BLV Lý Chánh: Con đường quen của nhà vô địch

21/06/2014 19:26 GMT+7 | Bảng F

(giaidauscholar.com) - Argentina hoàn toàn có cơ sở để tin vào chiến thắng mà họ chờ đợi từ năm 1986 cho đến nay. Thắng 2-1 khiêm tốn trước Bosnia-Herzegovina là khởi đầu đúng mực của một đội bóng có khả năng điều phối sức để đi đến chức vô địch.

1. Nhìn lại các vòng chung kết World Cup bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, tôi không tìm thấy nhà vô địch nào ra mắt dữ dội như kiểu Hà Lan vùi dập Tây Ban Nha vừa rồi. Khi vô địch thế giới hồi năm 2002, Brazil đã “khởi động” bằng trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ 2-1 giống tỷ số Argentina thắng Bosnia-Herzigovina. Bốn năm sau, Italy thắng Ghana trong kỳ World Cup 2006 mà họ lên ngôi vô địch bằng tỷ số 2-0 vừa phải. Thậm chí, Tây Ban Nha còn thua ngay trận đầu trước Thụy Sĩ 0-1 tại Nam Phi 2010, trước khi thắng một mạch 6 trận sau đó để vô địch. Cũng ở các giải đó, những đội bóng thổi bão lên ngay từ đầu như Đức (thắng Saudi Arabia 8-0, 2002), Tây Ban Nha (Ukraine 4-0, 2006), và Đức (Australia 4-0, 2010) đều không thể lên ngôi.

Điều này cho thấy, cuộc đua đường dài (7 trận) trong một giải ngắn hạn (1 tháng) đòi hỏi các đội bóng phải biết cách phân bổ sức lực và “gài số” một cách hợp lý – nếu xem giải đấu là một đường đua xe - để có thể vượt qua đối thủ của mình ngay vào lúc cần thiết nhất.

2. Hồi năm 2010, Tây Ban Nha xuất phát không chuẩn, để thua Thụy Sĩ 0-1, nhưng kịp thời gỡ gạc nhờ “gài số”, tăng tốc độ hợp lý trong hai trận vòng bảng còn lại để vào con đường bằng phẳng (gặp những đối thủ không mạnh) tiến đến trận chung kết thắng Hà Lan mà không cần phải điều chỉnh cần số của mình quá nhiều (thắng bốn trận chót cùng tỷ số 1-0). Giải này, Đức là điển hình của một tay đua trông rất dũng mãnh, nhưng lại không phải là một tay lái lụa. Sau những trận thắng hoành tráng trước Australia 4-0, Anh 4-1, Argentina 4-0, “tay lái” Đức đã không kịp trả số ở khúc cua bán kết gặp TBN và chịu thúc thủ với tỷ số 0-1.

Italy của 2006 và Brazil của 2002 có cách chinh phục cuộc đua gần giống nhau. Khởi đầu không quá mạnh mẽ và chỉ nổi lên ở những khúc cua cuối cùng, để rồi tăng tốc hết ga đúng lúc nhất trên đoạn đường thẳng cán đích. Trận đấu hay nhất của cả hai đội chính là trận chung kết Brazil thắng Đức 2-0 tại World Cup 2002, và Italy thắng Pháp trong loạt sút luân lưu 11m năm 2006.

Bản thân Argentina khi đăng quang ở hai kỳ World Cup 1978 và 1986 đều như thế: khởi đầu vừa phải (thắng Hungaria 2-1, 1978; thắng Hàn Quốc 3-1, 1986) để rồi càng chơi càng hay khi vào sâu, đặc biệt ở trận bán kết (1986) và chung kết.

3. Tại Brazil 2014, sau trận thắng Bosnia-Herzegovina 2-1, Argentina sẽ giành vé vào vòng trong nếu thắng tiếp Iran – một nhiệm vụ không quá khó. Nếu giành ngôi đầu bảng, hành trình của Argentina sẽ tương đối dễ thở hơn so với những cung đường khác: vòng hai gặp Thụy Sĩ (hoàn toàn nằm trong dự tính ban đầu), tứ kết gặp Bỉ, và bán kết mới gặp Hà Lan hoặc Italy.

So với những ứng cử viên tiềm tàng khác, rõ ràng Argentina nằm trong một bảng vừa phải, lịch thi đấu thuận lợi, và thực tế lại diễn ra gần như mong muốn. Thắng Iran, Argentina không phải quá lo ngại trong trận cuối gặp Nigeria, thậm chí, ông Alejandro Sabella còn có thể cho các cầu thủ chưa ra sân tại World Cup lần này đá chính để làm quen không khí.

Lionel Messi chắc chắn đã nhận ra cơ hội và thời cơ của mình sau những gì đã xảy ra với Tây Ban Nha, danh thủ Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha, và đặc biệt con đường không quá khó mà họ sẽ đi qua trong những ngày sắp tới.

Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm