21/10/2013 09:17 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Hoàng đế Augustus là một thiên tài chính trị, một nhà cải cách lớn đồng thời còn là một nhà bảo trợ nghệ thuật và một người đàn ông của gia đình. Triển lãm mới ở Roma (Italia) thể hiện cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế mà tên ông đã được lấy làm tên của tháng 8 (August).
Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 2.000 năm ngày mất của Augustus. Sinh năm 63 trước Công nguyên và mất năm 14, ông là vị hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã, nhân vật đã mở ra một triều đại tương đối hòa bình, được biết đến là Pax Romana, thời kỳ đạt được nhiều thành tựu về kiến trúc và nghệ thuật.
Không phải hoàng đế bình thường
Roma tổ chức triển lãm lớn về Augustus gần đây nhất là hồi năm 1937. Triển lãm mới, được tổ chức tại Scuderie del Quirinale, gồm hơn 200 tác phẩm độc đáo được mượn từ nhiều bảo tàng trên khắp thế giới, trong đó có nhiều bức tượng, đồ trang sức.
“Tôi đã cố gắng tổ chức triển lãm này từ cách đây nhiều thập kỷ, nhưng không thành công. Đây là một nỗ lực lớn, mất nhiều thời gian và cả tiền bạc. Chúng ta được biết tới hơn 210 tác phẩm chân dung và tượng của Augustus. Ông không phải là một vị hoàng đế bình thường” - Eugenio La Rocca, người tổ chức triển lãm, cho biết.
Augustus là con nuôi của Julius Caesar, một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã, người duy nhất có khả năng chấm dứt cuộc lục đục nội bộ đẫm máu và đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Ông trở thành nhà lãnh đạo của La Mã, sau khi chiến thắng Mark Antony và Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra vào năm 27 trước Công nguyên.
Augustus thống trị Đế chế La Mã hơn 40 năm, dài nhất trong lịch sử La Mã. Thời kỳ này, Đế chế La Mã đã có cuộc mở rộng lãnh thổ lớn, trải dài khắp vùng Địa Trung Hải, từ Tây Ban Nha tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Maghreb (vùng đất của 3 nước Maroc, Algeria và Tunisia) tới Hy Lạp và Đức.
Triển lãm còn thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của kỷ nguyên này, thời kỳ tạo ảnh hưởng kéo dài cả thiên niên kỷ tới nền văn minh phương Tây, thông qua một số kiệt tác được mượn từ các bảo tàng và sưu tầm tư nhân. Trong đó có một số tác phẩm chưa hề được trưng bày ở Italia, như bức tượng đồng mượn từ Bảo tàng Athens. Bức tượng này được tìm thấy dưới đáy biển Aegea.
Đây là lần đầu tiên nhiều bức tượng nổi tiếng của Augustus được trưng bày cùng nhiều hoàng đế khác, như Pontifex Maximus.
Nhà lãnh đạo vĩ đại
Mariarosaria Barbera, người quản lý di sản khảo cổ của Roma, cho biết Augustus đặc biệt muốn những hình ảnh của mình phải phản ánh được các tư tưởng chính trị và các kế hoạch của ông cho tương lai.
“Ngay từ khi còn trẻ, Augustus đã là một người đàn ông đầy quyền uy, ông đã đưa mọi thứ vào luật, quy định cả người dân được phép mặc những chiếc áo choàng dài bao nhiêu” – Barbera nói.
Caius Octavius lấy hiệu là Augustus (tiếng Latin có nghĩa là oai nghiêm hoặc tôn kính) nhằm thể hiện vị trí của mình.
Với sự hỗ trợ đắc lực của tướng Agrippa, người bạn thân nhất đồng thời là con rể (Agrippa kết hôn với con gái duy nhất của Augustus là Julia) kiêm cố vấn chính trị Maecenas, Caesar Augustus đã mở rộng lớn lãnh thổ của mình. Ông còn nổi tiếng là nhà bảo trợ nghệ thuật và đã hỗ trợ Virgil, Horace, Livy và Ovid. Các nghệ sĩ của thời ấy lấy cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại, song cũng tạo được các phong cách mới cho đế chế mới.
Ông Roger gọi đây là “thời kỳ đặc lợi trong lịch sử La Mã” khi dưới thời Augustus, Roma đã biến chuyển từ "một thành phố bằng đất thành một thành phố cẩm thạch”.
Rất nhiều người cho rằng Augustus là hoàng đế vĩ đại nhất của La Mã. Trong triều đại của mình, Augustus đã cải cách hệ thống thuế của La Mã, phát triển một mạng lưới đường sá với hệ thống liên lạc chính thức, thiết lập quân đội thường trực (và một lực lượng hải quân nhỏ), thiết lập lực lượng Vệ binh Praetorian, tạo ra hệ thống bảo an và lính cứu hỏa cho thành Roma. Nhiều thành phố được xây dựng lại dưới thời của ông.
Khi qua đời vào năm 14, Augustus được Viện Nguyên lão phong là một vị thần, được dân La Mã thờ phụng. Tên của ông và của Caesar được lấy làm đế hiệu của các hoàng đế sau này và tháng 8 (August) được chính thức đặt theo tên ông.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất