Biến tấu cùng EURO: Đại dương bao la vì sao lạt muối?

27/06/2024 05:56 GMT+7 | EURO 2024

Lượt trận thứ 3 của bảng C diễn ra rạng sáng 26/6 đã kết thúc với bốn con số 0 tròn trĩnh, tẻ nhạt và ru ngủ đến mức mà chẳng cần đến thời gian bù giờ.

1. Tam Sư đi vào vòng 16 đội ở vị trí đầu bảng nhưng không giống như cái tên của mình, họ rón rén từng bước mắt lấm lét nhìn trước, nhìn sau, nhìn bốn phía xung quanh theo kiểu ba con mèo ốm sợ cả tiếng kêu của chuột nhắt. Hình ảnh này của tuyển Anh làm đau lòng những người hâm mộ, những người đã gần 6 thập kỷ trôi qua chờ mong họ mang bóng đá về nhà.

Những người ngay cả khi chiếc cúp Henri Delauney đã lấp lánh trên sân Wembley 3 năm trước lại theo những người Italy về với Địa Trung Hải nắng và gió chỉ đổ lỗi cho số phận, vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu cuồng si với đội bóng của mình. Để mùa Hạ này, họ lại rồng rắn kéo nhau vượt biển, đến với phần lục địa mà họ đã "Brexit" để cổ vũ với hy vọng cháy bỏng Tam Sư giành lại chiếc cúp đã để tuột rơi mùa giải trước. Họ tin vào kết quả Tam Sư ngạo nghễ trên đỉnh châu Âu!

Nhưng, nỗi lo âu đã đến ngay từ trận đấu đầu tiên. Một tuyển Anh không bản sắc với dàn sao đắt giá đá theo chiến thuật "mặc kệ tao"- những cá nhân được lắp ghép đầy cảm tính, cũng dựa theo tinh thần "mặc kệ tao" của HLV Gareth Southgate sớm bộc lộ những điểm yếu của mình.

Họ không chỉ không cần hiểu ý đồng đội cũng chẳng cần phối hợp, thích dắt bóng thì dắt, thích chuyền cho ai thì chuyền, thích phá bóng lúc nào thì phá…  Một pha tỏa sáng của Jude Bellingham, Anh có chiến thắng, và thế là quá đủ để HLV Southgate hài lòng.

Trận đấu thứ 2, Anh lại có một bàn thắng từ pha làm bàn của chân sút hàng đầu Bundesliga Harry Kane, nhưng chỉ 16 phút sau, họ bị Đan Mạch san bằng, và kể từ đó, mọi pha lên bóng của tuyển Anh đều vô hại, nó rối rắm và quá thiếu chính xác. Tuyển Anh nhặt thêm được một điểm đầy nhọc nhằn.

Và lượt trận thứ 3, là hình ảnh mà tôi miêu tả ở trên. Tuyển Anh hoàn toàn bị dắt mũi bởi một Slovenia đầy khôn ngoan, biết rõ đích đến của mình. Tệ hơn, họ dường như cam tâm, ngoan ngoãn đưa mũi vào chiếc dây thừng đó.

Biến tấu cùng EURO: Đại dương bao la vì sao lạt muối? - Ảnh 1.

Pháp (trái) và Anh gây thất vọng dù đội hình sở hữu nhiều siêu sao

Sẽ có người nói tôi ngoa ngoắt, rằng tôi yêu tuyển Đức nên cố dìm Anh xuống bùn đen. Không phải thế đâu, tôi vốn thuộc type đã có ý trung nhân thì không lẳng lơ đánh võng, nhưng tôi chẳng có lý do gì mà ghét những người khác. Tôi không yêu họ thôi, thiếu gì người yêu họ, và bởi là một người yêu hết lòng, tôi bất bình khi tình yêu của người khác bị phản bội, bị xem nhẹ.

Không thể tin rằng Anh sẽ tiếp tục hành trình của mình tới đây ra sao với lối đá nhạt thếch như họ đang thể hiện? Dường như cả đại dương bao la đang bao bọc xung quanh Đảo Anh cũng bị lối đá đó triệt tiêu đi vị mặn. Tam Sư ơi, liệu bao nhiêu nước mắt của người hâm mộ sẽ đủ để biển mặn mòi trở lại? Để cho đội quân toàn sao của HLV Southgate hiểu được rằng, đôi khi tồn tại hay không không quan trọng bằng việc ta đã tồn tại như thế nào?

2. Phía bên kia Đảo Anh, cách bởi eo biển Manche, tuyển Pháp cũng có một trận đấu mờ nhạt chẳng khác gì Tam Sư.

Siêu sao Kylian Mbappé ra sân với chiếc mặt nạ kiểu ninja rùa hẳn là mang quyết tâm sẽ ghi bàn và đem về cho tuyển Pháp một chiến thắng thuyết phục. Nhưng, độ vô duyên của chân sút này trong các pha dứt điểm cũng sánh ngang bằng với Lukaku của tuyển Bỉ. Cho dù, rốt cuộc, Kylian Mbappé cũng có bàn thắng đầu tiên tại Giải vô địch châu Âu với một quả phạt đền. Nhưng tất cả chỉ có vậy, và điều đó là chưa đủ để Pháp có chiến thắng. Vì sau đó 23 phút, Ba Lan cũng được hưởng một quả phạt đền và Robert Lewandowski đã gỡ hòa đưa trận đấu về vạch xuất phát.

Hàng công khủng của Pháp cho thấy họ hoàn toàn vô hại, và pha làm bàn ở chấm phạt đền của Kylian Mbappé lại là bàn thắng duy nhất mà Pháp có được sau 3 trận vòng bảng. Bàn thắng trước đó trong trận đấu mở màn với Áo mà Pháp có chiến thắng 1-0 là do Maximilian Wöber của Áo đá phản lưới nhà. Tuyển Pháp may mắn không bị thua, phần lớn là do thủ thành của họ đã thi đấu vô cùng xuất sắc, anh chính là điểm sáng duy nhất cho đến phút này của gà trống Gaulois.

Ở thế trận mà kể cả bị thua, Pháp vẫn có vé đi tiếp, thì một trận hòa, kể ra cũng có thể coi được về mặt kết quả - một kết quả đưa họ vào "nhánh tử thần". Song, nhánh nào mà chẳng vậy, không thắng nổi Hà Lan còn có thể châm chước, nhưng suýt thua cả một đội bóng đã bị loại thì mong gì tranh bá với ai?

Và những người hâm mộ Pháp, với sự lãng mạn tuyệt vời của mình, ngay từ thời điểm này có lẽ đã hát ca khúc "Tình cho không biếu không" để gửi gắm hy vọng vào mùa sau. 

  

Nhà thơ, nhà báo: Đoàn Ngọc Thu

Đan Mạch không e ngại đối thủ lớn
EURO 2024

Điểm nổi bật của Đan Mạch tại EURO 2024 là cá tính và sự mạo hiểm. Đội bóng của HLV Hjulmand không e ngại các đối thủ lớn.

Đức vs Đan Mạch: Tái hiện trận chung kết EURO 1992
EURO 2024

Đức gặp Đan Mạch là cặp đấu được chờ đợi nhất tại vòng 1/8 EURO 2024 khi tái hiện trận chung kết EURO 1992.

Bia và xúc xích được tiêu thụ nhiều nhất tại Đức dịp EURO 2024
EURO 2024

Bia và xúc xích được tiêu thụ nhất tại nước Đức trong dịp EURO 2024 khi mọi người tụ tập để xem các trận đấu.

Bảng đấu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm