Bóng đá học đường: Đừng để cái khó nó bó...

30/10/2015 09:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Từ nhiều năm qua, những nhà hoạch định bóng đá vẫn rao giảng sự cần thiết phải phát triển bóng đá học đường, bởi nó là cái gốc, cái rễ, bên cạnh khâu đào tạo trẻ, đào tạo "gà nòi" tại các lò.

Tuy nhiên, giữa nói và làm trong bối cảnh xã hội, cũng như nền kinh tế hiện tại, là những phạm trù dường như rất… khác nhau. Sự phối kết hợp chưa thật ăn ý giữa 2 ngành thể thao và giáo dục là vấn đề vĩ mô, còn khởi thuỷ phải là phong trào.

Với nhiều địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn, đông dân nhưng quỹ đất hạn hẹp như Hà Nội và TP.HCM, các dự án chỉ được thực hiện khá manh mún. Một số vẫn còn nằm trong... ngăn kéo tủ!

Chưa thể “quy hoạch”

Do thiếu thầy, thiếu thợ, thiếu quỹ đất và thiếu cả các chương trình, chiến lược, nên bóng đá học đường ở Việt Nam về cơ bản vẫn rất nhỏ lẻ, không đều ở các địa phương, cũng như quận huyện. Ví như TP.HCM chẳng hạn, ngay cả sân chơi cho học sinh ở giờ ra chơi giữa các tiết học, với nhiều trường học vẫn còn thiếu, huống hồ việc xây dựng các sân bóng đá đạt tiêu chuẩn?! Đó là chưa kể sự đầu tư về cơ sở vật chất ở nội và ngoại thành là rất khác nhau. Tuy nhiên, TP.HCM đã là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển bóng đá học đường, với khẩu hiệu “Bóng đá vì ngày mai”, do HFF (Liên đoàn bóng đá TP.HCM) phát động.

Để phát triển bóng đá học đường, nhất thiết phải cấu thành nhiều yếu tố, nhiều khâu, trong đó đặc biệt là khâu đào tạo thầy và kích thích phong trào. Tại sao lại phải đào tạo thầy trước, bởi không thể sinh con rồi mới sinh cha, như dân gian vẫn nói và thực tế việc phát triển phong trào bóng đá vẫn diễn ra. Đào tạo trẻ rất nhạy cảm và nếu không có các thầy, các HLV tốt, chỉ cần uốn nắn một động tác kỹ thuật sai, có thể đi luôn cả sự nghiệp cầu thủ. Chúng ta nhất thiết phải đưa về các trường học những thần tượng, những cầu thủ đương thời làm người dẫn lối.


Phát triển bóng đá học đường là mục tiêu quan trọng của TP.HCM

Nền bóng đá đang phát triển vốn dĩ không thể có Ronaldo hay Messi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cậy vào những Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, thậm chí cả Công Phượng, Tuấn Anh... Thời gian vừa qua, một bộ phận các cầu thủ Việt Nam đã “biết” tìm đến các bệnh viện, các cô nhi viện, đồng bào nghèo hay đơn thuần là chia sẻ khó khăn với các cựu danh thủ, nhưng rất hiếm khi chúng ta thấy họ tìm đến các trường học. Phải có ai đó làm nhiệm vụ tham vấn hay ít nhất, Tổng cục TDTT phải giao VFF, phối hợp với Bộ GD&ĐT, thực hiện công đoạn này.

Và, chúng ta vẫn chưa nhắc sâu hơn đến một khó khăn khác, đấy là vấn đề sân bãi, như đầu bài viết này đã đề cập. Trên thực tế, học sinh không thể chơi bóng đá và tập luyện trong sân trường, về điều này, đã có giải pháp, phát kiến rồi. Đấy là việc phối kết hợp với các Trung tâm bóng đá cộng đồng hay ít nhất là các sân bãi trong hệ thống mặt cỏ nhân tạo đã và đang được phát triển rộng khắp, gần các trường học. Hiện đây là các hình thức phổ biến nhất trong việc phát triển bóng đá học đường, với rất nhiều các giải đấu cấp cụm, quận huyện, khu vực… được tổ chức.

Khi việc quy hoạch trở nên quá khó khăn, thì việc kích thích phong trào tập luyện bóng đá tại các trường học và Trung tâm bóng đá cộng đồng là cần thiết. Khoan nói chuyện có thể tìm kiếm được những viên ngọc thô cho nền bóng đá xứ sở, một khi chúng ta kéo được bọn trẻ rời xa màn hình tivi hay thiết bị di động… để tập luyện thể thao, nâng cao thể chất.

Cần sự hỗ trợ của Liên đoàn

Hiện, một số các trường học từ bậc mầm non đến đại học, đã chuyển các tiết học giáo dục thể chất (tức mặc đồng phục tập thể dục giữa giờ), qua mô hình các CLB thể thao, với một trong số đó là CLB bóng đá. Tuy nhiên, nó không đều và không rộng khắp, do thiếu thầy và thiếu sân bãi. Nên mô hình bóng đá cộng đồng – các Trung tâm tư nhân được thành lập thông qua Hội phụ huynh, sau đó thuê thầy về dạy, gần như là lựa chọn duy nhất để phát triển bóng đá học đường. Mô hình này phát triển mạnh hơn tại các đô thị, các thành phố lớn.

Tuy nhiên, như đã nhắc, vẫn chỉ là tự phát theo kiểu hội hè, chứ không theo bất cứ quy chuẩn nào. “Giảng viên” đứng lớp có thể là các cựu cầu thủ, nhưng rất thường xuyên là những giáo viên thể chất tốt nghiệp các trường Đại học TDTT, làm thêm ngoài giờ lên lớp ở trường học. Và điều đáng bàn hơn khi kinh phí hoạt động vẫn chủ yếu móc từ hầu bao của phụ huynh, tức là gia đình nào có điều kiện mới cho con em mình theo học được, với kinh phí dao động từ 700.000 – 1.200.000 đồng/tháng. Đây có thể xem là một hoạt động ngoại khoá.

Gần như không có sự hỗ trợ nào từ VFF hay các Liên đoàn thành viên, từ trang thiết bị tập luyện, sân bãi hay kinh phí và đặc biệt là khâu đào tạo HLV. Từ nhiều năm qua, Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) đã không ngừng tổ chức các khoá học HLV cơ bản (bằng D), hoặc các lớp Premier Skill nâng cao, phủ giáo án gần 200 trường học trên 24 quận, huyện…, tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất là kinh phí thực hiện, cũng như dụng cụ tập luyện. Và để tham gia các khoá học HLV bằng D, học viên cũng phải xin được biên chế của trường hay Trung tâm.

Cái khó đúng là bó cái khôn. Nhưng, làm được như TP.HCM cũng đã là nỗ lực rất lớn rồi. “Tuỳ vào tình hình thực tế của các trường, họ có thể cho ra mô hình hoạt động các CLB khác nhau, tại trường học hoặc liên kết với các Trung tâm bóng đá cộng đồng, các chủ sân bãi gần trường. Các giảng viên cũng thường xuyên được mời dự các lớp tập huấn và được cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy. Chúng tôi cần thêm kinh phí để hỗ trợ các trường học trang thiết bị - dụng cụ tập luyện, như bóng chẳng hạn”, một cán bộ Ban Bóng đá Học đường HFF chia sẻ.

Suốt một thời gian dài, bóng đá Việt Nam vẫn xây nhà từ nóc, khi hệ thống đào tạo trẻ bị hổng nhiều lỗ. Ở chiều ngược lại, cũng không thể khoán trắng cho các CLB, các Trung tâm hay Học viện thầu toàn bộ việc phát triển bóng đá trẻ được, mà nhất thiết phải đồng bộ với bóng đá học đường, thể thao học đường để giảm tải. Sẽ phải mất nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhưng nếu chúng ta ngồi lại để gỡ, chẳng có gì là khó cả. Vấn đề là những người có trách nhiệm có chịu ngồi lại để tháo và để gỡ vì cái chung hay không mà thôi, thay vì đùn đẩy.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm