Bình luận Nam Khang: Tốc độ

18/06/2014 14:56 GMT+7 | Bảng B

(giaidauscholar.com) - Kể từ khi HLV Pep Guardiola rời khỏi Barcelona cách đây 2 năm, không ít người tin rằng sự ra đi của ông cũng sẽ đồng nghĩa với sự diệt vong của Tiki-taka. Niềm tin đó càng được củng cố khi Barcelona, Bayern Munich và đội tuyển Tây Ban Nha phải hứng chịu những thất bại ê chề mà mới đây nhất, “Cuồng phong đỏ” chỉ còn là cơn gió thoảng trước cơn bão Hà Lan.  

Phải chăng một phong cách bóng đá từng khuynh đảo cả châu Âu và thế giới trong những năm qua đã lỗi thời?

Con người sa sút

 Nếu đúng như thế thì cũng chẳng có gì bất ngờ, bởi chẳng có đội bóng nào có thể thắng mãi và cũng chẳng có lối chơi nào trường tồn theo thời gian. Đó cũng là quy luật của cuộc sống. Catenaccio và bóng đá tổng lực cũng đã từng khuynh đảo Thế giới một thời, nhưng nay đã biến mất.

Thế nhưng, dù yêu hay ghét, Tiki-taka cũng đã mang lại cho đội tuyển Tây Ban Nha và Barcelona vô số danh hiệu và cũng chẳng ai đổ lỗi cho HLV Vicente del Bosque khi ông áp dụng cách chơi này cho “Cuồng phong đỏ”. Và tất nhiên, người Tây Ban Nha luôn tự hào với cái cách mà các cầu thủ của họ kiểm soát bóng, thống trị quyền sở hữu bóng và tạo ra cơ hội theo cách này. Thế nên, chẳng có gì khiến họ phải thay đổi.

Thật vậy, Tiki-taka chưa lỗi thời mà lỗi ở đây là do những người vận hành cách chơi này. Bất kỳ một cách chơi nào cũng đòi hỏi những con người phù hợp mà Barcelona cũng như đội tuyển Tây Ban Nha được xây dựng để duy trì niềm tin vào một phong cách đã mang lại cho họ nhiều thành công.     

Tuy nhiên, vì nhiều lý do như sự lão hóa của những nhân vật chủ chốt (điển hình là Xavi Hernandez), sự mệt mỏi (liên tục thi đấu quá nhiều trận trong mỗi mùa bóng), bị đối thủ bắt bài…, sức lôi cuốn của Tiki-taka đã biến thành sự ru ngủ. Thế nhưng, cần phải phân biệt một cách rạch ròi rằng bản thân Tiki-taka không mất đi tính hiệu quả mà chẳng qua là vì nó đã không được vận hành đúng với nhịp độ cần có.

Tiki-taka cần những cầu thủ, đặc biệt là các tiền vệ, có kỹ thuật cá nhân xuất sắc, khả năng kiểm soát bóng tốt, chuyền bóng chính xác và chơi gần nhau. Đội tuyển Tây Ban Nha có thừa những phẩm chất đó trong đôi chân của những Xavi, Andres Iniesta, Sergio Busquet, Xabi Alonso, Pedro…

Tiki-taka cần những hậu vệ biết chơi bóng chứ không chỉ biết phá bóng. “Cuồng phong đỏ” cũng có thừa điều đó trong Gerard Pique, Sergio Ramos, Jordi Alba, Cesar Azpilicueta…

Tốc độ sa sút

Nhưng nếu chỉ chuyền bóng với nhịp độ đều đều, thì Tiki-taka đơn giản là một cách… phòng ngự bằng giữ bóng. Trong khi để xuyên phá được hàng thủ đối phương, TBN phải tăng tốc được trong những tình huống cuối cùng.

Tuy nhiên, họ đã đánh mất tốc độ trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Mất tốc độ trong tấn công nghĩa là không thể áp đặt được thế trận như mong muốn mà điều đó khiến đối thủ dễ dàng đối phó hơn. Mặt khác, mất tốc độ trong tấn công cũng có nghĩa là thiếu đi tính đột biến cao và cả tính bất ngờ, những yếu tố rất cần thiết cho cách chơi phối hợp nhỏ và nhuyễn.    

Mất tốc độ trong phòng ngự nghĩa là Tây Ban Nha sẽ để lộ ra những khoảng trống mênh mông phía sau hàng phòng ngự. Do Tiki-taka đòi hỏi phải tạo sức ép rất lớn lên phần sân của đối phương và thu hồi bóng một cách nhanh chóng nên các hậu vệ của họ cũng thường dâng lên rất cao. Thế nên, nếu như không tạo đủ sức ép và thu hồi bóng không hiệu quả thì Tây Ban Nha rất dễ dính đòn phản công của đối thủ.     

Đó là những điều mà HLV Del Bosque đã quá thấm thía trong trận thua nặng nề trước Hà Lan. Do vậy, cũng với những con người đó, mà nếu như các cầu thủ Tây Ban Nha tìm lại được tốc độ vốn có trong lối chơi thì Chile sẽ cảm thấy Tiki-taka đáng sợ như thế nào.  

Nam Khang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm