20/06/2017 06:33 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vào cuộc để xử lý vi phạm của một thương hiệu bia nổi tiếng tại địa phương này.
Vài ngày trước, trang facebook giới thiệu sản phẩm bia này đã gây ra sự bất bình trong dư luận bởi những hình ảnh quảng cáo khá kì dị. Trong những hình ảnh ấy, phía trước Ngọ Môn của Huế được... phủ kín một lớp chai bia, lon bia xanh ngắt. Hoặc, thay cho các chân cầu, cầu Trường Tiền cũng được "đắp" bởi hàng loạt chai bia khổng lồ.
Hiện tại, đại diện công ty sản xuất loại bia trên đã lên tiếng nhận trách nhiệm và tháo bỏ các hình ảnh gây bất bình trên facebook. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, mức phạt (và yêu cầu xin lỗi dư luận) sẽ sớm được đưa ra.
Chẳng có gì cần bàn về khía cạnh đúng – sai của việc "dán bia lên di sản " này. Vắn tắt, ở góc độ pháp luật, như nhận định của cơ quan chức năng, quảng cáo này vi phạm điều 3, khoản 8 của Luật quảng cáo (thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam). Còn về góc độ cảm tính, dù là một công dân tại Huế hay bất cứ địa phương nào, tất nhiên chẳng ai vui khi thấy một Di sản Thế giới tại Việt Nam lại được "phủ kín" bằng thứ đồ uống có cồn như vậy.
Sự thực, đây không phải là lần đầu tiên, những quảng cáo liên quan tới đồ uống có cồn gây ra tranh cãi. Hơn chục năm trước vụ việc tại Huế, dư luận cũng đã từng bất bình khi một hãng bia ngoại từng đưa ra hình ảnh quảng cáo với tấm... bản đồ Việt Nam được chèn đầy các lon bia.
Rồi, một hãng bia khác cũng từng gây tranh cãi với dòng quảng cáo rằng sản phẩm của mình đại diện cho "khí phách Việt". Hoặc, vài năm trước, cũng trên facebook đại diện của mình, một hãng bia Nhật tại Việt Nam từng bị phê bình là gán ghép khiên cưỡng khi đưa ra slogan quảng cáo: "Chọn bia để bảo vệ môi trường, tại sao không?"
Những khái niệm liên quan tới văn hóa hay truyền thống như vậy khó có thể sử dụng tùy tiện – nhất là khi gắn với bia rượu, loại đồ uống mà chúng ta cũng không mấy tự hào khi "lập thành tích" sử dụng ở mật độ khá cao so với thế giới.
***
Nhưng ở đây, tôi còn muốn nói tới một câu chuyện khác.
Đã đành, dùng những cổng Ngọ Môn, cầu Trường Tiền...để quảng cáo bia là không phù hợp. Nhưng trong lĩnh vực du lịch và văn hóa, cách chúng ta khai thác những biểu trưng văn hóa ấy hình như cũng có những gì chưa...chuẩn.
Chẳng hạn, từng nhiều lần tới cố đô, tôi vẫn chỉ bắt gặp một số hình ảnh này trên một số đồ lưu niệm như bưu thiếp, đĩa gốm, áo phông... Và thẳng thắn, những mẫu sản phẩm du lịch ấy được thực hiện theo tư duy cũ cả về hình dáng, mẫu mã, cũng như câu chữ giới thiệu sản phẩm.
Trong khi đó, với lớp trầm tích văn hóa tích lũy hàng trăm năm, cầu Trường Tiên hay cổng Ngọ Môn đều xứng đáng với những hình thức tôn vinh và khai thác đặc biệt, để có thể trở thành những biểu tượng không thể quên về du lịch, văn hóa và lịch sử của cố đô.
Thiết kế các sản phẩm lưu niệm hiện đại và đủ hấp dẫn chỉ là một phần của câu chuyện. Như mô hình từng được nhiều người nhắc tới, đó có thể là những lễ hội cầu Trường Tiền, là những ý tưởng quy hoạch và tổ chức hoạt động để không gian quanh Ngọ Môn luôn là không gian linh thiêng gắn với người dân và du khách đất cố đô.
Câu chuyện ấy không chỉ đúng với Huế, mà còn với nhiều địa phương khác. Đơn cử, ngay tại Hà Nội, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng đã tỏ ý phiền lòng với người viết về việc biểu tượng Khuê Văn Các từng có thời gian được đặt, treo tràn lan tại các con phố.
Như lời anh, Khuê Văn Các là biểu tượng truyền thống về sự kết tinh của trí tuệ đất Thăng Long. Lẽ ra, biểu tượng ấy nên được nghiên cứu để đặt tại những điểm nhấn cụ thể, với cách tạo hình, chiếu sáng tinh tế và trang nhã - chứ không phải đưa ào ạt ra... ngoài đường như thế.
Tôn vinh, khai thác các biểu trưng văn hóa một cách trang trọng và đúng tầm, cũng là một lựa chọn để ta bảo vệ chúng trước nguy cơ bị sử dụng tràn lan, không hợp lý.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất