Blog bóng đá: Ta đừng như họ

20/09/2010 11:32 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long đã ở sát bên. Nếu như xem giải AFF Cup là một World Cup của bóng đá Việt Nam thì trong một chừng mực nào đó, ta cũng có thể gọi Cúp 1000 năm Thăng Long là … Confederations Cup. Màn trình diễn của các cầu thủ trong đợt sát hạch này sẽ cho người hâm mộ một cái nhìn rõ hơn về đội tuyển Việt Nam, nay đã là nhà đương kim vô địch AFF Cup.

Đương kim vô địch, 4 cái từ ấy nghe đơn giản, quen thuộc vậy mà mỗi lần đọc lên vẫn thấy sướng cái lỗ tai. Bây giờ, ta sẽ bước vào hành trình AFF Cup trên lộ trình bảo vệ danh hiệu vô địch, chứ không phải lộ trình đốt đuốc tìm danh hiệu sau mấy chục năm như trước kia. Trước khi vô địch AFF Cup 2 năm trước, Việt Nam ta như anh chàng đi thi mà biết chắc có đậu cao nhất cũng chỉ là… á khoa, đến nỗi ta mang biệt danh là “vua về nhì”, “nhà sưu tập huy chương bạc”...
Ngày ấy, trong những giây phút miên man về quá khứ vàng son, ta hay kể với con cháu ta với giọng bi hùng: ngày xửa ngày xưa, Việt Nam mình từng vô địch SEAP Games 1959 (tiền thân của SEA Games). Sợ con cháu ta thấy xa quá, ta nhắc gần gần: hồi 1966, lúc đội Anh vô địch World Cup với thủ quân Bobby Moore thì Việt Nam mình cũng vô địch giải Merdeka với sự tỏa sáng của siêu trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang.
Tuyển Việt Nam giờ là ĐKVĐ AFF Suzuki Cup
Bây giờ thời thế thay đổi không ngờ. Ta đổi giọng liền: đội tuyển Anh giờ cũng không có số má gì so với Việt Nam hết. Vì mãi từ 1966 đến bây giờ họ có vô địch World Cup lại lần nào nữa đâu trong khi Việt Nam mình đã vô địch giải AFF Cup 2008 nhờ cú đánh đầu siêu phàm của ngôi sao Lê Công Vinh. Bây giờ khi đến lễ bốc thăm, ta không thèm nhìn trước nhìn sau xem mình rơi vô bảng của những ai nữa. Đội nào cũng vậy hết, người ta phải né Việt Nam chứ làm gì có chuyện ngược đời là đương kim vô địch đi né người ta. Tôi dám đồ rằng: Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã thở phào một cái rõ to khi tránh được Việt Nam ta ở vòng bảng.

Đó, chính cái danh xưng oai vệ “đương kim vô địch” ấy sẽ khiến đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu với một tâm thế khác. Chuyện này coi đơn giản nhưng thiệt ra rất khó chịu. Như trên thế giới, biết bao nhiêu đội sau khi vô địch đã không thể nào ngẩng đầu lên nhìn đời được sau đó. Có đội vì quá ngạo nghễ vì chức vô địch (như đội Anh), có đội vì khiêm nhường đến mức nhu nhược mà trượt dốc. Như đội Đan Mạch vô địch Euro 1992, Hy Lạp vô địch Euro 2004 để rồi đến nay vẫn chỉ là những đội trung bình ở châu Âu. Hy Lạp vào trận cứ tiếp tục thủ và thủ, không có nét gì oai vệ của một đại gia. Thế là đến World Cup 2006 họ ngồi nhà, Euro 2008 và World Cup 2010 vừa qua loại từ vòng bảng. HLV được phong Thánh là Otto Rehhagel cũng phải ra đi. Thành công trong trường hợp này quả là có mặt trái: nó khiến cho ta lầm tưởng những gì đúng trong quá khứ cũng có thể mang ra dùng trong hiện tại.

Cũng có những trường hợp thành công, nhưng lại xa rời truyền thống để rồi thất bại thảm hại, như ông HLV Felix Magath của đội Schalke. Vốn nổi tiếng bởi phong cách huấn luyện khắc khổ, đặt nặng hàng thủ, mua sắm tiết kiệm, phát huy nội lực, mùa này đột nhiên Magath nổi hứng mua sắm ồ ạt, từ Raul của Real Madrid đến Huntelaar của AC Milan. Thế là HLV cũng được dân Đức tôn sùng này đang cùng đội bóng của mình đứng trong khu vực rớt hạng.

Việt Nam ta cũng đang trong một chu kỳ đi lên. Trước khi vô địch AFF Cup, ta lọt vào top 8 đội mạnh nhất Asian Cup, đội Olympic thì bất ngờ giành Cúp Merdeka. Tại SEA Games vừa rồi ta cũng vào chung kết một cách hoành tráng nhưng lại để thua Malaysia. Ta thua vì đi vào vết xe đổ của Hy Lạp: mạnh mà cứ nghĩ mình yếu, đâm ra mất niềm tin vào bản thân. HLV Henrique Calisto tuy chưa được dân ta phong thánh, nhưng cũng đã đến cái ngưỡng gần gần như vậy. Chỉ mong ông phải là những “Thánh dỏm” như Rehhagel hay Magath, để ta tiếp tục mang những chiến tích tiếp theo mà khoe khoang với con cái sau này…

ĐÌNH 8

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm