Bệnh 'cắp ô'

21/05/2019 20:03 GMT+7

(giaidauscholar.com) - “Cần xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, “phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân..." - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy trong lễ phát động phong trào thực hiện văn hóa công sở vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Thêm khoảng cách giữa các công chức

Thêm khoảng cách giữa các công chức

Tại nghị trường Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Ngân sách khó đảm bảo việc tăng lương theo lộ trình từ 1/5/2013, theo mức tăng dự kiến từ 1,05 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng...

Thẳng thắn, lâu nay, chúng ta cũng không lạ gì cụm từ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” trong đời sống hàng ngày. Nó đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm nay - tới mức báo giới và dư luận có hẳn thuật ngữ “cán bộ cắp ô”, khi nói về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hiệu quả làm việc… vô cùng khiêm tốn.

Vậy, khái niệm “cắp ô” ra đời từ bao giờ?

Thực tế, chưa ai trả lời được câu hỏi ấy – dù có người từng phỏng đoán rằng chuyện “cắp ô” bắt đầu từ hình ảnh của những công chức người Việt thời Pháp thuộc, với sự máy móc, đơn điệu trong công việc và sự uể oải, kém nhiệt tình từ chính họ khi phải làm việc trong một bộ máy không mấy coi trọng người bản xứ.

Chú thích ảnh
Nguồn: Internet

Nhưng chắc chắn, cụm từ “cắp ô” xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Bằng chứng là tròn 90 năm trước, trong bài “Còn kịp đấy” trên “Hà thành Ngọ báo”, số ra ngày 29/5/1929, học giả Hoàng Tích Chu đã sử dụng hình ảnh này.

Ông viết: “Đời cạo giấy không kiếm ăn được. Bọn thanh niên ngày nay hiểu thế lắm. Nhưng phần nhiều vẫn chui rúc, không ra khỏi được cái đời đội mũ cắp ô đi ngày bốn buổi”. Để rồi kết luận: “Đừng phàn nàn nữ , bọn thanh niên. Còn kịp đấy. Đã hết mơ màng thì phải bạo sống bằng cách thực. Đã hiểu thì phải dám làm”.

Những lời nhận xét ấy, sau gần 1 thế kỷ, vẫn rất gần cách mà chúng ta hình dung về những công chức, viên chức “cắp ô” của ngày hôm nay. Đều đặn, năm nay qua năm khác, họ tới cơ quan để “cạo giấy” rồi về. Không tiến bộ về chuyên môn, sống đều đều tẻ nhạt, thiếu ước mơ và khát vọng, cuộc sống của những anh công chức, viên chức cứ diễn ra với sự tù đọng, làng nhàng như thế.

Cũng cần nói thêm, với cách nghĩ chung, những anh công chức, viên chức “cắp ô” thường mặc định được gắn với thân phận của các nhân viên hành chính công sở - nghĩa là trên lý thuyết, ít nhiều không trực tiếp tham gia vào việc tạo ra sản phẩm vật chất trong xã hội. Định kiến ấy không chỉ có tại Việt Nam, mà từng có ở khá nhiều quốc gia. Chỉ cần đọc những truyện ngắn của Chekhov (Nga) hay O.Henry (Mỹ), bạn đọc sẽ thấy những anh công chức, viên chức trong đó thảm hại vô cùng, với sự tù đọng và những “giấc mơ con” của mình.

***

Thẳng thắn, bộ máy hành chính tại Việt Nam vẫn còn những bất cập. Ở đó, với một lượng công chức, viên chức quá đông (trong khi nguồn lương cơ bản không đảm bảo), rất nhiều công chức, viên chức đã “cắp ô” để làm việc – hoặc tệ hơn, chuyển sang gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân để tìm kiếm nguồn lợi cho mình.

Thế nhưng, chúng ta không thể đổ hết lỗi lên cơ chế, khi mà xuất phát điểm của bệnh “cắp ô” vẫn là sự lười nhác, thiếu khát vọng.

Bởi, bản chất của đời sống vẫn luôn là một hành trình vận động không ngừng nghỉ. Và, những gì không còn phù hợp sẽ được đào thải dần để phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và con người.

Không phải ngẫu nhiên, liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt quy định và dự thảo liên quan tới đội ngũ công chức, viên chức đã được đặt lên bàn cân. Ở đó, bên cạnh vấn đề xây dựng văn hóa công sở (với việc loại trừ các căn bệnh “cắp ô”, “vô cảm”, “không nhúc nhích”...) còn là những đề xuất tăng độ tuổi lao động của công chức, viên chức để tận dụng kinh nghiệm, cũng như cân bằng quỹ hưu trí trong dài hạn. Rồi, giờ nghỉ trưa của công chức, viên chức cũng đang được đề xuất ấn định ở thời lượng 60 phút đồng hồ, giống như quãng thời gian nghỉ trưa của phần đông các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Những thay đổi ấy – dù có thể được áp dụng hoặc chưa – đến từ một thực tế tất yếu: chúng ta đang nỗ lực tự đổi mới, để có thể bắt kịp và vươn lên trong xu thế phát triển của nhân loại.

Thực tế ấy chỉ có thể đến từ khát vọng và nỗ lực tự làm mới của mỗi con người – trong đó có cả trường hợp của những công chức, viên chức “cắp ô”.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm