Bệnh 'trì trệ' đầu Xuân

18/02/2020 07:38 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Nhiều năm gần đây, người ta vẫn nhắc tới một "căn bệnh" thường xuất hiện sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Đó là bệnh trì trệ, bởi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đến mức, nhiều nơi phải ra thông báo nhắc nhở mọi người chấn chỉnh tác phong làm việc đầu Xuân, giảm bớt tiệc tùng, lễ hội...

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, gần 200 người chết vì tai nạn giao thông. Hơn 4.000 người nhập viện vì đánh nhau, trong đó 13 người chết.

Năm nay, ngẫu nhiên đầu Xuân cũng là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát và hiện vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là dường như, dịch bệnh lại làm lan tràn cái tâm lý trì trệ, vốn sẵn có ở “tháng ăn chơi” này.

Đầu tiên là việc phải cho học sinh phổ thông, sinh viên đại học nhiều trường nghỉ học, tránh lây lan. Tiếp đến là việc phải hạn chế tụ tập đông người khiến cho nhiều lễ hội đầu Xuân phải hủy bỏ. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Các loại hình kinh doanh dịch vụ, giải trí, nhà hàng, siêu thị… cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Rất nhiều phụ huynh phải chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con, một số công ty cũng phải chia sẻ khó khăn, phải cho phép nhân viên nghỉ hoặc là làm việc tại gia. Điều này càng khiến cho không khí làm việc đi xuống.

Khi có dịch bệnh thì việc cho học sinh nghỉ học là đúng đắn; các loại hình kinh doanh, sản xuất và dịch vụ giải trí công cộng có thể bị ảnh hưởng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta lấy lý do dịch bệnh để lơ là làm việc. Nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tôi có người anh kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dịp này lượng khách đúng là có giảm đi. Nhưng anh vẫn mở quán đều đặn để phục vụ các khách quen và giữ chân đám nhân viên. Quan điểm của anh là chừng nào chưa có khuyến cáo… "cấm ăn uống ngoài tiệm" thì tiệm anh vẫn mở cửa bình thường. “Khách vẫn có nhu cầu thì mình không thể không phục vụ - đó là chữ tín. Hơn nữa, để gián đoạn trong kinh doanh là mất khách” - anh nói.

Chú thích ảnh
Chùa Hương đón lượng người hành hương chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Không phải riêng anh, rất nhiều cửa hàng, các khu vực chợ đầu mối vẫn hoạt động bình thường. Bản thân tôi cũng vừa đến một số địa điểm du lịch ở vùng không có dịch bệnh, tôi thấy các hoạt động vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, dù các biện pháp phòng tránh dịch bệnh được áp dụng rất nghiêm túc. Nhân viên các địa điểm du lịch luôn thông báo, nhắc nhở cho mọi người giữ gìn vệ sinh và thường có lọ nước rửa tay miễn phí ở lối vào. Lượng du khách tuy có giảm nhưng chất lượng dịch vụ vẫn được duy trì. Đấy là những việc làm đúng, rất phù hợp.

Chúng ta chắc là còn nhớ phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả hậu phương lớn miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Phong trào này đảm bảo cho hậu phương vẫn có lương thực để ăn, không lo bị đói mà vẫn hỗ trợ được cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. So sánh thì khập khiễng, nhưng trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, Chính phủ cũng đã kêu gọi người dân “chống dịch như chống giặc”, cho nên tất yếu, dù có khó khăn thì cộng đồng phải chung tay tháo gỡ, tìm giải pháp vừa “chống giặc” tốt, vừa sản xuất giỏi.

Chú thích ảnh
Đền Cờn (Nghệ An) vắng vẻ vì dịch bệnh. Nguồn: Báo Văn hóa

“Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước” - Thủ tướng Chính phủ đã nói như vậy trong một cuộc họp mới đây.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể và hiệu quả, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Ngoại trừ những khu vực đã cách ly, khoanh vùng có dịch thì tại các địa phương không có, chưa có dịch không có lý do gì mà mọi người có quyền "trì trệ".

Hãy vứt hẳn cái tâm lý của “tháng ăn chơi” đi, nếu còn rơi rớt lại ở đâu đó. Thực tế đang đòi hỏi chúng ta điều ấy.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm