28/03/2025 08:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
Indonesia là đội duy nhất của Đông Nam Á từng dự World Cup dưới cái tên Đông Ấn Hà Lan vào năm 1938. Và bây giờ, đội tuyển có biệt danh "Hà Lan 2" lại đứng trước cơ hội trở lại sân chơi đỉnh cao này.
1. Chiến lược "Hà Lan hóa" là dấu ấn nổi bật nhất trong kế hoạch của Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI) Erick Thohir kể từ khi ông nhậm chức. Thay vì chỉ dựa vào nguồn lực nội địa vốn còn hạn chế, PSSI đã mở rộng cánh cửa nhập tịch cho những cái tên như Thom Haye, Ragnar Oratmangoen hay Sandy Walsh,… những người không chỉ có kỹ năng vượt trội mà còn mang trong mình dòng máu Indonesia. Chính sách này nhận được sự đồng thuận từ chính phủ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thohir trong việc kết hợp sức mạnh toàn cầu của người Indonesia để phục vụ quê hương.
Tất nhiên, "Hà Lan hóa" không phải không gây tranh cãi. Một bộ phận người hâm mộ lo ngại rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào cầu thủ nhập tịch sẽ làm lu mờ cơ hội của các tài năng nội địa, thậm chí làm mất đi bản sắc bóng đá Indonesia. Trước những ý kiến trái chiều, Thohir khẳng định rằng các cầu thủ nhập tịch phải có huyết thống Indonesia và hiểu văn hóa nước nhà, tạo nên một sự gắn kết tự nhiên. Hơn nữa, ông nhấn mạnh rằng chính sách này không cạnh tranh trực tiếp với cầu thủ nội mà là động lực để họ nỗ lực hơn nếu muốn khoác áo đội tuyển quốc gia.
Sự hợp tác với LĐBĐ Hà Lan (KNVB) mới đây càng củng cố thêm hướng đi này. Thỏa thuận giữa PSSI và KNVB không chỉ hỗ trợ phát triển bóng đá trẻ, bóng đá nữ mà còn mở ra cơ hội cho một trận giao hữu giữa đội tuyển Indonesia và Hà Lan vào năm 2025.
2. Bên cạnh "Hà Lan hóa", PSSI dưới thời Thohir còn thể hiện tầm nhìn dài hạn qua việc đầu tư mạnh mẽ vào bóng đá trẻ. Từ năm 2018, Indonesia đã bắt đầu chiến lược tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, với bước đi đầu tiên là đăng cai World Cup U20 2021. Dù giải đấu bị hoãn do đại dịch COVID-19 và sau đó bị hủy bỏ vào năm 2023, Thohir không bỏ cuộc. Ông nhanh chóng vận động FIFA để đưa World Cup U17 2023 về xứ vạn đảo, giúp Indonesia ghi điểm trên trường quốc tế.
Indonesia cực khát khao dự World Cup 2026
Tại VCK U17 World Cup 2023, dù đội chủ nhà không vượt qua vòng bảng, hai trận hòa trước Ecuador và Panama – những đối thủ mạnh hơn về kinh nghiệm – đã cho thấy tiềm năng của lứa cầu thủ trẻ Indonesia. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn của chiến lược mà Thohir và HLV Shin Tae-yong đã dày công xây dựng.
Dưới thời ông Shin Tae Yong từ năm 2020, bóng đá Indonesia đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Lần đầu tiên trong lịch sử, các đội U17, U20, U23 và ĐTQG đều đủ điều kiện tham dự vòng chung kết các giải đấu cấp châu Á. Tuy nhiên, việc sa thải ông Shin sau thất bại tại AFF Cup 2024 – khi PSSI chỉ cử đội U22 tham dự để chuẩn bị cho SEA Games 2025 – cho thấy sự kiên định của Thohir trong việc đặt mục tiêu World Cup lên trên hết.
3. Dù không còn nhiều cơ hội tranh vé trực tiếp ở vòng loại thứ ba, Indonesia vẫn sáng cửa tham dự vòng loại thứ tư khu vực châu Á khi ở hai lượt cuối họ chỉ phải gặp đội bét bảng Trung Quốc trên sân nhà, và làm khách trên sân Nhật Bản vốn đã chắc suất. Một suất tại World Cup 2026 không chỉ là thành tựu thể thao, mà còn là động lực để PSSI tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo và nâng cao vị thế bóng đá nước nhà.
Với sự kiên định của Erick Thohir, bóng đá Indonesia đang đứng trước ngưỡng cửa của sự bứt phá. Dù còn nhiều thách thức, từ sự cạnh tranh khốc liệt ở vòng loại đến những tranh cãi nội bộ, tầm nhìn của Thohir đã đặt ra một lộ trình rõ ràng. Nếu thành công, tấm vé World Cup không chỉ là phần thưởng xứng đáng mà còn là cú hích để bóng đá Indonesia vươn xa, khẳng định vị thế của một quốc gia Đông Nam Á trên đấu trường toàn cầu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất