30/11/2017 07:38 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Dư luận đang dồn hết bức xúc lên bà Phạm Thị Xuân, người được xác định là nghi can làm chết cháu nội 23 ngày tuổi tại khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Theo lời khai lúc đầu, vì đi xem bói và được thầy phán rằng cháu nội là "nghiệp chướng của gia đình", người phụ 66 tuổi này nhẫn tâm sát hại cháu, cho vào bao tải, vứt ra đống rác gần nhà rồi phao tin là cháu bị bắt cóc. Tất nhiên đó mới là lời khai của nghi phạm. Do đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan Cảnh sát điều tra chưa đưa ra kết luận. Mới nhất, theo một số báo mạng, bà lại khai rằng do vô ý đánh rơi cháu khiến cháu tử vong.
Nhưng chừng ấy đã đủ khiến dư luận bàng hoàng, thậm chí là không thể tin vào những gì được đọc. Người ta không chỉ sự phẫn nộ trước câu chuyện ấy. Nó còn kèm theo sự hoang mang, khi đặt vào bối cảnh liên tiếp có những vụ trẻ em bị bạo hành trong thời gian qua.
Đó là việc bảo vệ khu phố sát hại cháu bé 6 tuổi tại TP.HCM. Là vụ bà ngoại siết cổ cháu đến chết ở Tiền Giang (cũng vừa bị khởi tố). Là vụ bảo mẫu đày đọa các bé ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, là vụ người giúp việc đánh đập, quăng quật em nhỏ hơn 2 tháng tuổi ở Hà Nam.
Là phụ huynh, chúng ta đau đớn trước việc cháu bé 7 tuổi ở Kiên Giang mang những vết bỏng do sắt nung dí vào trên người, với nghi ngờ bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành. Chúng ta nóng ruột và chờ đợi từng ngày, khi hung thủ đâm bé Nô (Ba Đồn, Quảng Bình) 23 nhát dao đến nay vẫn chưa thể tìm ra để trừng trị.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra qua từng vụ. Tựu trung: tại sao tần số các vụ người lớn đối xử tàn ác với trẻ em lại gia tăng như thế?
Đấy là một hiện tượng xã hội cần được giải mã thấu đáo, trước khi cậy nhờ đến sự nghiêm khắc của luật pháp, cùng nỗ lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn từ gia đình, nhà trường đến xã hội.
Chúng ta đang ở trong một xã hội mà vì gánh nặng mưu sinh, áp lực công việc, mọi người càng ít thời gian dành cho nhau hơn, đặc biệt cho con cái. Những mối quan hệ gia đình (cha- con, vợ- chồng, anh- em, mẹ chồng- nàng dâu…) nhiều thế hệ ngày càng khó giải quyết thấu đáo.
Một khi xung đột cứ tích lũy về lượng, đến một ngày đủ “chất” sẽ bùng phát ra bằng nhiều ngôn từ, hành vi lệch chuẩn. Để rồi, người ta biết đến những câu chuyện “nồi da xáo thịt”, đảo lộn mọi đạo lý - khi mà những thành viên trong gia đình không chỉ dừng lại ở việc lôi nhau ra tòa mà còn có thể chém giết nhau.
***
Trở lại vụ án ở Thanh Hóa. Nếu lời khai (chưa được xác minh) ấy là sự thật thì đấy là nỗi đau lớn của một gia đình.
Nhưng, dù với những gì diễn ra, tôi vẫn tin chắc rằng trong đáy lòng, trong tình máu mủ, bà Phạm Thị Xuân vẫn yêu cháu nội mình.
Trong một rừng thông tin liên quan, tôi để ý đến một tin xảy ra ngay quê hương mình, được báo chí đưa rất nhiều. Khoảng 19h ngày 28/11, cháu C.X.M (13 tuổi, trú tại thị trấn Tân Kỳ - Nghệ An) mở nước nóng tắm, bị rò điện giật tử vong. Nghe tin này, quá đau đớn, bà nội của M. sốc dẫn đến ngất lịm rồi tử vong trên đường đến bệnh viện.
Đấy là minh chứng cho tình cảm sâu nặng của một người bà. Có lẽ trong chúng ta, những kỷ niệm đẹp về bà (và ông) vẫn chiếm một chỗ trang trọng trong trái tim mỗi người.
Bởi thế, khi để xảy ra thảm kịch đau lòng dẫn đến cái chết của cháu bé rồi lại giấu thi thể đi như thế, có lẽ người phụ nữ ấy không nhận ra rằng mình cũng đang tự tạo ra một bi kịch với bản thân.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất