Bitcoin 'lao dốc' chưa có điểm dừng: Cuộc chơi đầy rủi ro

06/12/2018 15:17 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số có vốn hóa lớn nhất thị trường đang “lao dốc” mạnh trong đà bán tháo của thị trường thế giới, khiến những người tham gia cuộc chơi phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Điều này cho thấy những cảnh báo của các chuyên gia về sự rủi ro và khó lường của những đồng tiền ảo này là đúng.

Đồng bitcoin đã tăng gần 100% từ mức đáy của năm nay

Đồng bitcoin đã tăng gần 100% từ mức đáy của năm nay

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Chủ tịch FSS, Choi Jong-ku, cho biết Seoul sẽ hỗ trợ giao dịch tiền ảo nếu các “giao dịch thông thường” được tiến hành.

Bitcoin “lao dốc” và chưa có điểm dừng  

Nếu như vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, bitcoin đã đạt mức tăng tháng đến 40%, liên tục bứt phá về phía mốc 20.000 USD và gây nên một "cơn sốt toàn cầu", thì bắt đầu từ đầu năm 2018 đến nay, bitcoin đã trở lại quỹ đạo suy giảm. Giá bitcoin đã "bốc hơi" 73%, cùng với đó là khối lượng giao dịch hằng ngày sụt 56%. Tổng vốn hóa của toàn thị trường tiền ảo đã lao dốc 80%.

Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, giá trị tiền ảo bitcoin liên tục sụt giảm mạnh và chỉ còn giao dịch ở mức 3.700 USD/bitcoin, sau khi “chọc thủng đáy” 4.000 USD/bitcoin trong tuần trước. Chỉ tính riêng trong tháng 11, Bitcoin đã mất hơn 30% giá trị.  

Mới đây nhất, giá bitcoin trong ngày giao dịch 3-12-2018 đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017, chạm mốc thấp 3.790,96 USD. Điều này đã vẽ nên một bức tranh tương phản hoàn toàn so với tình hình thị trường tiền ảo cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, vào ngày 26-11, đồng tiền ảo này cũng có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất của 14 tháng là 3.462,57 USD…       

Không chỉ Bitcoin, các đồng tiền ảo khác cũng đang giảm giá mạnh. Ripple, đồng tiền ảo lớn thứ hai sau Bitcoin, cũng có thời điểm giảm 5% trong khi đồng tiền ảo lớn thứ ba Ethereum sụt trên 6%.   

Chú thích ảnh
Đồng Bitcoin rớt giá mạnh hơn 50% trong vòng chưa đầy 1 tuần. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia nhận định, đồng bitcoin giảm giá phản ánh phần nào tâm lý lo ngại của giới đầu tư sau hơn một năm lao vào cơn sốt đào tiền ảo. Một số đánh giá cho rằng, sự sụt giảm của bitcoin chưa đến điểm dừng. Thậm chí, bitcoin có thể sẽ xuống mức 2.500 USD/bitcoin trước khi bước sang năm 2019.   

Lý giải nguyên nhân lao dốc của đồng bitcoin, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, có một loạt yếu tố làm đẩy nhanh tốc độ mất giá của Bitcoin, trong đó có việc giới chức Mỹ thắt chặt quản lý tiền điện tử được xem là nguyên nhân chính khiến giá tiền ảo sụt mạnh trong những tháng vừa qua. Hiện Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã công bố án phạt dân sự đầu tiên đối với một số công ty tiền ảo. Hành động này nằm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận trong ngành tiền ảo. Thậm chí Bộ Tư pháp Mỹ còn đang điều tra xem đợt tăng giá chóng mặt của bitcoin hồi năm ngoái có phải là kết quả của hành vi thao túng thị trường hay không.  

Ngoài ra, do điều kiện thị trường có phần ảm đạm, cùng với việc tiền điện tử không thể trở thành một công cụ thanh toán chính thức, đã dẫn đến áp lực bán ra mạnh hơn so với hoạt động mua vào.   

Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, đồng tiền ảo Bitcoin chưa được đưa vào giao dịch ở các ngân hàng lớn trên thế giới, do có nhiều thông tin cho rằng đồng tiền này là một công cụ kinh doanh bất hợp pháp. Mới đây trong một nghiên cứu điều tra về hoạt động giao dịch tiền ảo được đưa ra vào tháng 8-2018 cho thấy, có đến 70% các cuộc ICO (gọi vốn cho các dự án tiền ảo) là lừa đảo hoặc thất bại, khiến giới đầu tư tiền ảo mất niềm tin vào thị trường tiền ảo. Điều này cũng được phản ánh thông qua lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch tiền ào liên tục sụt giảm mạnh...        

Rủi ro khó lường   

Tiền kỹ thuật số với tên gọi Bitcoin, ra đời từ cách đây 1 thập kỷ, vào ngày 31-10-2008, với mục đích nhằm thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Ra đời trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, bitcoin được cho là sự lựa chọn mới so với hệ thống tài chính truyền thống, vốn bị nghi ngờ sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ.   

Trong vòng 10 năm qua, đồng tiền ảo gây tranh cãi bitcoin này đã tác động không nhỏ đến hệ thống tài chính toàn cầu. Mặc dù không thể phủ nhận tiền điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của tiền tệ, khi thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế bitcoin cũng gây ra những biến động khó lường kể từ khi nó ra đời cho đến nay.   

Khi ra đời, bitcoin hướng tới một loại tiền tệ phổ biến toàn cầu, không chịu sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào và bất kỳ ai cũng có có thể tiếp cận, sở hữu. Chỉ vài tháng sau sự đời của Bitcoin, đã có 50 loại tiền ảo được tạo ra và cho đến nay con số này lên tới 2.000 đồng tiền ảo. Điểm chung của những đồng tiền này là hoạt động dựa trên nền tảng Blockchain (chuỗi khối) và được tạo ra nhờ quá trình “đào” tiền.   

Vào năm 2009, khi New Liberty Standard lần đầu tiên công bố giá trị quy đổi của Bitcoin ở mức 1 USD đổi được 1,3 Bitcoin, thì chỉ  4 năm sau, giá trị đồng tiền ảo này đã vượt mốc 1.000 USD. Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này khi có thời điểm được giao dịch ở mức trên 20.000 USD/Bitcoin.   

Tuy nhiên, cũng có lúc giá trị đồng tiền mã hóa này đã giảm tới 50%, có lúc xuống chỉ còn khoảng 10.000 USD, kéo theo sự sụt giảm của một loạt loại tiền ảo khác như ethereum hay litecoin. Biến động khó lường này khiến nhiều người không khỏi quan ngại về cơn khủng hoảng “bong bóng vỡ tan” đối với thị trường các đồng tiền ảo. Có thể kể đến như sự kiện năm 2014, khi thế giới đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng của đồng bitcoin, làm dấy lên quan ngại về sự an toàn của đồng tiền điện tử đầu tiên này. Khi đó, Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, quy tụ 80% giao dịch đồng tiền ảo trên thế giới, đã bị tin tặc đánh sập và làm biến mất một lượng tiền điện tử có giá trị lên tới 477 triệu USD.     

Không chỉ mất an toàn, giới phân tích còn cảnh báo giao dịch bằng đồng Bitcoin đã bị biến tướng, trở thành phương thức “hoàn hảo” để trốn thuế, rửa tiền, giao dịch các mặt hàng bất hợp pháp, thậm chí tài trợ khủng bố. Hồi năm 2014, giới chức Mỹ thông báo thu hồi được 29.000 Bitcoin sau chiến dịch truy quét The Silk Road, một thị trường buôn bán ma túy lấy đồng tiền kỹ thuật số này  làm tiền tệ giao dịch.   

Theo Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), có trụ sở tại Paris (Pháp), dù không phủ nhận tiền ảo và các dịch vụ liên quan có triển vọng giúp cải thiện hiệu quả và đổi mới tài chính, nhưng loại tiền này cũng tạo ra cơ hội cho tội phạm và khủng bố rửa tiền hoặc cung cấp tiền cho các hoạt động bất hợp pháp. Do đó FATF cho rằng các chính phủ cần phối hợp để giải quyết mối đe dọa trên.   

Trước những rủi ro của bitcoin, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra khuyến cáo, cho rằng để kiểm soát tốt đồng bitcoin, các ngân hàng trung ương nên thiết kế đồng tiền điện tử tương tự như bitcoin. Nếu các ngân hàng trung ương vào cuộc, việc quản lý thị trường tiền điện tử sẽ trở nên hiệu quả hơn, góp phần đáng kể vào cải thiện hệ thống thanh toán, đồng thời hạn chế được nhiều rủi ro về niềm tin, quy định trên thị trường còn hỗn loạn hiện tại.   

Còn tại Hàn Quốc, một trong những trung tâm trao đổi bitcoin tư nhân lớn nhất thế giới, Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) đã quyết định cấm sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh để giao dịch tiền ảo. Bên cạnh đó, người nước ngoài và những nhà đầu tư không đủ tuổi cũng sẽ bị cấm mở tài khoản tiền ảo tại Hàn Quốc.   

Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã cấm huy động vốn thông qua việc bán đồng tiền ảo để tài trợ cho việc phát triển một sản phẩm.   

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã cấm các trang web bán Bitcoin và các đồng tiền ảo khác...   

Theo các chuyên gia, nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả, thì đồng tiền kỹ thuật số có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

TTXVN/Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm