Bóng đá dịp Giáng sinh: Tiệc tùng, đình chiến và sương mù

25/12/2024 06:40 GMT+7 | Bóng đá Quốc tế

Bóng đá từng là một phần không thể thiếu của ngày Giáng sinh. Nhưng liệu đó có phải là niềm vui lễ hội hay chỉ là những trận đấu đầy giá lạnh?

Ngày Giáng sinh là một ngày nghỉ lễ hiếm hoi, và bóng đá là một trong số ít các hoạt động giải trí có sẵn. Trong thời kỳ trước khi truyền hình xuất hiện, mọi người không thể nằm dài trên ghế sofa để xem chương trình Giáng sinh đặc biệt. Vì vậy, họ thường quàng khăn và đội mũ, rồi ra ngoài để xem bóng đá.

Hai ngày, ba trận đấu

Năm 1888, Everton đã thi đấu 2 trận vào Ngày Giáng sinh và thêm 1 trận vào Ngày tặng quà (Boxing Day). Cả 3 trận đều diễn ra tại sân nhà của Everton trước khi họ chuyển đến Goodison Park.

Vào buổi sáng Giáng sinh, họ chơi trận đấu thuộc khuôn khổ cúp Lancashire gặp Blackburn Park Road, lội ngược dòng để giành chiến thắng 3-2. Buổi chiều cùng ngày, họ tham gia một trận giao hữu thường niên với Ulster FC, chiến thắng 3-0. Đáng chú ý, thủ môn Charles Jolliffe đã ghi bàn thắng thứ 3, mang lại sự thích thú lớn cho 2 nghìn khán giả - một con số khán giả lớn thời bấy giờ. Tuy nhiên, trận đấu vào Ngày tặng quà gặp Bootle lại kém phần hấp dẫn khi diễn ra dưới cơn mưa đá và kết thúc với tỷ số hòa 0-0.

Vấn đề của sự sống còn

Năm 1909, một trận đấu vào Ngày Giáng sinh giữa Partick Thistle và Hibernian đã kết thúc trong bi kịch khi hậu vệ James Main của Hibernian gặp chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Sân Firhill của Partick khi đó phủ đầy băng, và Main đã cảnh báo đồng đội rằng họ đang "đánh cược mạng sống" khi chơi trên mặt sân nguy hiểm này.

Ngay trước giờ nghỉ giữa hiệp, Main va chạm với Frank Branscombe của Partick trong một tình huống trượt ngã không cố ý. Anh bị đưa ra khỏi sân với vết bầm nặng và dấu giày đinh trên bụng. Hibs, đội bị thiếu người, cuối cùng thua 1-3. Main trở về nhà, nhưng sau đó phải nhập viện khẩn cấp khi phát hiện ruột của anh bị thủng. Một ca phẫu thuật khẩn cấp không thể cứu được anh, và Main qua đời vào ngày hôm sau.

Một trận đấu khác vào Giáng sinh năm 1914 là một trong những trận nổi tiếng nhất lịch sử, khi cuộc chiến khốc liệt của Thế chiến thứ nhất tạm dừng để nhường chỗ cho bóng đá. "Thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh" đã chứng kiến khoảng 100 nghìn binh sĩ dọc Mặt trận phía Tây trao đổi quà, hát thánh ca, và chơi bóng. Dù mang tính huyền thoại và còn gây nhiều tranh cãi về việc nó có thực sự diễn ra không, nhưng những bức thư từ các binh sĩ cho thấy trận đấu thực sự đã diễn ra.

Một bức thư gần đây được phát hiện, do Trung sĩ Clement Barker thuộc Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn lính ném lựu đạn viết: "Một người lính Đức nhìn qua chiến hào – không có tiếng súng. Người của chúng tôi làm điều tương tự, sau đó một vài người ra ngoài đưa xác đồng đội (69 người) trở về và chôn cất. Tiếp theo, một quả bóng được đá từ chiến hào của chúng tôi, và người Đức cùng người Anh chơi bóng". Trung sĩ Barker đã sống sót sau chiến tranh, nhưng hơn 16 triệu binh sĩ và dân thường đã thiệt mạng trong cuộc thế chiến đầu tiên.

Bóng đá dịp Giáng sinh: Tiệc tùng, đình chiến và sương mù - Ảnh 1.

Giáng sinh đem đến nhiều câu chuyện bóng đá thú vị nhưng cũng không kém phần đau thương

Bóng đá nữ và tinh thần Giáng sinh trong chiến tranh

Việc các giải đấu bị đình chỉ và cầu thủ vắng mặt trong Thế chiến thứ nhất đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các đội bóng nữ, nổi bật nhất là Dick, Kerr's Ladies. Đội này đã chơi trận đầu tiên vào Ngày Giáng sinh năm 1917. Dù lễ hội bị làm lu mờ bởi chiến tranh và người thân phải xa cách, nhưng một trận bóng Giáng sinh được cho là có thể mang lại niềm vui và gây quỹ từ thiện.

Dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Alice Kell, các cầu thủ – vốn là nữ công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất đạn dược của Messrs Dick và Kerr – đã thi đấu tại sân Deepdale gặp đội của nhà máy Coulthard, và họ giành chiến thắng 4-0. Tờ Daily Post ghi nhận: "Hàng tiền đạo của họ có những pha phối hợp khá bất ngờ, với một vài cầu thủ thể hiện khả năng kiểm soát bóng đáng ngưỡng mộ". Mười nghìn người đã đến xem trận đấu Giáng sinh, quyên góp được 488 bảng Anh cho một bệnh viện địa phương.

Trạng thái tiệc tùng ngay trong trận đấu

Lịch thi đấu dày đặc vào dịp lễ mang lại nguồn lợi lớn cho các câu lạc bộ nhưng lại không được lòng các cầu thủ, phần lớn vì sự cám dỗ của những bữa tiệc. Nhiều cầu thủ vốn là những tay uống rượu có tiếng, khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn của mùa lễ hội. Thậm chí, một số câu lạc bộ còn cung cấp bia rượu cho các cầu thủ như một món quà Giáng sinh.

Năm 1931, tiền đạo Ted Crawford của Clapton Orient (nay là Leyton Orient) đã nhớ lại câu chuyện cả đội say xỉn trong trận đấu Giáng sinh gặp Bournemouth. Nguyên nhân là một thùng bia do chính HLV của họ cung cấp. Crawford, không còn nhìn rõ đường, đã gục ngã ngay trên sân trong trạng thái "ngất ngây". Kết quả, Clapton thua 1-2 nhưng đã kịp tỉnh táo để giành chiến thắng 1-0 ở trận tái đấu vào Boxing Day.

Màn sương mù kỳ lạ năm 1937

Vào Giáng sinh năm 1937, không phải rượu mà là sương mù đã bao trùm bóng đá Anh. Một lớp màn xám dày đặc khiến nhiều trận đấu bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, trận đấu giữa Chelsea và Charlton tại Stamford Bridge vẫn diễn ra. Cả hai đội đều ghi bàn trong hiệp 1, nhưng sang hiệp 2, sương mù ngày càng dày khiến thủ môn Sam Bartram của Charlton dần mất dấu đồng đội.

Bóng đá dịp Giáng sinh: Tiệc tùng, đình chiến và sương mù - Ảnh 2.

Trận đấu kết thúc 15 phút, Bartram vẫn ở trên sân vì tưởng chưa xong

"Hồi đó chúng tôi đang chiếm thế thượng phong", Bartram kể lại trong hồi ký. "Và tôi nhìn thấy ngày càng ít bóng người khi chúng tôi liên tục tấn công".

Anh đi qua đi lại trên vạch vôi, tự tin rằng đội mình đang ép đối thủ ở phần sân bên kia. Sau vài phút cô độc, một bóng người xuất hiện từ làn sương.

"Anh đang làm gì ở đây?", một viên cảnh sát hỏi, đầy kinh ngạc. "Trận đấu đã dừng lại từ 15 phút trước. Sân trống không rồi".

Bartram kể: "Khi mò mẫm trở lại phòng thay đồ, cả đội Charlton đã tắm xong và đang mặc đồ chỉnh tề, cười như nắc nẻ khi thấy tôi bước vào".

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm