Bóng đá Việt và dấu hỏi lớn về xuất khẩu cầu thủ

24/04/2020 06:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Tính từ Lê Huỳnh Đức cho đến Lương Trung Tuấn, Việt Thắng, Thái Dương, Lê Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Lâm và Đoàn Văn Hậu lúc này…, đã có khoảng trên dưới 10 cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài thi đấu, song chưa một ai thành công ở mức độ tương đối, dù tất cả họ đều là những tài năng lớn nhất ở thế hệ của mình. Bởi vậy, nếu nay mai Văn Hậu trở về từ Heerenveen, Hà Lan, vì bất cứ lý do gì đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không vì thế mà cảm thấy bị tổn thương.

Bóng đá hôm nay 23/4: Heerenveen không mua hậu vệ trái thay Văn Hậu. MU ép giá Sancho xuống còn 52 triệu bảng

Bóng đá hôm nay 23/4: Heerenveen không mua hậu vệ trái thay Văn Hậu. MU ép giá Sancho xuống còn 52 triệu bảng

Bóng đá hôm nay 23/4: Chia tay Văn Hậu, SC Heerenveen không bổ sung hậu vệ trái. MU có thể ép giá Jadon Sancho xuống còn 52 triệu bảng. Tin tức bóng đá hôm nay.

Sự thật là bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ; cầu thủ Việt Nam chưa đủ khả năng cạnh tranh ở các giải bóng đá cao hơn. Một phần liên quan đến giống nòi, song cơ bản, phải là môi trường đào tạo, huấn luyện và phấn đấu tại xứ mình còn nhiều yếu kém.

V-League đã lỗi mốt

Phần lớn các ngành nghề sản xuất, hoặc gia công hàng xuất khẩu, đều phải hướng đến thành lập: Trung tâm Nghiên cứu và Trung tâm Triển lãm – trưng bày và bán sản phẩm. Đây là vấn đề nội hàm mà thuật ngữ chuyên môn gọi là R&D.

Theo đó, các Trung tâm nghiên cứu mẫu mã và thị trường có vai trò đặc biệt quan trọng để sản xuất ra một mặt hàng hợp thị hiếu, có giá trị sử dụng. Còn việc bán hàng phụ thuộc trực tiếp vào tiếp thị, quảng cáo, mà Trung tâm Triển lãm với các gian hàng quy mô lớn vô cùng cần thiết.

Bóng đá Việt Nam trong khoảng hơn 5 năm đổ lại, giới thiệu một số gương mặt ưu tú điển hình, thuộc 2 viện đào tạo quy mô vừa và nhỏ là Học viện HAGL và CLB Hà Nội. Đây cũng là 2 nguồn cung ứng chính nhân sự cho các ĐTQG và gặt hái thành công trong khoảng hơn 2 năm qua.

Trước Hà Nội & HAGL, những sản phẩm từ SLNA, Nam Định, Kháng Hòa hay Đồng Tháp, thậm chí cả Thể Công (cũ) với thế hệ “Thể Công 87”…, theo công nghệ đào tạo cũ, chỉ có thể tiêu thụ trong nước, không thể xuất khẩu.

Sau Hà Nội và HAGL, chúng ta thấy Viettel và PVF cũng đào tạo trẻ, nhưng chất lượng không đều, không dùng hết thì ký gửi, thậm chí cho không các đội khác. Xuất khẩu là một khái niệm xa xỉ.

Hạng Nhất quốc gia hay cao hơn là V-League, đáng ra phải là Trung tâm Triển lãm cỡ lớn, để trưng bày, nâng cấp và bán sản phẩm, nhưng cũng bằng với hơn nửa thập niên qua, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có xu hướng giật lùi về chất lượng chuyên môn, cũng như các vấn đề quảng bá hình ảnh, thương mại.

Nguồn lực từ đào tạo trẻ không đủ để đáp ứng nhu cầu nâng cấp giải đấu, trong khi nguồn ngoại lực (Tây) lại bị bó hẹp lại bằng các suất đăng ký/CLB. Chưa có một kiến giải tối ưu nào, khi nhà tổ chức vẫn vừa chạy vừa xếp hàng.

Thiếu cả các Trung tâm Nghiên cứu, tức các Học viện và lò đào tạo trẻ, vốn phát triển không đồng đều và tự phát; thiếu luôn Trung tâm Triển lãm cỡ lớn và chất lượng, hỏi sao không bán được hàng và bị trả về!

Các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo là cơ sở duy nhất để hy vọng, nhưng một năm, đội tuyển tập trung được mấy đợt, đá được bao nhiêu trận và nhà tuyển trạch nào xem. Có chăng, thành tích tốt mà thầy trò HLV Park Hang Seo đem lại chỉ để báo cáo với cấp trên, nếu có, cũng chỉ giúp người hâm mộ hoan hỉ trong một khoảng thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đấy!

Công Vinh, Văn Hậu, Văn Lâm, Heerenveen, Muangthong
Xét những gì thể hiện trên sân cỏ, Công Vinh là cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Minh Chiến

Chưa biết người, cũng chẳng hiểu mình

Có thể thấy, từ những trường hợp nhỏ lẻ đầu tiên xuất ngoại, cho đến tận bây giờ, bóng đá Việt Nam vẫn "ném đá dò đường" trong vấn đề này. Lê Huỳnh Đức đến Lifan Trùng Khánh hơn 20 năm trước, là để thực hiện nhiệm vụ của ngành, khi đó là cơ quan chủ quản Công an TP.HCM (bản hợp đồng thương mại này có giá bằng hàng chục chiến xe motor và rất nhiều khoản tài trợ - hợp tác qua lại khác).

Việt Thắng và Thái Dương được gửi qua Pháp học việc, khác với diện của Mai Tiến Thành đi Leeds United du lịch… Còn Lương Trung Tuấn qua Cảng Thái (2004) là để lánh nạn kỷ luật của VFF.

Phải đợi đến 2 lần xuất ngoại của Lê Công Vinh, các vấn đề về chuyên môn đi kèm thương mại, mới được ý thức nhiều hơn. Công Vinh là người cầu tiến và là cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam vào các thời điểm anh đến Nhật Bản và Bồ Đào Nha thi đấu. Cho đến nay, Công Vinh là người được chơi bóng nhiều nhất, được ý thức giá trị cao nhất, ngoài biên giới Việt Nam.

Đặng Văn Lâm đã từng cầm suất bắt chính ở Muang Thong United, nhưng Lâm “Tây” không phải sản phẩm đào tạo thuần túy cùa bóng đá Việt Nam và Thai Premier League cũng thấp hơn về đẳng cấp so với các giải đấu mà Công Vinh từng kinh qua.

Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng là những cầu thủ nhận được nhiều sự kỳ vọng, khi ra nước ngoài. Nhưng đấy là kỳ vọng kiểu… Việt Nam, với không ít người hâm mộ dễ lên cơn sốt bởi thần tượng mà thôi. Từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Bỉ (Công Phượng) và Thái Lan (với Xuân Trường), không một ai trong số 3 cái tên này được ý thức vị trí, cho đến khi họ trở về.

Khi đi, họ mới đôi mươi, lúc trở về đã 24 – 25, mà quỹ các trận đấu đếm chưa hết các ngón tay trên một bàn tay. Tình huống tương tự đang xảy ra với Văn Hậu, cầu thủ 21 tuổi và được đánh giá là tuổi trẻ tài cao nhất của bóng đá Việt lúc này.

Vấn đề cốt lõi ở đây là gì? Là chúng ta chưa thẩm định được năng lực của chính cầu thủ mình, tệ hơn, không hiểu và nắm được thị trường nơi sẽ xuất khẩu cầu thủ qua đó.

Bóng đá giống nhau về bản chất, luật chơi, nhưng khác biệt được tạo ra bởi đẳng cấp chơi bóng. Thế mới có Brazil 5 lần vô địch thế giới và Đông Nam Á vẫn bị xem là một trong những vùng trũng nhất của bóng đá toàn cầu.

Vĩ thanh

Muốn đánh Đông dẹp Tây, Nam chinh Bắc phạt, thì phải bình định được sân chơi của mình trước đã. Nó cũng na ná như câu: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vậy. Bầu Đức từng tuyên bố, ông không bất ngờ khi Công Phượng một lần nữa thất bại, bởi trước Phượng có cầu thủ Việt Nam nào thành công ở nước ngoài đâu, thì đấy cũng chỉ là tự ru lòng mình thôi.

Ông Đức vẫn đầy tham vọng moi tiền từ túi của tư bản bằng việc bán cầu thủ, như cách ông bán nông sản và chắc chắn ông sẽ không từ bỏ. Bóng đá Việt Nam cũng sẽ không từ bỏ, ngay cả một giấc mơ nhỏ!

Thất bại, đứng lên làm lại. Nếu lại thất bại, thì lại càng phải đứng lên thật nhanh và bước tiếp. Đừng để thất bại là mẹ của thất bại! Tất nhiên, cho cả một công cuộc tầm vĩ mô như xuất khẩu cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, cần thêm nhiều nguồn lực và những người hành động thực sự vì bóng đá Việt Nam.

Sau tất cả những câu chuyện, tất cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ yếu tố con người đến ngoại vi là dịch Covid-19 khiến Văn Hậu chới với ở Hà Lan, bởi quyết định hủy giải đấu cho đến hết năm 2020…, nền bóng đá cũng không vì thế mà cảm thấy bị tổn thương, không vì thế mà từ bỏ giấc mơ.

Chúng ta vẫn phải mơ ước và vẫn phải chinh phục những thách thức, để hướng tới một nền bóng đá tự cường. Khâu đầu tiên quan trọng là cải thiện chất lượng đào tạo và nâng cấp hệ thống các giải bóng đá quốc gia, cũng như các giải chuyên nghiệp Việt Nam.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm