Tuấn Anh, Xuân Trường và những thủ lĩnh trẻ của tuyển Việt Nam

12/10/2016 08:21 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Từ Việt Hoàng, Minh Phương tới Xuân Trường, Tuấn Anh, bóng đá Việt Nam mỗi thời mỗi khác. Song chúng ta chưa bao giờ thiếu những thủ lĩnh quái kiệt ở tuổi đôi mươi.

Ở tuổi 21, Tuấn AnhXuân Trường đã đóng một vai trò không thể thay thế trong đội hình tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Trong lịch sử đội tuyển, hiếm có thủ lĩnh trẻ nào xuất sắc như thế.

Thực tế dưới thời Hữu Thắng đã chứng minh: Nếu không chấn thương, Tuấn Anh và Xuân Trường luôn được mặc định hai suất đá chính trong đội hình. Ngoài họ, ba cầu thủ HAGL khác là Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh đều phải chiến đấu để giành giật vị trí.

Cùng với Nguyên Mạnh, Ngọc Hải và Công Vinh, đó là 5 cái tên hiếm hoi “không thể thay thế” ở đội tuyển.

Trong trận gặp Indonesia vừa qua, chúng ta đã thấy đội tuyển Việt Nam gặp khó khăn như thế nào khi Tuấn Anh, Xuân Trường vắng mặt. Đích thân HLV Hữu Thắng cũng phải thừa nhận điều đó: “Trận gặp Indonesia, chúng tôi không có được nhân sự mạnh nhất vì một số trụ cột vừa phải rời đội để trở lại câu lạc bộ nước ngoài thi đấu”.

Ở tuổi 21, Xuân Trường, Tuấn Anh đã là “trái tim” của đội bóng. Lịch sử bóng đá Việt Nam hiếm khi chứng kiến những thủ lĩnh trẻ tài năng như thế.

Trước Tuấn Anh, Xuân Trường, một tiền vệ trẻ khác cũng từng trở thành “buồng phổi” của tuyển Việt Nam khi mới 22 tuổi. Đó là Trương Việt Hoàng ở Tiger Cup 1998. Tiền vệ sinh năm 1975 khi đó đã chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong đội hình tuyển Việt Nam. Việt Hoàng cũng chính là chủ nhân của cú nã đại bác vào lưới Thái Lan ở bán kết, mở đường cho thắng lợi đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam trước Thái Lan.

Bốn năm sau Việt Hoàng, Tiger Cup 2002 chứng kiến sự xuất hiện của một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng. Chính họ sau này đã trở thành nòng cốt của tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Họ là Phan Văn Tài Em (20 tuổi), Huy Hoàng (21 tuổi) và Minh Phương (22 tuổi). Trong số này, Minh Phương có thể so sánh với Tuấn Anh, Xuân Trường về tầm ảnh hưởng. Ở tuổi 22, chàng lãng tử với mái tóc rẽ ngôi đã kịp ghi 2 bàn tại Tiger Cup.

Đến năm 2007, một lứa trẻ tài năng khác xuất hiện và ngay lập tức chiếm suất đá chính. Đó là Lê Tấn Tài (23 tuổi), Huỳnh Quang Thanh (22 tuổi) và Vũ Phong (21 tuổi). Cùng với lứa 2002, họ đã làm nên chức vô địch AFF Cup một năm sau.

Cũng trong kỳ AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam giới thiệu một gương mặt 20 tuổi mà ngày nay đã trở thành huyền thoại. Anh là Phạm Thành Lương. Số 11 là cái tên hiếm hoi trong lịch sử đá chính ở Việt Nam khi mới 20 tuổi.

Lịch sử bóng đá Việt Nam luôn ghi nhận sự xuất hiện của các thần đồng. Nhưng phải tới vài năm trở lại đây, các sự kiện lẻ tẻ ấy mới trở thành xu hướng. AFF Cup 2014 chứng kiến tuyển Việt Nam trẻ nhất trong lịch sử dưới thời Toshiya Miura.

Quế Ngọc Hải, Võ Huy Toàn và Nguyễn Thanh Hiền cùng 21 tuổi, Nguyên Mạnh là thủ môn trẻ nhất ở tuổi 22. Hai cầu thủ chơi cùng vị trí với Tuấn Anh, Xuân Trường là Huy Hùng và Hoàng Thịnh, lúc đó vừa bước sang tuổi 22.

Với những gì Hữu Thắng đang xây dựng, xu hướng trẻ hóa ấy sẽ tiếp tục được thể hiện ở AFF Cup 2016 sắp tới. Ngoài Xuân Trường, Tuấn Anh, những cái tên như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng... đều chưa quá 21 tuổi.

Thực tế ấy tới từ việc các cầu thủ đang ngày càng được đào tạo tốt hơn. Bóng đá trẻ phát triển cũng khiến khoảng cách trình độ giữa họ với các đàn anh được rút ngắn lại. Lịch sử bóng đá thế giới cũng ghi nhận những trường hợp tương tự.

Ví dụ điển hình là tuyển Đức ở World Cup 2010. “Cỗ xe tăng” khi đó có tới 9 cầu thủ U23 trong đội hình. Hai ngôi sao sáng nhất của họ năm ấy là Thomas Mueller và Mesut Oezil đều mới 21 tuổi.

Khi chúng ta thấy một cầu thủ trẻ chơi tốt, chúng ta thường nói họ sẽ là tương lai của đội bóng. Nhưng với đội tuyển Việt Nam bây giờ, họ chính là hiện tại.

Bạch Dương

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm