19/04/2025 15:02 GMT+7 | Tin tức 24h
Năm mươi năm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, chiến công của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn vẫn còn vang mãi trong lịch sử với những bài học quý giá về tinh thần đấu tranh kiên cường, sáng tạo và quyết liệt.
Các căn cứ điểm lịch sử dần được phục dựng, trở thành “địa chỉ đỏ”, không chỉ là dịp để những người từng tham gia trận chiến ôn lại lịch sử, mà còn là nơi để thế hệ trẻ tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, trên mọi nẻo đường, tòa nhà lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ để chào đón sự kiện lớn của đất nước – kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan Thành phố Hồ Chí Minh để chứng kiến sự kiện đặc biệt này; trong đó, các địa chỉ đỏ Biệt động Sài Gòn được nhiều du khách lựa chọn để trải nghiệm.
Hòa trong không khí náo nức đón chào ngày hội lớn, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quảng Ninh đã có chuyến tham quan Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt ấn tượng với các điểm di tích trong tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Họ được tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1) có hầm trên trần bê tông tầng 2 chứa tài liệu, tiền vàng và hầm nổi trên trần la phông tại phòng khách phía sau tầng 3 dùng trú ẩn và thoát thân khi có động; Hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) của vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai xây dựng. Hay Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1) được tái hiện qua quán Café Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn. Tại đây, căn nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng ngày đó. Mọi người đến đây có thể vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn…
Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) được gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai phục dựng. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Dưới góc độ của một người công tác trong lĩnh vực quản lý di tích, ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho biết, các căn cứ điểm, di tích Biệt động Sài Gòn đã được Thành phố Hồ Chí Minh giữ gìn, phát huy rất hiệu quả. Việc đưa các địa chỉ đỏ Biệt động Sài Gòn vào tour du lịch sẽ giúp các đoàn khách trong và ngoài nước có thể hình dung được cách thức hoạt động của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cũng như hiểu hơn về sự gan dạ và đầy mưu trí của các chiến sĩ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc năm xưa.
Lần đầu theo chân nhóm bạn tới “check-in” quán Café Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn tại căn nhà 113A Đặng Dung, bạn Bích Hạnh - một sinh viên 21 tuổi quê ở Kiên Giang không khỏi xúc động khi nhìn thấy những hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ trong ngôi nhà. Hạnh chia sẻ, bạn bè em nói đây là điểm check-in rất thú vị cho dịp lễ 30/4 và quả thật như vậy. Ở đây, em có thể vừa thưởng thức café, vừa có cảm giác như đang được sống lại trong không khí hào hùng của từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Dù đã được nghe nhiều về lực lượng Biệt động Sài Gòn qua sách báo, nhưng chỉ khi được tới đây tham quan, em mới phần nào nhận thức rõ - đã có một thế hệ sống, chiến đấu gian khổ như thế, vì độc lập, tự do của dân tộc.
“Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” là một trong những sản phẩm du lịch được ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định thực hiện nhằm tái hiện lại “mạng lưới Biệt động” để du khách hiểu hơn về sự gan dạ và đầy mưu trí của các chiến sĩ biệt động năm nào.
Ngoài ra, tại Thành phố còn có một số sản phẩm du lịch khác gắn với chiến công của các chiến sĩ biệt động như “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại”, “Ký ức Biệt động Sài Gòn”… đang được các địa phương, công ty du lịch khai thác. Du khách sẽ được trải nghiệm và nghe các câu chuyện về sự chiến đấu quả cảm, anh dũng, kiên cường của lực lượng Biệt động Sài Gòn qua chuyện kể lại.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 13 di tích liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong đó, 4 di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia; 10 bia lưu niệm, bia chiến công, tượng đài ghi dấu sự kiện lịch sử này. Cùng với đó, 12/15 kho vũ khí của lực lượng biệt động xây dựng cho cuộc Tổng tiến công đã trở thành địa chỉ đỏ, được nhân dân ghi nhận, tôn vinh.
Các di sản văn hóa liên quan đến lực lượng biệt động còn nhiều tài liệu, hiện vật khác như phim, ảnh, tài liệu, phương tiện chiến đấu, phương tiện phục vụ chiến đấu, đồ dùng cá nhân, phương tiện ngụy trang, hóa trang… được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước và trong nhân dân.
Bí mật vận chuyển vũ khí qua các sông rạch vào nội đô Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Mới đây, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến mà các anh hùng, liệt sĩ biệt động đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định, vì điều kiện hoạt động bí mật nên nhiều chiến sĩ hy sinh không rõ danh tính, địa chỉ, gia đình. Trong số 61 người đã hy sinh trong lúc chiến đấu trận Mậu Thân 1968 chỉ tìm được thân nhân 8 người, còn 53 người vẫn chưa tìm được danh tính. Do đó, việc xây dựng Bia tưởng niệm có ý nghĩa rất lớn, là nơi để tri ân những người lính biệt động năm xưa. Đây cũng là nơi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm để mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường giành độc lập của dân tộc.
Gửi gắm với thế hệ trẻ hôm nay, bà Vũ Minh Nghĩa - nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn từng tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 kỳ vọng những địa chỉ đỏ sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc sống, chiến đấu của các bậc cha chú năm xưa. "Nhiều người từng hỏi tại sao là phụ nữ mà bà lại gan đến thế, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, khi đất nước có chiến tranh thì dù là nam hay nữ cũng luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Bởi vậy, tôi mong muốn các bạn trẻ hôm nay, với năng lực, điều kiện có được, hãy tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệm xây dựng, phát triển đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các bậc cha ông đi trước”, bà Vũ Minh Nghĩa bày tỏ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất