“Xỏ chân vào giày” Bin Laden

06/05/2011 10:49 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cái chết của Osama Bin Laden không đồng nghĩa với việc Al-Qaeda, mạng lưới khủng bố quốc tế do ông ta thành lập, cũng sụp đổ theo. Tuy nhiên giới phân tích nói rằng việc tìm kiếm một nhân vật kế nhiệm, với cùng những đặc điểm như sự lôi cuốn, uy tín và sẵn tiền của như Bin Laden, không phải là chuyện dễ dàng.

Trong thế giới Arab, Osama Bin Laden nổi tiếng và được nhiều người “thần tượng”. Họ xem ông là người đã dũng cảm từ bỏ cuộc sống sung túc để chiến đấu chống lại quân Liên Xô ở Afghanistan, trước khi tấn công phương Tây để xây dựng xã hội Hồi giáo cực đoan. Vì thế khi Bin Laden bị giết, khoảng trống ông ta để lại vô cùng lớn. “Không có bất kỳ ai có sức mạnh của một ngôi sao hay có “thương hiệu” lớn như Bin Laden”- Philip Mudd, một cựu sĩ quan CIA nhận xét.

“Phó tướng” của Bin Laden sẽ “nối ngôi”?

Sự thay thế rõ ràng nhất hiện nay của Bin Laden là Ayman al-Zawahiri, người từng nắm vị trí số 2 trong Al Qaeda. Ayman al-Zawahiri là nhà tư tưởng chính của nhóm. Ông ta sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô giàu có Maadi của Cairo, Ai Cập. Zawahiri học rất giỏi, thích thơ ca và ghét các trò thể thao bạo lực. Gia đình Zawahiri mộ đạo và thường tới cầu nguyện ở thánh đường Hussein Sedqi.

Ayman al-Zawahiri, nhân vật có thể thay thế Bin Laden

Năm 14 tuổi, Zawahiri gia nhập phong trào Anh em Hồi giáo. Năm tiếp theo, chính phủ Ai Cập hành quyết Sayyid Qutb, một giáo sĩ công khai tuyên truyền cổ súy việc khôi phục Hồi giáo và giải phóng các tín đồ Hồi giáo. Sự kiện khiến Zawahiri đặt quyết tâm sẽ đưa ý tưởng của Qutb thành hiện thực.

Quá trình hoạt động đã giúp Zawahiri dần leo lên cao và thậm chí trở thành một trong những nhân vật hàng đầu chuyên lên kế hoạch hoạt động và tuyển mộ thành viên mới cho tổ chức Islamic Jihad Ai Cập. Zawahiri hy vọng sẽ chiêu nạp được các sĩ quan quân đội và tích trữ vũ khí để chờ thời điểm thích hợp lật đổ chính quyền đương nhiệm và thành lập quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên kế hoạch bị lật tẩy vào năm 1981, khi một điệp viên của Islamic Jihad bị bắt lúc đang mang theo nhiều thông tin quan trọng. Tổng thống Ai Cập khi đó, Anwar Sadat, đã ra lệnh bắt giữ hơn 1.500 người, gồm nhiều thành viên Islamic Jihad. Nhưng ông bỏ sót một ổ khủng bố đang nằm trong quân đội và kết quả đã bị lực lượng này ám sát vào tháng 10/1981.

Zawahiri là một trong hàng trăm người bị bắt theo sau vụ ám sát Sadat. Mãn hạn tù, Zawahiri tới Arab Saudi khi được tự do và dừng chân ở đây một thời gian trước khi đến Peshawar, Pakistan, theo tiếng gọi của phong trào thánh chiến chống lại cuộc tấn công của Liên Xô vào Afghanistan. Trùm khủng bố Osama Bin Laden cũng có mặt ở Pakistan vào thời điểm đó để phân phát tiền cho nhiều nhóm Hồi giáo khác nhau.

Cả hai người nhanh chóng phát hiện ra rằng họ rất hợp với nhau. Zawahiri là người luôn tin tưởng rằng cách dễ nhất để đánh bại “kẻ thù gần” như chính quyền độc tài quân sự ở Ai Cập hay hoàng gia Saudi là tấn công “kẻ thù ở xa”, chính là nước Mỹ. Quan điểm này đã có tác động mạnh lên suy nghĩ của Bin Laden.

Sau khi Liên Xô rút quân về nước, cả hai rời khỏi Afghanistan và Pakistan trong một thời gian, trước khi đoàn tụ trở lại ở Sudan vào đầu những năm 1990. Zawahiri lúc này đã là lãnh đạo của phong trào Islamic Jihad và ông ta cùng Bin Laden đã hợp nhất tổ chức của họ thành một. Năm 1986, họ bị tống khứ khỏi Sudan và lại dừng chân ở Afghanistan, dưới sự đón tiếp nồng hậu của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar.

Năm 1998, họ đã cùng ra một tuyên bố chung, trong đó tuyên chiến nhằm vào “những kẻ thập tự chinh và người Do thái”. Theo sau đó, các vụ tấn công vào các tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania đã diễn ra, với đỉnh cao là vụ khủng bố ngày 11/9.

Hay gây xích mích

Anwar al-Awlaki, một gương mặt khác
có thể thay thế cho Bin Laden

Nhưng Zawahiri lại bị đánh giá là nhân vật không được cộng sự yêu mến. “Ông ta được xem là nhân vật gây xung đột, người khó làm việc cùng và không phải nhà quản lý tốt” - Mudd, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Nước Mỹ mới đánh giá. Bất cứ nơi nào Zawahiri đi qua, ông ta đều gây tranh cãi trong hàng ngũ lãnh đạo. Ông ta từng gây xích mích với Abdullah Azzam, một nhân vật có ảnh hưởng lớn với các chiến binh mujahideen, về việc phong trào thánh chiến toàn cầu nên mở rộng ra sao.

Gần đây, Zawahiri đã tiếp tục đấu khẩu với Sayyed Imam al-Sharif, người tiền nhiệm của ông này trong vai trò lãnh đạo phong trào Islamic Jihad và đang thụ án tù ở Ai Cập. Hồi năm 2008, Sharif bắn tin lên báo chí rằng Zawahiri “chỉ giỏi ở khoản chạy trốn, khuyến khích ai đó làm gì thay mình, quyên tiền ủng hộ và trả lời phỏng vấn báo chí”. Zawahiri phản hồi lại rằng Sharif chỉ là một tên hề phục vụ cho tình báo Mỹ và Ai Cập.

Những ứng viên tiềm năng

Nếu như Zawahiri không phải người phù hợp thì ứng viên triển vọng khác có thể được tính tới là Anwar al-Alwaki. Sinh tại Mỹ vào năm 1971, người đàn ông này đã có thời gian qua lại liên tục giữa Mỹ và Yemen trước khi định cư ở Trung Đông. Nhân vật này nổi tiếng là phát ngôn viên cho Al Qaeda ở bán đảo Arab.

Al-Alwaki bị nghi ngờ đã đóng vai trò quan trọng trong vụ tấn công khủng bố hụt nhân lễ Giáng Sinh 2009, trong đó một người Nigeria định cho một chiếc máy bay của hãng hàng không Northwest Airlines đâm xuống đất khi nó tới gần Detroit. Nhân vật này cũng có thể đã khuyến khích thiếu tá Mỹ Nidal Hasan quay súng bắn chết 13 đồng đội ở Fort Hood, Texas trong cùng năm.

Tuy nhiên Paul Cruickshank, một chuyên gia phân tích khủng bố của hãng tin CNN cho rằng việc Al-Alwaki chưa bao giờ ra trận có thể sẽ khiến ông ta mất điểm trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo Al Qaeda. “Ông ta là một giáo sĩ, một phát ngôn viên nhưng lại không phải là chiến binh” - Cruickshank đánh giá - “Và Al Qaeda trong nhiều năm qua vẫn do một chiến binh lãnh đạo”.

Một số gương mặt ít nổi tiếng hơn cũng đã được xem xét, gồm Abu Yahya al-Libi, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Al Qaeda. Chỉ chưa đầy 2 tháng trước cái chết của Bin Laden, al-Libi đã gửi một đoạn băng ghi âm khuyến khích các chiến binh Hồi giáo ở Libya lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Nhân vật này từng tham chiến ở Afghanistan và nổi tiếng vì đã đào thoát được khỏi nhà tù nằm tại Căn cứ không quân Bagram.

Tiếp tới là Ilyas Kashmiri, một cựu chiến binh đến từ đất Pakistan, người mới nổi lên như một kẻ chủ mưu chỉ đạo các chiến dịch khủng bố quốc tế. Sư đoàn 313 do nhân vật này lãnh đạo cũng chịu trách nhiệm tuyển mộ thêm nhiều thành viên mới ở châu Âu và Bắc Mỹ nhằm phục vụ cho các nhiệm vụ khủng bố tương lai.

Sau cái chết của Bin Laden, nhiều quan chức tình báo đã cho rằng bạo lực trả thù cho ông trùm khủng bố sẽ tăng thêm trong mấy tuần tới. Nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ hy vọng rằng việc nhiều nhân vật muốn trở thành Bin Laden mới có thể sẽ gây mất đoàn kết trong hàng ngũ Al Qaeda, khiến tổ chức này rối loạn hoạt động. Đây cũng là quan điểm của một số nhà phân tích. “Hoàn toàn không phải tin tốt cho Al Qaeda khi có nhiều người đang cố xỏ chân vào giày của Bin Laden” - Mudd đánh giá.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm