến là mười, VĐV ném lao Dương Thanh Tuấn bộc bạch: “Với một cựu chiến binh thi đấu thể thao như tôi thì giải đấu toàn quốc là dịp để thu nhặt niềm vui cho chính mình. Ngày trước tôi cầm súng để bảo vệ Tổ quốc thì nay tôi vẫn muốn tiếp tục đóng góp cho quê hương, sống vượt lên thương tật là cách tôi làm gương cho lớp trẻ. Tuy năm nay không có huy chương nhưng mình là đàn anh có thể truyền đạt cho các em sau, thấy họ thành công mình cũng hạnh phúc”.
Các CĐV luôn cống hiến hết sức mình
Với những VĐV bình thường, việc đổ mồ hôi để giành được những tấm huy chương không hề dễ dàng gì. Nhưng với VĐV khuyết tật, được đến với thể thao thôi chứ chưa kể đến giành được một tấm huy chương đã là cả một kỳ tích. Ngoài chuyện vượt qua mặc cảm để tập thể thao, các VĐV còn phải tự lập để xoay sở thi tài, tạm quên đi những khiếm khuyết cơ thể mình, những người bình thường chứng kiến có thể được truyền thêm động lực để sống tốt, có ích hơn cho xã hội.
“Sức sống mới” từ VĐV trẻ
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Vũ Thế Phiệt – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết: “Giải lần này nổi bật lên cái tên sáng giá như Nguyễn Văn Công, Nguyễn Bình An của cử tạ. Các em vẫn phát huy được năng lực của mình và là niềm hy vọng lớn lao sẽ viết kỳ tích cho Thể thao Việt Nam tại Paralympic sẽ diễn ra khoảng 2 tháng tới.
Còn giải đấu dành cho các VĐV trẻ để chúng ta phát hiện các VĐV tiềm năng cũng không thiếu những gương mặt ấn tượng có thể thay thế lớp đàn anh trong tương lai. Có VĐV khuyết tật nhưng thành tích đạt được ở nhiều nội dung không kém VĐV bình thường. Lực lượng VĐV này sẽ được cọ xát trước khi tham dự giải đấu Châu Á khởi tranh vào năm sau tại Malaysia”.
Theo HLV của đội cử tạ, ông Nguyễn Hồng Phúc: “Các VĐV trẻ năm nay mang lại sức sống mới cho giải đấu và niềm hy vọng rất lớn cho thể thao nước nhà. Giải đấu năm nay là bước chạy đà để thúc đẩy nhanh kế hoạch cọ xát, rèn luyện cho các VĐV trẻ.
Với những VĐV được phát hiện có khả năng, Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ có kế hoạch lâu dài để tạo cơ hội cho các em thử sức, thể hiện tài năng góp phần giúp ích cho thể thao Việt Nam”.
Trang Ý – Diệu Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất