Biến tấu World Cup: Khúc bi-tráng ca mới chỉ bắt đầu

30/06/2014 20:01 GMT+7 | Vòng 1/8

(giaidauscholar.com) - Anh có chìa khóa đây, để mở hai cánh cửa:

Một cửa mê say, hạnh phúc tràn đầy

Môt cửa u mê, đọa đầy số mệnh.

(Pablo Neruda)

1. Không còn Chile nữa, ở World Cup 2014 này. Nhưng cái cách họ ngẩng cao đầu rời khỏi Brazil, sau khi khiến cho chủ nhà vã mồ hôi hột vì nỗi ám ảnh của bóng đen bi kịch, đủ khiến chúng ta ngồi lại, lục tìm, và đọc thơ Pablo Neruda, thi sỹ người Chile. Ông đã nói về hai mặt của đời sống, như kiểu khi ‘tôi nói yêu em cũng là tôi nói không yêu em’, thì bi tráng ca của một Chile bị loại cũng là một hoan ca của một Chile kiêu ngạo trước một Brazil được ưu ái mọi đường. Và đương nhiên, một khải hoàn ca của Brazil ở vòng 1/8 cũng là một bi tráng ca của chính họ, một bi tráng ca mới chỉ bắt đầu.

Không còn Samba nữa, trong lối chơi của Selecao, tuyệt nhiên không còn chút nào nữa, như một biến mất không-để-lại-vết-dấu. Cái sôi nổi, ngẫu hứng, bất ngờ, làm chủ sân khấu đã không còn tồn tại. Và nếu thực sự yêu Brazil, ta sẽ cảm thấy như đội bóng của mình đã mất đi một điều gì đó, nửa rõ rệt, nửa mơ hồ. Từ bộ trang phục mà Nike thiết kế cho họ, dù rất đẹp, với đường ‘cut’ bó sát tôn vẻ đẹp hình thể cơ bắp của những vận động viên, ta đã thấy mất mát ấy rồi. Brazil của ký ức phải là màu áo vàng cùng chiếc quần xanh đặc trưng chứ không phải chiếc quần trắng có hơi hướm lai căng những lịch lãm giả vờ ở xứ sở châu Âu.

Cái mất mát ấy, ai cũng nhận ra rằng nó khởi nguồn từ Scolari, người tìm kiếm hiệu quả bởi áp lực đòi hỏi của cả một cộng đồng phía sau lưng ông quá lớn.

2. Nhắc đến bóng đá Brazil, bên cạnh 5 lần vô địch thế giới của họ, người hâm mộ luôn nhớ về năm 1950, khi Brazil thất thủ trước Uruguay, ngay tại thánh địa Maracana của mình. Tại sao người ta nhớ nhiều đến thảm họa 1950 ấy đến thế? Đơn giản, tâm lý chung của con người là vậy. Người ta có thể vui với giây phút vinh quang nhưng sẽ không nhớ về nó sâu sắc và lâu bền. Nhưng người ta sẽ luôn khắc cốt ghi tâm cảm xúc ào ạt như thác lũ khi chứng kiến cảnh một kẻ thất bại vĩ đại. Đặc biệt, nếu kẻ thất bại ấy lại là tình yêu của lòng họ, ấn tượng sẽ còn sâu đậm thêm gấp ngàn lần. Đó chính là khúc bi tráng ca tuyệt vời nhất của kẻ thất bại vĩ đại ở mỗi thời. Thế nên, giây phút Brazil sụp đổ 64 năm trước; giây phút đôi mắt rơm rớm lệ thẫn thờ của Roberto Baggio 20 năm trước vẫn còn mãi trong tâm trí và luôn được huy động khỏi bộ nhớ nhanh cấp kỳ, như một ưu tiên tuyệt đối so với khoảnh khắc Brazil lên ngôi năm 1994, 2002 hay Ý đăng quang ở 1982, 2006.

Và nhắc đến bóng đá Brazil, người ta nghĩ gì về ‘thời kỳ quỷ ám’ từ 1974 cho đến 1990? Không ai nghĩ gì hết, ngoài những hoài cảm đẹp cho thế hệ tuyệt vời của Zico. Và không ai trách gì hết, dù Brazil chẳng đi tới đích cuối cùng. Thế nên, thất bại không nên bị đánh đồng cùng thảm họa.

3. Lẽ ra, Brazil đã có thể có một bi tráng ca như năm 1950 nếu họ thất thủ trước Chile. Song may mắn đã giữ chân họ đi tiếp.

Trong tay Scolari bây giờ vẫn còn chiếc chìa khóa mở được hai cánh cửa đối lập nhau ở tương lai gần. Mở cửa nào là do ông quyết định, với cách lựa chọn lối chơi, con người và tinh thần samba hay không samba nữa. Tất nhiên, ông sẽ phải loay hoay hơn bởi giới hạn nhân sự trong tay là không thể thay đổi.

Nhưng có lẽ, ông sẽ vẫn kiên định với cánh cửa ông mặc định từ ban đầu. Và bởi thế, khúc bi-tráng ca của Brazil mới chỉ bắt đầu thôi, từ Chile, như một khởi nhạc…

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm