Chuyện Vũ Công Lập: Bayern & Barca, thất bại trên đỉnh & vượt lên từ đáy

18/03/2013 13:34 GMT+7 | Champions League

(giaidauscholar.com) - Đấy là hình ảnh Bayern và Barcelona trong trận đấu cuối cùng vòng 1/8 Champions League. Dù là hai hướng đi ngược chiều nhau, nhưng vẫn có một cái gì đó chung nhau cho hai ngả rẽ này.

Cái chung nhau ấy rất dễ nhận ra: Bất ngờ. Sau trận thắng huy hoàng trước Milan, Pique nhắn nhủ: “Giờ là lúc những ai đã tiên đoán trước cho thất bại của chúng tôi phải tự nguyện trả lại thẻ thành viên của CLB”. May quá, tôi không phải là thành viên của Barca, không đến nỗi xấu hổ mà phải trả lại thẻ.

Nhưng có lẽ nhiều người cũng như tôi, miệng nói rằng Barca không có khả năng lật ngược thế cờ, nhưng lòng lại thầm ao ước chuyện thần kỳ vẫn có thể xảy ra. Cái thứ bóng đá Barca phô diễn trên sân cỏ đẹp quá. Mà vẻ đẹp nào lại chẳng mong manh dễ vỡ?

Ngay cả bây giờ đây, khi mọi cảm xúc nóng hổi đã trôi qua, bình tâm nghĩ lại, vẫn thấy lo sợ. Nếu Niang không sút bật cột mà đưa trận đấu trở về tỷ số 1-1, thì giờ đây có lẽ chúng ta không nói về Barca, mà lại phải bình luận về Milan .

Bayern chơi không đẹp như Barca. Nhưng suốt 36 trận kể từ đầu mùa, họ chơi thứ bóng đá khoa học, chặt chẽ, và đầy thuyết phục. Tỷ số 3-1 ngay trên sân khách là vững vàng quá. Vững đến thế mà cuối cùng vẫn lung lay, lung lay đến mức run rẩy.

Để cả tuần sau đó, cả đội Bayern, từng cầu thủ Bayern vẫn cứ bị đem ra chê trách. Ngay cả khi đã thắng Leverkusen 2-1 để sẵn sàng cầm chiếc đĩa bạc Bundesliga, cái ánh sáng mới được thắp lên vẫn còn rất le lói. Juventus đang đứng trước mặt kia rồi. Bayern bây giờ bị soi, bị đánh giá bằng hai bàn thua ở trận Arsenal.

Cái chung thứ hai khó nhận ra hơn. Nếu nhìn nhận kết quả một trận đấu cụ thể không chỉ ở trận đấu ấy, mà như sản phẩm của cả một quá trình, thì ta lại thấy ở hai đội bóng này có cái gì đó như tất yếu ở khía cạnh tâm lý con người.

Pep Guardiola có nói rằng, trong nghề huấn luyện viên, thực sự làm bóng đá thuần túy chỉ có 30 % thôi, còn 70 % là giúp cầu thủ vượt qua những tác động của môi trường bên ngoài. Đương nhiên, ông nói thậm xưng một chút, để nhấn mạnh cái khía cạnh mà người ta vẫn đang còn xem thường.

Bayern: Cái gì thái quá thì cũng không hẳn là tốt

Ngay cả tốt quá thì cũng nguy hiểm. Như đã nói trong bài viết trước, sự thăng hoa cũng nên được xem như một tín hiệu báo động. Tín hiệu ấy đã nhấp nháy ở Bayern sau 2 trận đặc biệt thành công: Trận thắng Dortmund 1-0 ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia (ông Chủ tịch Uli Hoeness gọi trận này là trận xác lập trật tự trong bóng đá Đức), và trận hạ Arsenal 3-1 tại London (trận này thậm chí đưa Bayern lên ngôi ứng viên số 1 của Champions League).

Arjen Robben bỗng nhiên cá nhân một cách tệ hại

Tín hiệu đó đã có hình hài hiện thực sau đó, khi Bayern thắng Hoffenheim 1-0 một cách thiếu sinh khí, và vượt qua Duesseldorf 3-2 một cách may mắn sau khi bị dẫn trước 2 lần. Cái nguy khi gặp lại Arsenal đã đoán được, nhưng không đến mức ấy, và không ngăn cản được. Như mỗi chúng ta trong cuộc đời: Được dặn dò kỹ càng cả rồi đấy, nhưng một khi chưa thực sự trải qua thì vẫn cứ không tin, vẫn cứ không nghe lời.

Trên đỉnh cao, là cái sự cực kỳ khoan khoái. Khoan khoái đến mức người ta tự cho phép mình thể hiện những cái gì mà người ta vẫn phải nén chịu trong lòng. Và chúng ta bỗng thấy ở Bayern có những điều bất ổn. Ngay cả ở huấn luyện viên Heynckes. Ông vốn không thật thoải mái khi Guardiola sẽ thay ông, cho dù ông nói rằng, nếu ông nghỉ thì ông chỉ chấp nhận Guardiola là người thay thế.

Nhưng ông không hài lòng vì ban lãnh đạo đã chọn Guardiola mà không bàn với ông. Ông càng không hài lòng hơn, khi Bayern khiến ông bị bất ngờ khi thông báo hợp đồng với huấn luyện viên mới. Sau này, chính Hoeness cũng nói rằng, lẽ ra ông có thể chọn một thời điểm công bố khác đi.

Trong giai đoạn thăng hoa, Heynckes đã phản ứng với Rummenigge theo kiểu căng thẳng thái quá. Đấy là lúc Rummenigge tuyên bố trên báo ý định muốn mời Heynckes tham gia Hội đồng CLB sau khi ông chấm dứt nghiệp cầm quân. Heynckes cho rằng, đấy là một sự xúc phạm vì lẽ ra “ông ấy phải bàn bạc với tôi trước đã”.

Nhưng với Rummenigge, chuyện được hiểu hoàn toàn khác: “Đây là sự tôn trọng CLB dành cho ông ấy. Đấy là một lời mời. Còn có nhận lời hay không vẫn là toàn quyền của ông ấy chứ”. Bây giờ nghĩ lại, vẫn là chuyện muốn điều tốt cho nhau, nhưng tự nhiên thành gay cấn, là bởi mất  thăng bằng trong tâm lý.

Hay như Arjen Robben. Anh chấn thương, phải nghỉ dài hạn, rồi ấm ức khi phải vào vai cầu thủ dự bị. Trận gặp Dortmund ở Cúp quốc gia, Ribery nghỉ, Robben đá tuyệt hay, ghi bàn quyết định, một bàn thắng thuộc loại sở trường, có cỡ đẹp nhất mùa giải.

Vốn đá theo kiểu “ích kỷ” (có thể hiểu theo nghĩa tích cực), Robben bỗng nhiên cá nhân một cách tệ hại, bởi vì về mặt tâm lý, anh tin rằng đây là lúc anh có thể đòi lại món nợ khi anh xem rằng mình đã bị đầy ải bất công mấy tháng vừa qua. Tâm lý cá nhân quá mức ấy khiến Robben trở thành một trong năm cầu thủ chơi dở nhất đội.

Còn hàng phòng ngự của Bayern? Manuel Neuer hầu như chỉ có hai việc làm: Hoặc là đứng chơi, hoặc là vào lưới nhặt bóng. Anh không được thử thách đúng mức, và mất đi khả năng cứu thua trong những tình huống tưởng chết mười mươi. Dante cũng rất thong dong, dù hôm trước bắt chết Lewandoski, nhưng hôm nay lại để sổng Olivier Giroud.

Và Alaba bỗng hiện ra như một điểm yếu. Do vượt lên trước quá xa ở trong nước, và do vòng bảng ở Champions League cũng thuận lợi, Bayern không còn mạnh ở khả năng tử chiến kiểu đào hào đắp lũy khi bị công thành. Sự thái quá của những thắng lợi dễ dàng đã để lại hậu quả như thế, không chỉ tâm lý, mà ngay cả lối đá.

Cho nên, khi vào trận, Bayern có phần mất tập trung, mất thăng bằng tâm lý, do bị phân tán bởi nhưng ân oán riêng tư. Mặc dù vậy, Bayern vẫn rất tự tin, bị thua sớm vẫn còn bình tĩnh, nhưng việc không ghi nổi bàn thắng và bị thua bàn thứ hai đã đẩy cả đội vào những phút hoang mang. Có lẽ trong thời điểm đó, bóng ma thua trận chung kết 2012 đã lại hiện về. Bởi họ đã thua chính trên sân này, Allianz Arena.

Người ta nói rằng, thua thế có khi lại là may. Nó giúp Bayern tỉnh lại, chấm dứt một giai đoạn xuống đáy, và bây giờ thì họ lại leo dần lên. Tốt nhất là đến đỉnh vào đầu tháng tư, khi Juventus đến làm khách. Mong sao cho cái đồ thị đỉnh - đáy - đỉnh kiểu hình sin ấy chọn đúng thời điểm để có cực đại vào thời khắc cần thiết. Cái chính là cầu thủ Bayern tìm lại được niềm tin vào bản thân mình, bởi họ thực sự là đội bóng mạnh. Và với họ, Barcelona chính là bài học lớn.

Barcelona: Chỉ cần họ là chính mình

Đẳng cấp của Barca và Messi gần như là điều được công nhận. Đôi khi có tranh luận, cũng không hiếm thách thức, nhưng để rồi cuối cùng lại đi về cái điểm ban đầu: Đấy là sự thật. Miễn là họ thể hiện đúng như chính mình.

Barca cũng đã không ít lần thất bại. Nhưng để đánh bại Barca thì phải hội đủ 2 điều kiện: Vào thời điểm thích hợp, và không cho Barca là chính họ. Mùa bóng 2011-2012, Barca thua Real ở La Liga, thua Chelsea ở Champions League, sau hai năm ngập tràn vinh quang với đủ loại danh hiệu có thể. Đấy là lúc Barca cần phải tự làm mới mình, và có lẽ vì lý do đó mà Guardiola ra đi.

Còn năm nay, sau những trận đấu thành công, Barca đã xuống đáy, bởi 3 trận thua trong vòng 10 ngày. Nhưng, trong khi có người tiên đoán về sự chấm dứt một thời hoàng kim, thì Barca lại tỉnh táo từ đáy bay lên. Âu cũng là điều hợp quy luật. Trận thua Milan 0-2 đã là cực tiểu rồi.

Đấy là thời điểm, còn về lối đá? Có lần, Xavi mô tả đơn giản: Tiqui-Taca là luôn cố gắng dành quyền kiểm soát bóng, và trong khi kiểm soát bóng thì tìm cách ghi bàn vào lưới đối thủ. Ngay từ thời Johan Cruyff, triết lý bóng đá ở Barca đã là, luôn luôn để cho bóng lăn qua những đôi chân cầu thủ đội mình.

Đẳng cấp của Barca và Messi gần như là điều được công nhận

Muốn làm được điều đó, thì cầu thủ phải biết chạy chỗ. Đường chạy cầu thủ quyết định đường đi của quả bóng. Chạy khi đồng đội mình giữ bóng, chạy khi đối thủ có bóng, chạy để cướp bóng, chạy để xé rách đội hình đối phương, chạy để ghi bàn. Bản chất chiến thuật là tạo ra đường chạy phù hợp với từng đối thủ. Và muốn có đường chạy, phải xác định được đội hình.

Trước trận chung kết Champions League 2011, người ta đã thấy Man Utd và Barca là 2 đội bóng khác hẳn nhau, ngay từ khi luyện tập để quen sân. Man Utd vẫn sử dụng cầu môn quen thuộc, chuyền bóng, rồi sút cầu môn.

Trong khi đó, Barca chỉ sử dụng một nửa sân lớn, không dùng cầu môn, không sút bóng vào lưới, họ chỉ chia đôi đội hình, chơi kiểu 8 chống 8, và trên nửa sân ấy 16 cầu thủ chỉ chạy và chuyền bóng cho nhau mà thôi. Chấm hết. Chuyền bóng để ru ngủ hay thôi miên đối thủ.

Khi ấy bàn thắng là đương nhiên. Và chỗ đứng, đường chạy của cầu thủ chia làm 2 phần: Phần bất biến, như nền tảng, và phần hữu biến, chọn theo từng đối thủ. Những đường hữu biến ấy, phải luyện đến thành thục, nhiều khi nhắc lại đến 50 lần. Để thành tự động, khiến cầu thủ như “có mắt sau gáy”, hay “nhắm mắt cũng có thể chuyền bóng đúng chỗ đồng đội”. Đá bóng theo những sơ đồ đã lập trên máy tính, một cách làm mà Lobanowskyi đã khởi đầu từ những năm 1980, ở một đất nước được xem là nghèo. Không cho Barca đá kiểu này, thì sẽ dành thắng lợi.

Cũng đã có không ít lần đối thủ của Barca làm được điều ấy. Trận Milan, ta thấy cầu thủ Barca không còn biết chạy đi đâu. Ngay những đường chuyền của Xavi, Iniesta cũng rơi vào chân đối thủ. Messi luôn bị vây chặt. Đến trận lượt về thì đã khác, Barca lại trở về chính Barca. Cầu thủ chiếm lĩnh toàn mặt sân và  lại di chuyển liên tục, bóng đưa đi đưa lại lúc nhanh lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, và Barca lại ập vào cướp bóng nhanh như chớp khi đối thủ vừa có bóng. Và lúc đó thì Barca lại là “vô đối”.

Thêm nữa, Barca có một Messi ở phong độ thông thường của anh. Bàn thắng thứ nhất: Ngay trước vòng cấm, giữa vòng vây 5 đối thủ, chỉ cần một chớp mắt, khi lộ ra cái khe hở vài chục phân, không có chạy đà, không phải cú sút, mà như Messi ném bóng vào góc cao khung thành. Chính xác như một bài thực hành vật lý trong phòng thí nghiệm.

Bàn thứ hai, sản phẩm của một đợt phản công chớp nhoáng. Trước mặt Messi vẫn còn đối thủ, và anh đưa bóng qua chân hậu vệ đội khách theo kiểu xâu kim. Lại là sự chính xác đến hoàn mỹ. Đẹp đến độ thỉnh thoảng nằm xuống trước khi đi vào giấc ngủ lại phải nhớ đến bàn thắng này. Đẹp đến nỗi bây giờ ngồi nhớ lại và mô tả lại vẫn thấy náo nức, rạo rực. Hiếm người như Messi, đem lại những cảm lúc sâu đậm và bền bỉ đến vậy trong lòng người xem.

Barca hôm nay là sản phẩm của một quá trình. Từ dòng sữa La Masia, đã trở thành dòng máu Barca. Mà đã là máu thịt thì không còn có thể phai nhạt. Máu thịt làm nên sức mạnh của con người. Như năm 2011, khi đoạt Champions League, người thay mặt đội nhận cúp từ tay Michel Platini, người bước lên và đeo băng đội trưởng không phải là Puyol, mà là Abidal, cầu thủ vừa phẫu thuật ung thư gan và mới quay trở lại.

Như cảnh chiếu trên truyền hình: Xavi, Puyol, Iniesta ngồi im lặng trước phòng mổ chờ kết quả phẫu thuật của huấn luyện viên Tito Vilanova. Và như Daniel Alves đã mô tả thay cả đội: “Chúng tôi phải đá sao cho Tito yên lòng điều trị tại New York”. Tito hẳn rất vui lòng, khi các học trò của ông đã đạt được điều tâm nguyện ấy. Và các cầu thủ cũng vui mừng: Ngày 25/3, Vilanova sẽ trở về, sớm hơn so với dự kiến.

Có thể Barcelona sẽ thua trận này hay trận khác trên sân cỏ. Nhưng những đóng góp của Barca cho bóng đá là bất tử, cả trên khí cạnh chuyên môn, lẫn trong tư chất con người.

Vũ Công Lập

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm