Báo Lao Động vừa tổ chức tọa đàm, công bố kết quả khảo sát trên 2000 độc giả, cho thấy: 97% người có biết hoặc từng sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) và khoảng 50% người biết đến thuốc lá làm nóng (TLLN). Nhưng “100% các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nêu trên hiện nay đều là hàng lậu, không chính danh”, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và theo các chuyên gia, từ các khảo sát gần đây cho thấy trong thực tiễn đời sống đã phát sinh nhu cầu và các quan hệ xã hội liên quan đến TLTHM, nên việc quản lý là yêu cầu bắt buộc nhà nước phải làm, để bảo vệ giới trẻ, bảo vệ người tiêu dùng và chấn chỉnh những hành vi phớt lờ luật pháp như tình trạng sử dụng trái phép, buôn lậu, ma túy…
Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong kiểm soát TLTHM
Trước xu thế nhu cầu của người hút thuốc lá hợp pháp muốn được chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại là có thật, các chuyên gia đều đánh giá vấn đề quản lý TLTHM là cấp bách, đã đến lúc cần sửa đổi và bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo đà cho việc luật hóa TLTHM.
Tại toạ đàm "Quản lý TLTHM: Cần góc nhìn mới" tháng 1/2022 do báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá: "Dứt khoát phải quản lý! Khi xã hội có nhu cầu, xuất hiện các quan hệ xã hội thì Nhà nước không thể không quản lý."
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. “WHO đã chính thức công nhận TLLN là thuốc lá. Vì vậy, việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp,” bà Liên nhận định.
Tuy nhiên, về phía Bộ Y tế, đại diện Vụ Pháp chế bày tỏ lo ngại về tác hại đến sức khỏe, xã hội nếu như chính sách quản lý của Bộ Công thương được thông qua.
Các chuyên gia cho rằng, quan ngại của ngành y tế về sức khoẻ cộng đồng là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc một sản phẩm đã hiện diện từ lâu trên thị trường và xã hội có nhu cầu thì không thể thờ ơ và cũng không thể chấp nhận quan điểm quản không được thì cấm, đặc biệt khi đã có chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các bộ phối hợp đề xuất chính sách quản lý đối với TLTHM từ năm 2017. Ở góc độ này, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương từng chia sẻ: Với thuốc lá thế hệ mới, Bộ Y tế cần phải vào cuộc để xác định hóa chất hay nguyên liệu thuốc lá được sử dụng có nguy hại hay không, nguy hại đến đâu thì trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.
Tương tự những câu chuyện về xăng dầu, rau sạch… khi người dân có nhu cầu đối và có quyền yêu cầu được bảo vệ, được tạo cơ hội tiếp cận các mặt hàng chất lượng thì Nhà nước phải thực hiện pháp luật, các bộ ngành có trách nhiệm phối hợp nhau đề xuất chính sách, khung pháp lý phù hợp để quản lý TLTHM.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội từng chia sẻ: “Chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà sẽ còn là những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai gần. Tôi cho rằng để có khung quản lý toàn diện đầy đủ, thí điểm là giai đoạn cẩn trọng cần thiết."
Sự phối hợp liên ngành trên thế giới diễn ra như thế nào?
Theo các chuyên gia, để giải quyết thực tế ý kiến khác nhau giữa một số bộ ngành đối với việc quản lý TLTHM, tham khảo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế là bước đi cần thiết và hữu ích.
Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phối hợp liên ngành sẽ mang lại nhiều lợi thế trong quản lý TLTHM. Giải pháp phối hợp liên ngành cũng giúp tối ưu hoá nguồn lực và thời gian trong quản lý; góp phần nâng cao khả năng giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng…
Điển hình như tại Nhật Bản, các sản phẩm TLTHM được quản lý bởi Bộ Tài chính, nhưng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phối hợp thiết lập các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sản phẩm.
Ở Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM cùng các thiết bị đi kèm và Bộ Y tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và TLĐT.
Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện này đã có 184/193 quốc gia thành viên của tổ chức này đồng thuận đưa TLLN vào quản lý dưới luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Ngoài ra, sự phối hợp nhịp nhàng suốt quá trình lập pháp và thực thi pháp luật giữa các bộ ngành cũng giúp một số quốc gia kiểm soát thành công nhóm sản phẩm này và phát huy hiệu quả phòng chống tác hại thuốc lá. Tiêu biểu như các quốc gia Mỹ, Anh, Canada, Thụy Điển, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã quản lý TLTHM thành công, góp phần giảm đáng kể mức tiêu thụ thuốc lá điếu truyền thống cũng như cải thiện được các chỉ số sức khỏe của người dân liên quan đến các bệnh do hút thuốc lá.
Được biết, trong giai đoạn ban đầu tiến hành xây dựng khung pháp lý và cấp phép TLTHM, các cơ quan bộ ngành tại các quốc gia này cũng có ý kiến trái chiều. Nhưng các bên chấp nhận quan điểm đối lập trên tinh thần tôn trọng và sẵn sàng cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, thống nhất giải pháp để kiểm soát nhóm sản phẩm này. Sau khi cấp phép, các bên tiếp tục phối hợp nguồn lực theo dõi trên thực tiễn để điều chỉnh liên tục, hoàn thiện hơn khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương với vai trò chủ quản ngành hàng, đã được Chính phủ giao trách nhiệm đề xuất chính sách quản lý đối với TLTHM từ năm 2017. Trong 5 năm qua, Bộ đã tích cực thúc đẩy các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành liên quan, thực hiện các bước cần thiết để hỗ trợ cho việc thiết lập khung pháp lý cho TLTHM. Cụ thể, Bộ Khoa học-Công nghệ đã hoàn tất tiêu chuẩn cho một số nhóm sản phẩm TLTHM, Bộ Tư pháp đã chỉ định rõ khung Luật để quản lý TLTHM theo Điều 2.1 bộ Luật PCTHTL 2012. Bộ Tài chính cũng đồng thuận việc thí điểm cần ban hành mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành riêng cho TLTHM... Bên cạnh đó, Hiệp hội Thuốc lá cũng trình bày với Văn phòng Chính phủ về việc cần triển khai thí điểm TLTHM.
Như vậy, các bộ ngành tại Việt Nam hiện có đủ cơ sở pháp lý và năng lực quản lý để đưa TLTHM vào kiểm soát. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trên tinh thần hợp tác cùng tháo gỡ vướng mắc nếu có, thì chắc chắn bài toán quản lý TLTHM được sớm giải quyết thỏa đáng theo chỉ đạo đã được Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần hoàn thành trong năm 2022.
PTTT
Nguồn tham khảo:
(1) Điểm sáng từ sự phối hợp liên ngành trong quản lý thuốc lá thế hệ mớ (plo.vn)i
(2) Quan điểm quản lý đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng (isocert.org.vn)