04/06/2015 18:37 GMT+7 | Trong nước
Hồi còn trẻ, khi nói đến Colombia, điều mà tôi biết chút ít về đất nước nằm ờ phía Tây - Bắc của Nam Mỹ này chỉ là ba cái tên: Gabriel Garcia Marquez, Rene Huiguita và Pablo Escobar, cùng vài nét sơ sài về các tổ chức cánh tả ở đây như Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) hay Lực lượng vũ trang cách mạng (FARC).
Trong ba cái tên cá nhân nói trên, người đầu tiên là nhà văn, giải thưởng Nobel Văn học, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết để đời, trong đó có Trăm năm cô đơn mà tôi được đọc bằng cả bản tiếng Tây Ban Nha và bản tiếng Việt (do các anh Trung Đức, Phạm Lợi và Quốc Dũng dịch). Người thứ hai là cựu thủ môn bá đạo nhất hành tinh, với cú phá bóng “kiểu con bọ cạp”, thường xuyên lao lên tấn công để trở thành một trong bốn thủ môn ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại. Còn người thứ ba là ông trùm buôn ma túy khét tiếng mà tôi cũng đã từng dịch một số bài về nhân vật đặc biệt này.
Với tôi, Colombia hầu như là một miền đất mới, xa lạ và bí ẩn. Và mới đây, nhờ biết tiếng Tây Ban Nha, tôi đã có dịp đi cùng một đoàn của Bộ Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sang Colombia trong chuyến thăm và làm việc 5 ngày về quy hoạch đô thị, chủ yếu tại Thủ đô Bogota và Medellin, hai thành phố lớn nhất của một đất nước có diện tích bằng 1/3 Việt Nam và có số dân 45 triệu người.
Do chủ quan nghĩ rằng Panama, nơi tôi đang sống cùng con cháu, chỉ cách Bogota có hơn một giờ bay, lại đang là mùa Hè nóng đến chảy mỡ, khi rời Panama tôi đã không mang theo một bộ vest hay chiếc áo khoác nào, dù vẫn phòng bị bằng một chiếc áo len cộc tay và một chiếc sơ-mi. Vì thế, khi đặt chân xuống sân bay Dorado, cái tên có nghĩa là “Dát vàng” lấy từ truyền thuyết ở Colombia có một mỏ vàng lớn trong những thế kỷ trước, tôi đã nhận ra sự thiếu kiến thức của mình.
Trời rét ngọt, vào khoảng 14 độ C, một chiếc áo guayabera (áo dân tộc của Cuba và một số nước Mỹ Latin) là không đủ ấm. Giật mình mới nghĩ ra, Bogota là một thủ đô nằm ở độ cao trên 2.600m so với mặt nước biển, trong đó một bộ phận quan trọng của thành phố còn được xây dựng trên lưng chừng núi. Hôm đi cáp treo lên đài quan sát toàn thành phố trên một ngọn núi cao 3.600m, dù đã mặc một áo phông, một sơ-mi dài tay và một áo len cộc tay khoác ngoài, tôi vẫn bị lạnh và cảm thấy hơi mệt do không khí bị loãng.
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao nhiều đội tuyển bóng đá quốc gia lừng danh như Argentina và Brazil, mỗi khi hành quân đến La Paz, Thủ đô của Bolivia, trong các giải đấu của Nam Mỹ, lại bị thua tan tác, vì họ phải chơi trên sân nằm ở độ cao hơn 5.000m so với mặt nước biển. Lần đầu tôi biết không khí loãng là như thế nào.
Một sự chủ quan nho nhỏ thứ hai là không đổi tiền ngay ở sân bay. Quen ở Panama, một đất nước “đô-la hóa” hoàn toàn, khi đến sân bay Dorado tôi đã bắt taxi ngay và về thẳng khách sạn. Đến lúc trả tiền mới ngớ người ra là ở Colombia chỉ tiêu tiền peso nội địa (một đô-la Mỹ bằng 2.270 peso). Sau một hồi trình bày, người lái taxi cũng “vui vẻ” cho tôi trả bằng đô-la, nhưng lấy đắt gần gấp hai lần thực tế (30 USD).
Mãi tới ngày hôm sau tôi mới biết giá taxi mà tôi phải trả bằng đô-la Mỹ là quá “chát”. Hóa ra ở Bogota cũng có taxi “dù”. Bởi lẽ, taxi màu vàng, mới là các hãng của nhà nước, có giá vé đúng quy định, nhưng lại không cấp hóa đơn. Còn taxi màu trắng mà tôi đi là của tư nhân, giá đắt nhưng lại cấp hóa đơn, tiện cho thanh toán, theo quy định của Ngân hàng Thế giới.
Còn bài học thứ ba là một điều không thể ngờ tới. Kết thúc chuyến đi 5 ngày, tôi suýt bị giữ lại ở sân bay Rio Negro của thành phố Medellin. Đúng là đen đủi, như cái tên của sân bay: Rio Negro (Dòng sông đen) theo tiếng Tây Ban Nha. Chả là cô nhân viên ở quầy bán vé cứ đòi tôi phải trình cho được vé khứ hồi về Việt Nam.
Tôi hỏi tại sao đã có visa vào Colombia do sứ quán của nước này ở Panama cấp, lại có đủ vé đi, vé về Panama, mà cứ nằng nặc đòi vé về Việt Nam, thì cô nhân viên trả lời gọn lỏn: quy định hàng không của chúng tôi như thế, nếu ông không trình được vé về Việt Nam thì tôi không thể cho ông lên máy bay về Panama. Vừa bực mình vừa “cà cuống” vì ai nghĩ phải mang vé khứ hồi về Việt Nam đi theo làm gì (vé điện tử) trong khi hạn của nó là một năm. Rất may là thời đại công nghệ, tôi gọi điện về con trai tôi tại Panama nhờ scan vé về Việt Nam để chuyển qua cho tôi rồi mới được lên máy bay.
(Còn tiếp)
Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất