12/12/2015 13:52 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tuần qua, Mark Zuckerberg, một trong những tỷ phú giàu nhất trên thế giới “gây chấn động” toàn cầu khi anh công bố món quà đặc biệt cho con gái đầu lòng: dành 99% tài sản của mình (trị giá 45 tỷ USD) cho quỹ từ thiện với mục đích để tạo ra một thế giới tốt đẹp và bình đẳng hơn cho cuộc sống tương lai của con gái.
Các nhân vật của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trong chuyên mục này sẽ bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.
Nhà văn Trang Hạ: Mark Zuckerberg cho không đơn giản chỉ là cho không
Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt Nam đang bị nhầm lẫn giữa khái niệm từ thiện và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Không phải ai bố thí cũng đều là người có trách nhiệm xã hội. Và nhiều cá nhân, tập đoàn thực hiện chiến lược CSR doanh nghiệp hoặc đầu tư quỹ với mục đích tương tự thì lại bị gọi đó là từ thiện.
Tôi nghĩ thực ra, cho không đơn giản chỉ là cho không, còn dự định của Mark Zuckerberg để xây dựng một xã hội tiến bộ và tốt đẹp hơn hiện tại thì khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Gọi đó là từ thiện chính là một cách coi thường tầm vóc và sứ mệnh của Mark, còn gọi đó là trốn thuế thì đó là giọng lưỡi của lưu manh mạng.
Rất nhiều doanh nhân trên thế giới đã cho con thừa kế tay trắng, nhưng họ để lại một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng, đó là cái nhìn của người Việt, quá rạch ròi giữa “của tao” và “của người ta”, “con tao” và “con chúng mày”, đã quen lối sống tiểu nông “hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Còn với những người đã được giáo dục từ nhỏ rằng, một cá nhân không thể tách rời cuộc sống và quyền lợi với xã hội, thì họ để gia tài cho con là một thế giới rộng lớn với những điều tốt đẹp có cơ hội được nảy nở, đó mới là hành động tử tế của một người bố, người mẹ. Họ chẳng bao giờ nghĩ họ đã cho con thừa kế tay trắng.
Tôi nuôi dạy con trong điều kiện phù hợp nhất của gia đình. Trong nhịp sống đó, các con tôi nhiều năm nay không có ti-vi để xem, nhưng các con có một cái túi dùng để đựng đồ chơi cũ, quần áo chật dành cho trẻ em nghèo ở quê. Tôi không có đủ điều kiện đưa con đi chơi những nơi đắt tiền, nhưng tôi khuyến khích con cái đi bộ dọc đường và chào hỏi mọi người chung quanh, mang vé xe Tết tặng hàng xóm nghèo.
Tôi cũng thường giải thích cho các con hiểu, vì sao em bé này bị ốm, chúng ta chỉ gửi tiền giúp đỡ một lần thôi, còn em bé kia nhà nghèo, cứ đầu học kỳ, ta sẽ gửi tiền giúp để em mua sách vở. Và vì sao, chúng ta cần phải học rất nhiều thứ để có thể sống sót được trong một xã hội rộng lớn như thế này. Tôi tin rất nhiều bà mẹ trong xã hội cũng đang dạy con như vậy, dù họ chẳng lấy được ông chồng giàu như Mark.
Chỉ huy Châu Anh: Tiềm thức của người Việt là dành dụm, tích trữ
Tôi nghĩ rằng để hành động như Mark Zuckerberg hay Bill Gate phải là những người có tư duy, có tầm văn hóa cao. Bởi khi họ đã đạt được thành công nhất định, họ ý thức cao về sự khó khăn, những kỹ năng để đạt được điều đó. Chính vì thế, với họ, tài sản đó ý nghĩa nhất là khi được trao đi.
Người phương Tây cũng không có văn hóa tích trữ, dành dụm như mình. Tôi có cảm giác người Việt cả đời dành dụm cho con cho cháu, thậm chí, con cả còn phải lo toan cho cả dòng họ. Nếu không bị nặng gánh gia đình đến lúc đấy họ mới có điều kiện tích cóp cho con. Đời trước “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm” thì đời sau có trách nhiệm “bù đắp”. Có lẽ lối sống ấy đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ. Và phải chăng, tích trữ là để cho yên tâm?
Tuy nhiên, bây giờ quan điểm của nhiều gia đình hiện đại ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Họ cho con trải nghiệm bằng việc học hành, cho con kỹ năng để hội nhập cuộc sống một cách thành công vì nếu chỉ cho tài sản vật chất thì có ít người hiểu được và sử dụng đúng mục đích giá trị của việc được thưởng hưởng. Rất dễ rơi vào tình trạng sống thụ động, sống trên đống vàng và cuối cùng là không thể thành công trong cuộc sống.
Tôi vẫn mong muốn tạo cho con kỹ năng tự lập, tạo dựng cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Với tôi, điều mà tôi có thể cho đi với con cái nhiều nhất là tạo điều kiện cho con cơ hội lĩnh hội tri thức và tình yêu.
Nhà văn Hồ Thị Hải Âu: Cho đi rất nhiều là yêu thương vô tận
Trong thời đại mà cảm hứng toàn cầu trở nên gần gũi, cởi mở, thì ở Mỹ hay ở Việt Nam, đều có rất nhiều trái tim, tâm hồn, lối sống tương đồng nhau, tuy họ khác quốc gia.
Tuy nhiên, ở mỗi một cá nhân, cách họ làm có sự khác biệt bởi triết lý lập pháp và các điều khoản của pháp luật về việc đánh thuế đối với tài sản thừa kế.
Ở Mỹ, khi bạn để lại tài sản thừa kế cho con cái, sẽ phải chịu một tỷ lệ thuế rất cao, theo như tôi nhớ là 80 - 85% tổng giá trị tài sản. Trong khi đó, nếu tài sản được sử dụng cho cộng đồng dưới mọi hình thức thì sẽ được miễn thuế. Với triết lý lập pháp tường minh này, nó trở thành một nền tảng văn hóa trong lối sống và hành xử của mỗi người dân Mỹ. Họ trở nên không bị xung đột trước những quyết định cống hiến tài sản riêng vì mục tiêu phúc lợi xã hội.
Mark Zuckerberg là nhân vật kiệt xuất của nhân loại, ông ấy là đại diện công dân toàn cầu ưu tú thế kỷ 21. Với những cá nhân này, họ là những người mang tư tưởng lớn, cấp tiến với nỗ lực làm thay đổi thế giới, và thực tế họ đã có ảnh hưởng lớn làm thay đổi thế giới.
Tôi tin rằng, ở Việt Nam hiện nay và trong quá khứ cũng có rất nhiều người sống với tinh thần “cho đi rất nhiều là yêu thương rộng lớn” - bởi bạn thấy đấy, cũng như khi bạn trồng một cái cây, nếu bạn chăm chăm tưới thật nhiều và thật nhiều nước vào gốc cây, cái cây sẽ chết vì úng nước.
Nhưng nếu bạn biến thành cơn mưa tưới tắm mát lành đến khắp môi sinh chung quanh, thì cái cây đó sẽ trưởng thành tốt tươi trong một môi trường đều tươi tốt, an vui, thiện nguyện, hài hòa. Tôi gọi đó là tình yêu tuệ giác của cha mẹ.
Khi bạn chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách tràn đầy yêu thương, tuệ giác, tỉnh táo và lành mạnh, đứa trẻ đó sẽ trưởng thành vững chãi khi nó đến tuổi thành niên - tuổi 18. Khi một đứa con lớn lên khỏe khoắn, nội lực và tự tin trong một thời đại cởi mở, nhiều cơ hội… thì đứa con đó sẽ không bao giờ cần trông cậy và dựa dẫm vào tài sản từ cha mẹ để lại.
Nó có cảm hứng và thực sự thấy hoan hỷ phúc lạc trên hành trình dấn thân và dựng nghiệp của chính mình. Kiêu hãnh sống bằng sức lao động của bản thân. Tôi tin, đó mới thực sự là “của cải thừa kế quý báu nhất” mà cha mẹ có thể để lại cho con cái mình; và với tư cách là công dân xã hội, cha mẹ đã cống hiến cho cộng đồng một cá nhân tốt.
Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất