16/10/2013 14:50 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(giaidauscholar.com) - Đội hình xuất sắc nhất trong lịch sử World Cup của chúng ta sẽ được xếp theo sơ đồ chiến thuật 4-3-2-1, và với tiêu chí là mỗi thành viên phải từng tham dự ít nhất một trận Chung kết.
Thủ môn: Gilmar (Brazil)
Chỉ có 3 thủ môn từng bắt chính ở hai trận Chung kết World Cup liên tiếp. Và hai trong số họ, gồm Jan Jongbloed (Hà Lan) và Harald Schumacher (Tây Đức) đã không thể giành chiến thắng lấy một lần. Người còn lại, Gilmar của Brazil thì lại vô địch cả hai, và chỉ riêng điều đó thôi đã là đủ để huyền thoại của Corinthians và Santos góp mặt trong đội hình tiêu biểu trong lịch sử World Cup.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Từ giai đoạn 1953 tới 1969, Gilmar đã có 94 lần khoác áo ĐT Brazil. Đỉnh cao của Gilmar là ở World Cup 1958 khi ông giữ sạch lưới trước Áo, Anh, Liên Xô và xứ Wales, góp công lớn giúp Brazil giành chức vô địch. 4 năm sau, thủ môn được coi là hay nhất lịch sử bóng đá Nam Mỹ đã giữ sạch lưới trước Mexico và Nam Tư để cùng Brazil bảo vệ thành công chức vô địch.
Hậu vệ phải: Carlos Alberto (Brazil)
Chúng ta đã thấy Carlos Alberto xuất hiện rất nhiều trong thời gian qua bởi ông cùng với Amarildo, Bebeto, Marta, Ronaldo và Mario Zagallo là những đại sứ của World Cup 2014 được tổ chức ở Brazil. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây 4 thập kỷ, ông là hậu vệ cánh hay nhất thế giới khi đó, thậm chí là hay nhất mọi thời đại.
Tại World Cup 1970, Carlos Alberto là nhân tố chính giúp Brazl lần thứ ba vô địch thế giới. Khả năng hoạt động không biết mệt mỏi bên cánh phải cùng những cú sút mạnh như búa bổ của ông đã khiến đối thủ phải khiếp sợ. Cú sút cực mạnh tung lưới Italy trong trận Chung kết của Alberto được coi là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup.
Trung vệ: Franz Beckenbauer (Tây Đức)
Beckenbauer có lẽ là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử đội tuyển Đức. Ông đã tham dự hai trận Chung kết World Cup vào các năm 1966, 1974 và một lần xếp thứ ba năm 1970. Tại Anh năm 1966, ông và các đồng đội đã thất bại với tỷ số 2-4 trước đội chủ nhà ở trận Chung kết. Đến năm 1970, Tây Đức của Beckenbauer lại thua Italy ở Bán kết sau một trận đấu được coi là kịch tính nhất trong lịch sử World Cup. Tuy nhiên, 4 năm sau, Beckenbauer và Tây Đức cuối cùng đã lên đỉnh thế giới sau khi ngược dòng đánh bại Hà Lan để trở thành đội tuyển đầu tiên vô địch hai giải đấu lớn liên tiếp (trước đó, Tây Đức đã vô địch EURO 1972).
Tuy nhiên, màn trình diễn đỉnh cao nhất của Beckenbauer lại đến ở World Cup 1970, trong chiến thắng lịch sử trước ĐT Anh ở Tứ kết. Khi đó, đội bóng của Beckenbauer đã bị dẫn trước hai bàn, nhưng bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 của ông ở phút 68 đã mở ra cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho Tây Đức, với chiến thắng 3-2.
Trung vệ: Claudio Gentile (Italy)
World Cup 1982 là giải đấu của người Italy khi họ lần thứ 3 vô địch thế giới nhờ nguồn cảm hứng của chân sút Paolo Rossi. Tuy vậy, nền tảng cho thành công của Italy phải là hàng thủ vô cùng vững chãi với Claudio Gentile làm điểm tựa.
Biểu tượng của Juventus đã vô hiệu hóa Zico trong trận Italy-Brazil ở vòng 2 tại Barcelona. Tuy nhiên, Gentile chỉ thực sự khiến người ta phải nhắc tới khi ông kèm “chết” Diego Maradona. Ngay ở phút đầu tiên của trận Italy-Argentina, Gentile đã phải nhận một thẻ vàng sau khi phạm lỗi với Maradona. Nhưng trong thời gian còn lại của trận đấu, ông đã khiến Maradona không thể “cựa quậy” mà không phải nhận thêm thẻ phạt nào.
Hậu vệ trái: Paul Breitner (Tây Đức)
Ở Bayern Munich, Paul Breitner là một tiền vệ con thoi siêu hạng, nhưng trong màu áo đội Đức, ông còn chơi cực hay ở vị trí hậu vệ trái. Hàng thủ của Đức ở trận Chung kết World Cup 1974 với Breitner, Hans-Georg Schwarzenbeck, Franz Beckenbauer và Berti Vogts đã chơi cực kỳ ăn ý, giúp họ vượt qua Hà Lan.
Dù là một hậu vệ nhưng Breitner đã ghi 3 bàn ở giải đấu này, và đặc biệt hơn, tất cả đều là những bàn thắng quan trọng. Đó là hai bàn thắng quyết định giúp Đức thắng Chile và Nam Tư, và bàn gỡ hòa trong trận Chung kết với Hà Lan. Ông cũng đã ghi bàn vào lưới Italy trong trận Chung kết World Cup 1982 và trở thành 4 cầu thủ hiếm hoi ghi bàn ở hai trận Chung kết World Cup bên cạnh Pele, Vava và Zinedine Zidane.
Tiền vệ: Johann Cruyff (Hà Lan)
Johann Cruyff là người duy nhất trong đội hình tiêu biểu này chưa từng vô địch World Cup. Nhưng sự thật đó không thể phủ nhận sự vĩ đại của người đã ghi 33 bàn chỉ trong 44 trận cho Hà Lan. Trên đường tới trận Chung kết World Cup 1974, dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Cruyff, Hà Lan đã lần lượt thắng Uruguay 2-0, Argentina 4-0 và Brazil 2-0.
Đáng tiếc là trong trận Chung kết, Hà Lan đã thất bại trước Tây Đức dù dẫn trước nhờ bàn thắng của Johan Neeskens. 4 năm sau, Hà Lan của Cruyff lại vào Chung kết nhưng lại tiếp tục thua chủ nhà Argentina. Nhưng có lẽ, chính những bi kịch này đã khiến Cruyff trở nên vĩ đại.
Tiền vệ: Bobby Charlton (Anh)
43 năm sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, 47 năm sau khi giúp Anh lần đầu tiên và cũng là duy nhất vô địch World Cup, Bobby Charlton vẫn là chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Tam sư.
Nhưng điều khiến người Anh nhớ tới nhất ở Charlton làm màn trình diễn tuyệt vời của ông ở World Cup 1966. Chính huyền thoại của Man United là người đã lập cú đúp để giúp Anh giành chiến thắng 2-1 trước BĐN của Eusebio. 4 ngày sau, ông đã khống chế rất tốt huyền thoại Franz Beckenbauer, giúp Anh giành chiến thắng 4-2 trước Tây Đức để lần đầu tiên vô địch thế giới.
Tiền vệ: Zinedine Zidane (Pháp)
Hành động cuối cùng của Zinedine Zidane với tư cách của một cầu thủ là cú húc đầu vào ngực Marco Materazzi của Italy ở phút thứ 100 trận Chung kết World Cup 2006. Vì nó, Pháp đã bỏ lỡ cơ hội đoạt chức vô địch thế giới thứ hai chỉ sau 8 năm.
Nhưng không vì thế mà người Pháp trách Zidane bởi anh chính là người đưa họ tới chức vô địch thế giới đầu tiên tại World Cup 1998. Tiền vệ huyền thoại này đã chơi thứ bóng đá hay nhất của anh tại giải đấu được tổ chức trên sân nhà, mà đỉnh cao là cú đúp vào lưới Brazil ở trận Chung kết.
8 năm sau, dù Pháp thất bại trước Italy trên chấm 11m nhưng Zidane vẫn giành được Quả bóng Vàng World Cup, một sự thừa nhận xứng đáng dành cho “chàng hói”.
Tiền vệ tấn công: Diego Maradona (Argentina)
Như Zidane, Diego Maradona đã chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế trong cay đắng khi ông bị phát hiện sử dụng chất gây nghiện ở World Cup 1994.
Tuy vậy, 8 năm trước đó, Maradona đã được thừa nhận là cầu thủ hay nhất thế giới khi ông đưa Argentina tới chức vô địch thế giới năm 1986. Tại Mexico năm đó, Maradona đã được cả thế giới nhắc tới khi ông lập một cú đúp vào lưới Anh ở Tứ kết, trong đó, một bàn đến từ “Bàn tay của Chúa”, trong khi bàn còn lại được coi là pha lập công đẹp nhất lịch sử World Cup.
Tiền vệ tấn công: Pele (Brazil)
Mới 17 tuổi khi được HLV Vicente Feola gọi vào ĐT Brazil dự World Cup 1958 nhưng Pele đã ngay lập tức tỏa sáng khi lập một cú đúp trong trận Chung kết với Thụy Điển để lần đầu tiên vô địch thế giới. Trước đó 5 ngày, ông đã thu hút sự chú ý của cả thế giới khi lập một hat-trick vào lưới tuyển Pháp.
Pele đã không ngừng ghi bàn cho Brazil kể từ đó cho tới trận giao hữu với Nam Tư năm 1971, trận đấu cuối cùng của ông với ĐTQG. Để nói về sự vĩ đại của Pele, chúng ta chỉ cần nhớ như sau: trong 13 năm đá cho Brazil, Pele luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho những trận đấu lớn khi ông ghi 4 bàn trong 2 trận Chung kết World Cup và giành chiến thắng cả 2.
Tiền đạo: Ronaldo (Brazil)
Còn ai xứng đáng hơn Ronaldo cho vai trò trung phong của đội hình tiêu biểu này? Đơn giản bởi tiền đạo có biệt danh “Người ngoài hành tinh” này đã 2 lần vô địch thế giới và hiện là chân sút số một trong lịch sử World Cup với 15 bàn, và 8 trong số đó đến từ những trận đấu loại trực tiếp.
V.M
Theo Bleacherreport
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất