Biến tấu cùng EURO: Chuyện lá cờ, sự xúc cảm và thói 'bà cô nhức răng'

03/07/2021 23:00 GMT+7 | Chuyên gia

(giaidauscholar.com) - Trong “Bà cô nhức răng” tôi ấn tượng đoạn này nhất: “Một buổi sáng, vào lúc ăn điểm tâm, bà thuật lại giấc mơ khủng khiếp đêm hôm trước, bà rụng một chiếc răng! Bà bảo: -Thế có nghĩa là tôi đã mất đi một người bạn trai hoặc bạn gái. Ông chủ lò rượu bia mỉm cười nói: -Nếu cái răng ấy là răng giả thì có lẽ bà mất một người bạn giả rồi đấy…” 

Lịch thi đấu EURO 2021 - VTV6 VTV3 trực tiếp bóng đá Séc vs Đan Mạch, Ukraina vs Anh

Lịch thi đấu EURO 2021 - VTV6 VTV3 trực tiếp bóng đá Séc vs Đan Mạch, Ukraina vs Anh

Lịch thi đấu EURO 2021 vòng tứ kết. VTV6 VTV3 trực tiếp bóng đá Cộng hoà Séc vs Đan Mạch, Ukraina vs Anh. Trực tiếp bóng đá hôm nay. Xem bóng đá trực tuyến.

 

1.Ai đã từng đọc truyện cổ Andersen hẳn phải biết truyện “Bà cô nhức răng”, câu truyện đầy phép ẩn dụ và sự hài hước. Với tôi, đây là một trong những câu truyện của Andersen mà tôi phải đọc không biết bao nhiêu lần mới hiểu được. Khi tôi hiểu được ý nghĩa sâu sa đằng sau câu truyện đó, có lẽ là lúc…bắt đầu tập làm thơ.

Câu truyện có nội dung khá đơn giản, về một anh sinh viên thích và cho rằng mình có khiếu thi ca. “Thi sĩ” sống cùng một bà cô hiền lành, phúc hậu luôn khuyến khích anh sáng tác, duy có điều bà cô này bị bệnh nhức răng kinh niên, mỗi khi bà bị nhức răng là khi đó chàng sinh viên hết sức hoảng sợ. Câu chuyện lặp lại nhiều lần cho đến một ngày bà cô nhổ răng sâu và trồng răng giả… . Khi anh sinh viên lớn lên thì bà cô qua đời, anh sinh viên sau đó vẫn tiếp tục làm thơ, nhưng oái oăm thay, khi anh nổi hứng thi ca cùng đó răng của anh nhức ghê gớm. Trong cơn đau đó, một mụ phù thủy (mang dáng vẻ của bà cô) hiện ra nói với “thi sĩ” rằng nếu còn làm thơ mụ sẽ dùng mũi dùi nung đỏ chọc vào cái răng của anh làm anh đau đớn cùng cực… Mặc dù rất sợ, nhưng “thi sĩ” không thể bỏ được cái sự sáng tác của mình và cùng đó anh phát hiện ra rằng, khi răng càng đau nhức, thì thơ lại càng hay!

2.Nhắc truyện “Bà cô nhức răng” vì đêm nay đội tuyển Đan Mạch của Andersen sẽ có trận thư hùng với đội tuyển Séc, còn đêm qua thì trong trận đấu giữa Thụy Sĩ và Tây Ban Nha trên sân Saint Petersburg chỉ vì tỏ sự xúc cảm khi nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam trên sân mà một bình luận viên “ăn gạch đá” suốt gần 24 giờ qua. Câu chuyện lá đỏ sao vàng xuất hiện trên khán đài một trận bóng EURO cũng chia rẽ cộng đồng mạng ra ba phe, bảy phái cãi lộn nhau. Người ủng hộ thì bảo, đó là niềm tự hào dân tộc, người lại phản bác cho rằng chẳng liên quan gì… Kẻ bị mắng là tự ti, người tung hô là yêu nước… Ai thì cũng có lý, kể cả bình luận viên bị cho là “xúc cảm quá đà”. Người dễ xúc động người ta có thể rung lên vì một sợi tơ mỏng, điều đó những người gặp động đất đến độ cảnh báo sóng thần không sợ hãi sẽ  không thể biết. Có người, khi xúc cảm họ sẽ nói ra, sẽ gào lên… cũng nhiều người chọn cách lặng đi… Nhân gian 7 tỷ người chẳng ai giống ai. 

Chú thích ảnh
Lá cờ Việt Nam sau cầu môn Thụy Sĩ ở tình huống phản lưới của Zakaria

3.Chuyện lá cờ, đôi khi vì chúng ta là người Việt, thì nhận ra dễ dàng quốc kỳ của mình… mà không thấy rằng, có lẽ trên khán đài kia, còn có những lá cờ thuộc các quốc gia ở các châu lục chẳng liên quan gì đến giải đấu. Họ mang cờ tổ quốc đến nơi có nhiều phương tiện truyền thông, có lẽ muốn nói rằng, tôi là người quốc gia này, tôi đang ở đây. Nghĩ thoáng hơn, với những kiều bào Việt Nam ở Nga, 2 năm qua dịch bệnh không thể về nước thăm thân, cũng không được đón người nhà sang để gặp gỡ, lá cờ đỏ sao vàng là lời nhắn gửi đến người thân, là một dấu hiệu để nhận ra nhau… Hẹp hòi gì mà phải ngăn cảm xúc của ai đó, nhận xét về hành động của ai đó… Nhìn lá cờ nếu không cảm thấy ấm áp một chút như những người ở xa xứ thì cũng có thể vui rằng khó khăn lắm mới có vé để vào sân đấu chỉ cho phép một lượng nhỏ khán giả mà đồng bào ta cũng có thể có mặt... trực tiếp chứng kiến trận đấu hay đến thế!

4.Tôi vốn không ưa bạn bình luận viên kia, không phải vì bạn đó hay ngoa ngôn. Là người kỹ tính, tôi không thích sự không chuyên nghiệp trong công việc của bất cứ ai mà với bạn bình luận viên này là điển hình. Sự không chuyên nghiệp đó, khiến bạn thường để xúc cảm chi phối dẫn đến hớ miệng, nhưng tệ hơn là hay nói sai, sai những lỗi không thể có ở một người làm nghề, ví dụ như sai tên cầu thủ, sai nhận định tình huống, sự thừa thãi “kiến thức chết” mà thiếu đi sự linh hoạt thực tế. Tôi chợt nhận ra sự tương đồng giữa bình luận viên này với anh chàng sinh viên trong truyện “Bà cô nhức răng” khi càng bị dư luận “ném gạch” thì lại càng thấy mình bình luận rất hay. Kể ra cũng phải, các cụ có câu “văn mình vợ người”, khi ta thấy rằng ta hay, thì ta cứ nói thôi!

5.Quay lại trận đấu Đan Mạch và Séc, một trận đấu cân tài cân sức của hai chú ngựa ô, thật khó để đoán rằng, đội nào sẽ đi tiếp. Tôi có nghiêng một chút về Đan Mạch, về tình bởi sự kiện Christial Eriksen, về lý thì đội quân của họ cũng nhỉnh hơn Séc. Nhưng tôi còn nợ một người bạn yêu Séc câu chuyện bài thơ Cầu tình nên mạnh dạn chọn Séc. Nhà thơ vốn cảm tính vậy, mà cảm tính thì sai nhiều hơn là trúng, nhưng cũng giống “thi sĩ nhức răng”  trong câu truyện kia, càng đau răng (đoán sai) thì càng viết hay (lắm đoán)- ít ra là nhà thơ nghĩ như vậy!

 

Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm