Vì sao bóng đá Nhật phát triển mạnh mẽ?

08/08/2012 14:11 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH)- Đội tuyển nữ đã lọt vào chung kết. Đội Olympic nam đã đá trận bán kết với Mexico vào đêm qua. Năm ngoái cũng là năm đại thành công của bóng đá Nhật Bản khi đội nữ vô địch thế giới và đội nam bước lên đỉnh cao châu Á. Vì sao bóng đá Nhật lại phát triển mạnh mẽ như thế trong những năm gần đây?

Năm ngoái, hai phái đoàn của K-League và Super League, hai giải bóng đá hạng cao nhất ở Hàn Quốc và Trung Quốc, đã tổ chức các chuyến thăm tới những giải chuyên nghiệp lâu đời nhất tại châu Âu, gồm Scotland, Anh, Đức và Hà Lan, để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng họ cũng có một lựa chọn khôn ngoan nữa ở châu Á khi còn sang cả J-League, giải vô địch quốc gia Nhật Bản.

J-League được thừa nhận rộng rãi là giải đấu hay nhất ở châu Á, đội tuyển nam Nhật Bản vô địch châu Á và đội nữ vô địch thế giới, thêm thành tích ở Olympic, có thể nói không ngoa rằng bóng đá xứ mặt trời mọc đang có vị thế không khác gì Tây Ban Nha ở tầm châu Âu và thế giới.



Bóng đá Nhật Bản đã có 1 vị thế mới- Ảnh Getty

Tất nhiên, thành công không đến sau một đêm. Đó là thành quả của những khổ luyện và kỳ công trong 20 năm ròng rã khi nhà chức trách bóng đá ở đây bắt tay vào một chương trình đào tạo trẻ toàn diện. “Khởi đầu rất khó khăn”, phó Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản (JFA) Kozo Tashima nhớ lại. “Chúng tôi có 47 tỉnh, mỗi tỉnh lại có phương pháp khác nhau. Họ muốn tự làm theo cách của họ, nhưng chúng tôi đã chỉ ra khoảng cách lúc đó giữa bóng đá Nhật và thế giới. Thật ra chúng tôi đã mất 5-6 năm để truyền đi thông điệp của mình và thuyết phục các đơn vị bóng đá địa phương, để có được sự thống nhất trên toàn quốc”.

Nhưng sự thống nhất chưa phải là tất cả. “Chúng tôi còn phải nhắc đi nhắc lại với các tỉnh về những gì chúng tôi đang cố gắng làm. Sau một thời gian, khi thành tích nở rộ, họ mới bắt đầu thực sự tin tưởng vào phương pháp mới”, Tashima chia sẻ. Dưới sự bảo trợ của JFA, cả 47 tỉnh trong cả nước trước hết tập trung vào việc đào tạo cầu thủ ở cấp độ U12 sau khi tuyển dụng ồ ạt các HLV chuyên lứa trẻ. Những cầu thủ giỏi nhất sẽ được tuyển vào các trung tâm đào tạo vùng, rồi sau đó là các trung tâm toàn quốc, chỉ dành cho các cầu thủ tinh anh. Cầu thủ được rèn giũa về kỹ thuật và kỹ năng trong 3 năm liên tiếp, trước khi họ bắt đầu có bất cứ khái niệm nào về đội hình và chiến thuật.

Chi phí bỏ ra là không nhỏ, nhưng tầm nhìn là rất dài hạn và những gì gieo trồng giờ đang đơm hoa kết trái. Thêm vào đó, xây dựng các đội tuyển quốc gia mạnh không chỉ là việc riêng của JFA. Các CLB chuyên nghiệp ở J-League cũng bị bắt buộc có nhiều đội tuyến trẻ và các học viện đào tạo. Sau những năm đầu chệch choạc, giải vô địch quốc gia đã thực sự trở thành một sân đấu đủ chất lượng để các cầu thủ trẻ giỏi nhất thử sức và thậm chí là xây dựng nền tảng cho giấc mơ bay sang trời Âu.

Đương nhiên cách làm bóng đá của Nhật Bản là không dễ áp dụng, nhất là với các nước nghèo. Tuy nhiên, trên khắp châu Á giờ không thiếu những đại gia sẵn sàng đổ tiền tấn cho bóng đá, với việc trả các khoản phí chuyển nhượng và lương khổng lồ để lôi kéo các ngôi sao hết thời, hoặc để mời các CLB nổi tiếng sang du đấu. Chỉ có điều, tiền bạc đó chỉ là để làm tươi tốt phần ngọn và vẻ bề ngoài, thay vì chăm bón gốc rễ như Nhật Bản.

Hiện giờ, hệ thống đào tạo trẻ của JFA không chỉ là tốt nhất châu Á, mà vào loại tốt nhất thế giới. Điều đó càng đáng khâm phục khi Nhật không phải là quốc gia có lịch sử bóng đá lâu đời khi thậm chí 20 năm trước họ còn chưa có giải chuyên nghiệp và thật ra bóng đá vẫn chưa phải là môn thể thao phổ biến nhất (vinh dự đó thuộc về bóng chày). Sau chiến thắng vang dội trước TBN và chiến dịch Olympic hết sức thành công, bóng đá có lẽ sẽ có một vị thế khác khi Nhật Bản cho thấy không bao giờ là quá muộn để xây một căn nhà mới, miễn là người ta bắt đầu từ nền móng.

Trần Trọng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm