'Bố già' được tô vẽ như người hùng, gây chấn động nước Ý

09/04/2016 07:16 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Điều gì sẽ xảy ra nếu như con trai của một "bố già" viết sách và kể lại về cha mình, không phải như một tên tội phạm, mà là một người cha, người chủ gia đình? Cuốn sách có lẽ bán chạy, có thể gợi lên những tranh cãi mới, hoặc đơn giản là bao biện cho "bố già".

1. "Trong tháng Hai và tháng Ba năm 1992, chúng tôi dán mắt vào tivi suốt đêm để xem giải đua thuyền America's Cup. Cha chuẩn bị đi-văng chỉ cho tôi và cha, cùng với một đĩa bánh to tướng và hai cái ghế để gác chân. Lúc đó, tôi chưa đầy 15 tuổi và ông ấy, Toto Riina, là người hùng của tôi".

Nhưng chính những ngày ấy là thời điểm mà ông trùm của các ông trùm mafia ở Corleone đang lên một kế hoạch chi tiết để chỉ vài ngày sau đó, cho đàn em ám sát Salvo Lima, nghị sĩ đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, từng được Riina và băng đảng của hắn coi là một đồng minh thân cận trong chính trường nước này.

Trong mắt của Riina, Lima chết vì một "lỗi" rất nặng: không thành công trong việc ngăn cản các công tố viên Falcone và Borsellino, những người anh hùng thực sự của nước Ý trong cuộc chiến chống mafia, mở phiên tòa xét xử hàng trăm tên mafia. Đấy là một phiên tòa lớn chưa từng có ở Sicily và lịch sử chống mafia của Italy.

Hai tháng sau ngày ấy, là một sự kiện bi thảm xảy ra ở Capaci, ngoại ô Palermo. "Chúng tôi mở kênh RAI 1. Bản tin thời sự đặc biệt lúc đó đã chạy được hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi im lặng ngồi trước màn hình. Gương mặt của Giovanni Falcone xuất hiện từng phút một, kèm với hình ảnh của một đoạn đường cao tốc bị tách làm đôi. Một cái hố đầy khói, xung quanh vương vãi các mảnh ô tô vỡ, cảnh sát điều tra có mặt ở khắp nơi...

Cha tôi cũng ở nhà. Ông ngồi trên ghế trước tivi. Ông cũng im lặng, không nói một lời nào, đặc biệt là không hề tỏ ra bị tác động hay tò mò bởi các hình ảnh trước mắt, dường như đang nghĩ về một điều gì đó khác".

Sự thật là chính hắn, Toto Riina, đã ra lệnh tiến hành ám sát viên công tố dũng cảm và xuất sắc Falcone ấy bằng một tấn thuốc nổ TNT gài dưới con đường đi qua Capaci để tới Palermo ngày 23/5/1992.

Sau cuộc trả thù Lima là một cuộc trả thù tàn bạo hơn nữa với Falcone, kẻ thù lớn nhất của Riina, người đã phá tan các băng đảng mafia và tống giam rất nhiều tay chân của Riina vào tù.

2. Những gì được viết ra ở trên, về "cha tôi, người hùng" là của Giuseppe Salvatore Riina, con trai thứ hai của Toto Riina. Không phải là một nhà văn, không phải là người được học hành đầy đủ, nhưng "Salvo", biệt danh của anh ta, năm nay 39 tuổi, đã kể lại một phần những gì mà gia đình Riina đã trải qua trong những ngày đặc biệt ấy của những năm đầu thập niên 1990 trong cuốn sách có tựa đề "Riina, family life" ("Riina, cuộc sống gia đình", tựa bằng tiếng Anh)  được phát hành hôm 7/4 tại Italy.

Nhà xuất bản Anordest hy vọng rằng, đây sẽ là một cuốn sách gây chú ý, không phải vì nó khai thác về mafia, một chủ đề quá quen thuộc ở Ý trong nhiều thập niên qua, mà vì đấy là góc nhìn từ phía gia đình của Toto Riina, một kẻ sát nhân, một ông trùm nổi tiếng tàn bạo cầm đầu băng Corleone khét tiếng, đã ra lệnh giết hết những ai ngăn cản hắn thể hiện quyền lực của mình.

Falcone và Borsellino là những người trong số đó. Bởi trong nhiều năm, họ đã công bố trước dư luận hệ thống tổ chức của mafia, điều trước đó chưa ai làm được, đã truy tìm những kẻ đứng đầu của mafia, đã tìm mọi cách để đưa bằng được Riina và đồng bọn ra tòa. Chính vì thế, họ đã bị giết một cách tàn bạo.

Nhưng trong cuốn sách của mình, Salvo Riina không nhắc một lời nào đến những tội ác do cha của anh ta gây ra. "Tôi không phải là quan tòa của cha tôi", Salvo Riina nói với nhật báo Corriere della Sera trong một quán bar ở Padova, nơi anh ta đang sống, nhưng bị cấm ra khỏi tỉnh này và không được ra khỏi nhà từ 10 giờ đêm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. "Tôi không có phận sự phải nói cha tôi có phải là trùm mafia hay không. Người ta đưa ra bản án, còn tôi nói đến một điều khác: cuộc sống gia đình tôi đã rất hạnh phúc cho tới khi cha tôi bị bắt".

3. Những gì mà Salvo Riina viết trở thành hồi tưởng một cách sống động về cuộc sống của gia đình Toto Riina trong nhiều năm ròng lẩn trốn sự truy tìm gắt gao của cảnh sát. Tên trùm mafia và vợ hắn đã liên tục thay đổi nơi ở trong các vùng xung quanh Palermo.

Các con hắn cũng được sinh ra trong những năm trốn chạy ấy. Họ lớn lên, được ghi khai sinh, nhưng vì cái họ của "bố già", không trường nào dám nhận họ vào học. Mẹ của Salvo Riina đã dạy anh ta và các anh em trong gia đình Riina đọc và viết. Bọn trẻ được chơi đùa trong nhà, nhưng không được mời bạn đến nhà và cũng không được đến nhà bạn.

Riina bị bắt giữ ngày 15/1/1993 sau 16 năm lẩn trốn. Cuộc sống của gia đình Riina thay đổi mãi mãi từ đó. Thị trấn Corleone và gia đình của Riina đột nhiên trong tầm ngắm của nước Ý và thế giới khi cảnh sát xuất hiện.

Salvo Riina và anh trai mình cũng bị bắt. Trong khi Giovanni, anh trai Salvo đến giờ vẫn ngồi tù, thì Salvo tìm cách sống hoàn toàn ẩn dật, xa lánh thế giới và lần xuất hiện công khai duy nhất của anh ta là vào năm 2008, trong đám cưới của em gái Lucia.

Hôm ấy, Salvo thay cha đang ngồi tù để dắt Lucia vào nhà thờ làm lễ kết hôn. Và rồi bây giờ, anh ta viết sách, kể lại những gì anh muốn.

Chỉ có điều, anh im lặng trong rất nhiều việc, từ việc Toto Riina đã sống chui lủi như thế nào trong giai đoạn trước khi bị bắt cho đến việc anh không cộng tác với các nhà điều tra. Con trai của bố già không nói đến tội ác, mà kể chuyện về cha mình và mẹ mình. "Chúng tôi không sám hối trước người khác", anh nói, "mà chỉ trước Chúa".


Bà cũng cho rằng, việc chương trình này thực hiện phỏng vấn Salvo Riina là điều "không thể tưởng tượng được": "Trong khi tôi tìm cách truyền lại cho thanh niên trên toàn nước Ý các giá trị về công lí mà anh tôi đã hy sinh vì nó, thì việc đưa con trai của một bố già lên màn hình của truyền hình quốc gia là điều đáng phẫn nộ”.

Chương trình vừa qua dành một phần thời lượng để nói về cuốn sách và phỏng vấn Salvo Riina về 16 năm sống lẩn trốn của cha anh ta, về việc gia đình có biết về sự dính líu của Toto Riina vào các vụ ám sát Falcone và Borsellino, nhưng đã hoàn toàn im lặng.

Về chương trình này, Nghị sĩ Michele Anzaldi của đảng Dân chủ cầm quyền đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đòi kênh RAI phải lên tiếng giải trình. Ông cho rằng, truyền hình quốc gia đã dùng sóng của mình để quảng cáo cho một cuốn sách của tội phạm.

A.N

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm