Vụ 3 trẻ tử vong: Nghi ngờ vắc-xin có 'chất lạ'

24/07/2013 10:07 GMT+7 | Y tế

Bộ Y tế đã loại trừ nguyên nhân 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ và nghi ngờ trong mũi thuốc tiêm có chất lạ

Ngày 23/7, thượng tá Lê Quang Công, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết hôm nay, 24-7, PC45 sẽ trực tiếp đưa mẫu vắc-xin, các mẫu lấy từ tử thi ra Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xét nghiệm xem có điểm bất thường hay không.

Công an điều tra độc lập với Bộ Y tế

Thượng tá Công khẳng định việc điều tra nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa hoàn toàn độc lập với Bộ Y tế. Theo thượng tá Công, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơ quan công an chưa thể quyết định khởi tố vụ án vì phải tìm hiểu nguyên nhân tử vong do vắc-xin, sốc thuốc hay y tá thiếu tinh thần trách nhiệm.

Cùng ngày, GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết: Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế tỉnh Quảng Trị và đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã loại trừ nguyên nhân 3 trẻ tử vong do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Bộ Y tế đang xem xét 2 nguyên nhân còn lại là chất lượng vắc-xin và dịch vụ tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.

Bước đầu, một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thuyết có thể trong mũi thuốc tiêm cho 3 trẻ có chất lạ dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau. Cả 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh như tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; kết quả mổ tử thi đại thể có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thuyết. Mọi kết luận cuối cùng cần phải chờ kết quả kiểm nghiệm vắc-xin và mẫu bệnh phẩm. Dự kiến, 1 tháng nữa sẽ có kết quả cuối cùng” - ông Hiển nói.

Xem xét thời điểm tiêm chủng hợp lý

TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Sáng 23-7, Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để làm rõ nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B. Theo ông Bình, việc 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa rất hy hữu bởi trong lịch sử tiêm chủng chưa bao giờ có 3 trẻ tử vong sau khi tiêm cùng một loại vắc-xin, cùng một thời điểm và cùng một địa điểm.

Cũng theo ông Bình, hiện mẫu vắc-xin thuộc các lô liên quan đến các ca tử vong đã được chuyển ra Viện Kiểm nghiệm vắc-xin và sinh phẩm quốc gia xét nghiệm. Cùng đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương liên hệ với WHO gửi mẫu xét nghiệm tại một cơ sở kiểm nghiệm độc lập để đánh giá chất lượng vắc-xin. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tạm ngừng sử dụng vắc-xin cùng lô đã tiêm cho các trẻ bị tử vong. Các địa phương đã nhận 600.000 liều thuộc 2 lô vắc-xin này và đang thống kê số liều đã sử dụng cũng như bảo quản chặt chẽ để bảo đảm chất lượng.

Trước phản ứng của giới chuyên môn cho rằng nên bỏ quy định tiêm vắc-xin viêm gan B 24 giờ sau sinh mà thay bằng tiêm cho trẻ 2-3 tháng tuổi sẽ ít tai biến hơn, ông Bình cho biết đây là khuyến cáo của WHO dựa trên đặc điểm dịch tễ học khoảng 10% các bà mẹ Việt Nam mang thai có virus viêm gan B. Việc tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sẽ hạn chế nguy cơ trẻ bị viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan.

“Thời điểm 2007- 2008, hàng loạt sự cố liên quan đến vắc-xin viêm gan B, nhiều người đã đặt ra vấn đề “khuyên bà mẹ đi xét nghiệm máu xem có nhiễm virus viêm gan B hay không rồi hãy tiêm cho con”. Tuy nhiên mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.500.000 ca sinh, chi phí cho các xét nghiệm này khá cao mà cũng không thể thực hiện được ở cấp xã, phường vùng sâu, vùng xa. Nếu chỉ khuyến cáo bà mẹ nào xét nghiệm có virus viêm gan B mới nên tiêm cho con 24 giờ sau sinh thì sẽ có rất nhiều bà mẹ không đi xét nghiệm máu, do đó không đạt được mục tiêu phòng bệnh” - ông Bình giải thích.

Theo ông Bình, sau sự cố 4 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, tới đây, Bộ Y tế sẽ yêu cầu hội đồng chuyên môn họp xem xét lại thời điểm tiêm chủng. “Những bà mẹ có virus viêm gan B, tôi vẫn khuyến cáo nên cho trẻ tiêm phòng trong 24 giờ đầu nhưng với các bà mẹ xét nghiệm không mang virus này có thể lùi thời điểm tiêm mũi đầu tiên cho con ở thời điểm trẻ được 2-3 tháng tuổi” - ông Bình khuyến cáo.


Theo Ngọc Dung - Quang Nhật - Lê Trường
Người Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm