26/03/2015 08:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Tuy chưa một lần giành ngôi vô địch toàn quốc, nhưng bóng đá Huế thời chúng tôi là niềm tự hào của cả dải đất miền Trung. Thời đó (1975-1981), những trận đấu của Huế luôn thu hút đông đảo người hâm mộ”, ông Nguyễn Đình Thọ, cựu đội trưởng đội bóng Huế cảm thán trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Thể thao & Văn hóa tại nhà riêng.
Ông Thọ tiếp tục: “Nghề chính của bọn tôi không phải là cầu thủ đá bóng. Bọn tôi là những công nhân ngành giao thông và xây dựng của tỉnh Thừa Thiên Huế, buổi sáng đi làm đường, đi xây nhà, buổi chiều đi đá bóng.
Đá bóng được chấm thay công cho buổi lao động, không có chế độ đãi ngộ nào khác ngoài đồng lương của anh công nhân. Nhưng khi tập hợp lại trên sân bóng, chúng tôi thực sự là một đội bóng cừ khôi”.
Giải Trường Sơn 1975 qua ký ức đội trưởng Nguyễn Đình Thọ
Trong ký ức ông Thọ, giải Trường Sơn năm 1975 là giải đấu hào hùng làm nên tên tuổi những “dị nhân” bóng đá Huế.
Ông Thọ tâm sự: “40 năm rồi, trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh hào hùng ở giải Trường Sơn 1975. Giải năm đó, có 8 đội bóng tham dự, các đội đá vòng tròn tính điểm để tìm ra nhà vô địch. Đội Huế bất bại, có cơ hội lớn để đoạt chức vô địch nếu thắng Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng (đội bằng điểm nhưng hơn về hiệu số bàn thắng) trong trận đấu cuối cùng.
Ai cũng nghĩ chúng tôi sẽ đánh bại Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng vì họ yếu hơn.Tiếc thay, khi ấy Trời đã không chiều lòng người!”.
Với chất giọng trầm và trong tâm trạng nuối tiếc, cựu đội trưởng đội bóng Huế khoan thai kể tiếp: “Trận đấu giữa Huế và Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng diễn ra trên sân Buôn Mê Thuột, Đắk Lắc, mặt sân đất đỏ bazan, chủ yếu là đá sỏi, rất ít cỏ. Chúng tôi đến trước 1 tuần để chuẩn bị. Một tuần ấy, trời không hề mưa, vậy mà đến ngày diễn ra trận đấu, trời lại đổ mưa như trút khiến mặt sân trơn trượt, lầy lội. Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng được đội Phú Khánh giúp sức, cho mượn giày chuyên dụng (giày đinh) để có thể đá tốt trên mặt sân ấy. Riêng cầu thủ đội chúng tôi, đeo giày thường, liên tục trượt ngã, không thể phô diễn hết tất cả khả năng của mình, ngoài trừ tiền vệ Văn Định.
Tuy thế, trận đấu vẫn diễn ra trong thế giằng co. Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng có bàn thắng vượt lên dẫn trước ở hiệp 1, Huế tìm được bàn gỡ ở hiệp 2. Và cuối cùng, trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 1-1, Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng giành chức vô địch… còn tất cả chúng tôi ôm đầu tiếc nuối”.
Những “dị nhân” trên sân cỏ
Đánh rơi chức vô địch giải Trường Sơn, nhưng đội bóng Huế vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ nhờ lối chơi cống hiến, và dàn cầu thủ nhỏ con thi đấu đầy kỹ thuật, khôn khéo. Dàn cầu thủ ấy, khán giả Huế có thể đọc làu làu tên đội hình xuất phát, thậm chí, cầu thủ nào bị chấn thương hoặc bị thay ra, họ đều có thể nắm bắt một cách dễ dàng.
Nhắc đến những đồng đội trong màu áo đội bóng Huế thế hệ của mình, ông Nguyễn Đình Thọ hơn một lần khẳng định, đó thực sự là những “dị nhân” trên sân cỏ.
Người đội trưởng năm nay tròn 68 tuổi, kể vanh vách đặc điểm của từng đồng đội: “Trong khung gỗ, thủ môn Nguyễn Viết Rớt, cao 1m58, nhưng có khả năng phản xạ cực nhanh, và rất chính xác trong những pha ra vào, đón bắt bóng bổng.
Ở hàng hậu vệ, Lê Văn Thương, cao 1m54, thấp đậm nhất đội (tên thường gọi là Thương “mụn”) nhưng lại là “hòn đá tảng” án ngữ trước khung thành Huế. Thương “mụn” hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một trung vệ: Có óc phán đoán, sự thông minh, lỳ lợm, và những tiểu xảo cần thiết để hạn chế sức mạnh đối phương.
Đội hình Huế năm 1977.
Nếu Thương “mụn” là chốt chặn đáng tin cậy ở hàng thủ thì Tôn Thất Hiền (cao khoảng 1m65) là niềm hy vọng trên hàng công. Hiền chơi đầu rất giỏi, có nhiều tiểu xảo, mỗi lần nhảy đến đánh đầu, ông ấy thường dẫm lên chân đối phương để lấy đà khiến đối phương không thể bật nhảy, hoặc vừa nhảy ông vừa kéo áo đối phương rất kín, trọng tài không hề hay biết.
Những quả tạt bóng bỏng của đồng đội, bóng thường tìm đến đầu của Hiền. Trong màu áo đội Huế, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều lần ông ấy ghi bàn thắng bằng đầu, trong đó có những pha làm bàn khá điệu nghệ.
Ngoài ra, lúc đó, đội hình Huế còn có Nguyễn Ngọc Sao được mệnh danh là “vua đá phạt góc”. Những pha đá phạt góc của ông thường theo kiểu “lá vàng rơi”, xoáy vào góc xa cầu môn và không ít lần ông đã lập công với những quả đá như vậy.
Trần Quốc Tùy đa năng, và là một cầu lỳ lợm, bản lĩnh, thường sắm vai khích bác đối thủ khi cần; Nguyễn Văn Định có biệt danh Định “giáo sư”, mỗi lần xuất hiện trên sân, đầu luôn láng bóng, tóc chải ngược, dù đá trên mặt sân lầy lội nhưng áo quần ông lúc nào cũng sạch tinh tươm; Nguyễn Văn Trọng, gọi là Trọng “ca sỹ” người nhỏ con, hát rất hay, luồn lách rất giỏi, đối phương rất khó kèm cặp…”
Ông Thọ cho biết thêm: “Với dàn cầu thủ ấy, khi đó, Huế trở thành một đội bóng bất khả chiến bại và là đối thủ mà bất cứ đội bóng nào trên cả nước cũng muốn giáp mặt. Thế mới có chuyện, đội tuyển Việt Nam lúc bấy giờ luôn chọn Huế làm “quân xanh” mỗi khi tập trung đội tuyển.
Nhưng bây giờ, tất cả chỉ còn là dĩ vãng!”
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất