(giaidauscholar.com) -
Dường như chưa bao giờ Di cười nhiều và cười to đến thế, mà niềm vui thì bé nhỏ. Ấy là lúc anh ngồi thả lỏng bên sông Hàn, giữa hai buổi học của work shop dạy làm phim ngắn cho 12 nhà làm phim trẻ, vừa khai giảng hôm 4/11 tại Đà Nẵng - dấu chấm xa mờ của hy vọng, sau một mùa phim hè (về cơ bản là) thất bát của điện ảnh Việt.* Vậy mà tôi lại tưởng lúc này anh đang “xoay trần, đánh vật” với bộ phim mới Cha con và… của anh chứ?- Thì đúng là xong ở đây (8/11) là tôi lại quay về Sài Gòn để tiếp tục “đánh vật” với nó đây, để chuẩn bị cho kế hoạch bấm máy vào tháng 3 năm sau. Đến bận như anh Trần Anh Hùng (hiện đang thực hiện một dự án riêng tại Pháp) mà anh ấy còn thu xếp về giúp chúng tôi được cơ mà, với một “đồng lương” hết sức tượng trưng, khiêm tốn.
* 4 ngày học làm phim ngắn, anh nghĩ, có thể cho một nhà làm phim trẻ hy vọng gì?
- Trước hết là cơ hội được tiếp xúc một loạt nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên có tiếng: Trần Anh Hùng, Nguyễn Vinh Sơn, Victor Vũ, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Khắc Huy, Kathy Uyên, Trương Thế Vinh, Trần Bảo Sơn, Vân Trang… và tận thấy, tận nghe họ trao đổi kinh nghiệm làm nghề, cách làm thế nào để đi từ một kịch bản đến một bộ phim hay từ một bộ phim ngắn đến một bộ phim dài và hơn thế… Trần Anh Hùng, chẳng hạn, ngay trong ngày đứng lớp đầu tiên, đã chỉ cho các bạn trẻ thấy cái gì tạo nên phong cách của một người làm phim, ngôn ngữ điện ảnh nằm ở đâu, cũng như sẽ làm việc với các bạn trên từng kịch bản cụ thể. Kết thúc khóa học, Ban giám khảo gồm đạo diễn Trần Anh Hùng (chủ tịch), diễn viên Đỗ Hải Yến, nhà sản xuất Bích Ngọc… sẽ chọn ra 3/6 dự án tham gia work shop để tiến hành hỗ trợ bằng tiền mặt, thiết bị hay tham gia diễn xuất… Dù so về mặt tài chính là khiêm tốn hơn hẳn một liên hoan phim nhưng điều đáng kể ở một work shop là công việc của bạn được chăm sóc, hỗ trợ từ lúc đang còn là trứng nước đến tận khi ra thành quả. Là ếch hay chẫu chàng thì chưa biết nhưng ít ra, bạn có cảm giác rất rõ ràng về sự chia sẻ và đồng hành từ những người đi trước ở thời điểm bạn cần đến nó nhất.
* Diễn ra ngay sau dư âm buồn của một mùa phim hè thất bát với điện ảnh Việt, work shop này muốn nói với các bạn trẻ điều gì?
- Trẻ, thì may mắn là chưa phải đối diện với cái gọi là “thực tế phũ phàng”, lại đang còn đầy ắp sự hồ hởi của những người mới bắt đầu. Bài học đầu đời cần thiết vì vậy sẽ là dạy các bạn trẻ cách nhận biết chỗ họ đang đứng là ở đâu, con đường họ đi dài rộng thế nào, làm thế nào để thuyết phục được các nhà sản xuất và thái độ nào là cần thiết để đi đến cùng với nó… Lĩnh hội được nó cũng chính là cách giúp họ tiết kiệm được thời gian, đỡ mất công cho những loay hoay tìm đường không đáng…
* Thái độ cần có nhất ở đây, theo anh, là gì? - Tìm kiếm là cần thiết, nhưng sự tìm kiếm giá trị nhất bao giờ cũng là sự kiếm tìm điềm tĩnh, thay vì nóng vội. Để ít ra nếu có thất bại thì cũng nhận biết được thất bại ấy đến từ đâu…
* Thất bại đến từ đâu được, theo anh? Chẳng hạn như với một bộ phim như Đường đua: Báo chí (về cơ bản) là ngợi khen, nhưng vẫn thất bại thê thảm tại phòng vé?- Tôi cho rằng ở một góc độ nào đó thì
Đường đua đã có được thành công nhất định của mình khi ê-kíp thực hiện đã thể hiện được điều họ muốn một cách tương đối mạnh mẽ, quyết liệt và không thể nói là không nghiêm túc. Còn khi phim ra rạp thì đó lại là một yếu tố rất khó lường ở ta, ngay với cả một nhà sản xuất có kinh nghiệm. Và nói chung, thường thì rất khó có được một sự đánh giá thống nhất trong cách nhìn nhận một bộ phim hay một tác phẩm nghệ thuật để mà chúng ta phải hoang mang một cách thái quá.
* Vũ Ngọc Đãng kêu với tôi rằng: Tại sao lại cứ phải làm phim ngắn, sao cứ phải thử mãi, sao cần quá nhiều “chuột bạch” đến thế, sao không làm thật đi? Thế thì điện ảnh Việt bao giờ mới lớn được? Anh thấy sao? - Vì sao ư? Vì một lẽ rất đơn giản rằng một đứa trẻ muốn biết đi, biết chạy thì trước hết cần phải biết lẫy và biết tập bò. Nhất lại là trong điều kiện làm phim ở ta: quá ít cơ hội để một người trẻ được tin nếu như thoạt tiên, họ không có hành trang tối thiểu là một bộ phim ngắn để “chào hàng” với nhà sản xuất hay nhà tài trợ. Đâu phải ai cũng may mắn như Nguyễn Khắc Huy khi vừa ra trường đã được nhà sản xuất mạnh dạn đặt vào tay một cơ hội lớn như
Đường đua đâu! Nên không thể không thử trước khi (may ra) được làm thật!
* Anh nghĩ một work shop có cả Trần Anh Hùng lẫn… Victor Vũ thì sẽ xui các bạn trẻ làm phim nghệ thuật hay phim thị trường?- Chẳng ai dại gì xui bạn cả. Và chắc gì người ta đã nghe, khi phim thị trường thì mới có tiền giúp các bạn ấy làm phim, còn phim nghệ thuật thì thường nói những câu rất hay rồi… đi mất (cười).
* Chính vì vậy khi điện ảnh Việt bị cảnh báo là đang đi vào chỗ chết vì vẻ như đang quá coi thường khán giả thì không anh nào đứng ra chịu trách nhiệm hết. Cánh làm phim nghệ thuật sẽ bảo: Ai bảo phim hay, phim tốt thì không chịu xem. Còn cánh làm phim thị trường thì sẽ bảo: Sao tôi lại phải chịu trách nhiệm, tôi có tiêu tiền của Nhà nước đâu! Hệ lụy nào, theo anh?- Ôi dào, nền điện ảnh nào thì cũng đầy vấn đề của nó cả mà thôi, đâu đâu người ta cũng kêu như nhau hết! Câu trả lời chẳng phải đã quá rõ rồi thôi: cả một nền điện ảnh mà cứ như mớ rau, mạnh ai nấy bán, chỉ cần thỏa mãn quyền lợi riêng là được. Hệ lụy cũng rõ quá còn gì: Khi nền tảng không vững, những sự hỗ trợ khác cũng không có, thì đương nhiên là đẻ ra một nền điện ảnh thiếu trung thực trong tất cả mọi khâu… Vấn đề là kêu xong rồi thì làm gì thôi. Thôi tốt nhất là đừng kêu ca, so sánh nữa, mà hãy bắt tay vào làm đi, dù là việc nhỏ! Kêu mà không giải quyết được thì kêu làm gì!
* Nhưng nếu được kêu một câu thì theo anh, điều đáng lo ngại nhất của điện ảnh Việt hiện nay theo anh là gì?- Là nó có quá ít cơ hội để đối thoại với bên ngoài, trong khi nhiều nền điện ảnh láng giềng của ta đã làm được điều đó. Và thêm nữa, là thiếu vắng các tên tuổi lớn - đó theo tôi mới là vấn đề đáng bận tâm hơn cả.
* Đêm thì dài thăm thẳm mà cách nhóm lửa lại có vẻ mong manh quá nhỉ: 12 bạn trẻ, 6 dự án phim, và chốt lại, sau 4 ngày, là 3 dự án, chưa rõ đi đâu về đâu?- Trông vậy thôi, nhưng mỗi năm, tìm cho ra một “mẻ” như thế cũng không dễ đâu nhé! Giờ này mà ngồi nghĩ tới năm sau là đã thấy mông lung rồi đây. Nhưng dù vậy, tại sao chúng ta lại không có quyền hy vọng nhỉ, khi điều bạn nhìn thấy ở họ là một thái độ làm nghề nghe chừng quyết liệt: Hơn ai hết, họ biết rõ điều mình muốn, dám đi đến cùng để thực hiện bằng được điều họ muốn và rất có thể họ sẽ làm được trong một điều kiện tốt hơn.
* Lúc này, người ta hay nói “lỗi hệ thống” hoặc “lỗi… đánh máy”, để thay cho ba chữ (mà vẻ như ai cũng sợ): “chịu trách nhiệm”. Anh có nghĩ, cũng có thể dùng “câu thần chú” đó khi một bộ phim thất bại hay ai đó không đủ dũng khí để đi được đến cùng trong nghề của mình không?- “Hệ thống” hay “đánh máy” thì cũng là lỗi cả thôi, cũng vẫn nằm sờ sờ ra đấy, tránh kiểu gì! Thế mà người ta vẫn thi nhau tránh, là bởi “cái nước mình nó thế” - “nước 4.000 năm vẫn trẻ con”: chúng ta đã quá quen với cái gọi là “sở hữu tập thể” rồi, kể cả “lỗi tập thể” nên đến khi cần đi ra ngoài, cũng vẫn quen chơi mấy trò “khôn vặt”, hơn là biết cách tôn trọng luật chơi. Trong khi, giá trị của trưởng thành lẽ ra phải là sự bình đẳng, dám làm dám chịu. Khi một người không dám chịu trách nhiệm với chính bản thân họ thì đừng mong họ dám chịu trách nhiệm vì một cái gì đó lớn hơn. Trách nhiệm nào bằng lòng tự trọng!
* Nhưng ít ra thì đạo diễn sẽ không phải đứng trước áp lực: Từ chức hay không từ chức (vẻ như đều không ổn khi cần đứng ra nhận trách nhiệm). Nghề của anh hay đấy chứ!- Đừng quên quyền lực chỉ thực sự là quyền lực khi nó vì một cái gì đó ngoài anh. Trên ý nghĩa đó thì tôi nghĩ nghề nào, chỗ đứng nào trong xã hội này cũng đều có “quyền lực” riêng của nó cả!
Thư Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần