03/04/2014 13:20 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Dĩ nhiên chuyện nóng “bình loạn” của Cà phê thể thao tuần này với “phê bình gia” Hồng Ngọc là xung quanh chiến lược hợp tác và học hỏi bóng đá Nhật mà tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vừa công bố.
* Cà phê thể thao: Vừa đăng quang chức Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã coi việc “chọn Nhật Bản là đối tác chiến lược, bóng đá Việt Nam xây nhà từ móng”. Đôi lần anh nói rằng ông Lê Hùng Dũng không phải là nhà chiến lược giỏi, giờ anh còn nghĩ như vậy không khi tân Chủ tịch VFF đã công khai chiến lược của mình?
- Hồng Ngọc: Trước tiên, tôi rất trân trọng sự cầu thị của tân Chủ tịch VFF khi muốn hợp tác và học hỏi người Nhật. Sau nữa là ý định phát triển bóng đá một cách bài bản thay vì chỉ nhắm vào các thành tích trước mắt. Với ý định đó, tôi tin ông Dũng sẽ có những cống hiến nhất định cho bóng đá nước nhà.
Nhưng nếu nói rằng việc chọn Nhật Bản là đối tác chiến lược, và thuê chuyên gia Nhật làm Tổng giám đốc VPF hay HLV trưởng đội tuyển quốc gia, cũng như giao đấu một vài trận ở cấp đội trẻ là bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ móng, thì tôi e rằng chúng ta vẫn chưa hiểu nền móng của một nền bóng đá là đâu.
Trong bài phát biểu của mình sau khi nhậm chức, ông Dũng đề cao mô hình đào tạo của HA.GL khi hợp tác với Arsenal JMG, và cố gắng để vận động chính sách trợ giúp các CLB khác theo đuổi mô hình tương tự, để có thêm nhiều đội bóng kiểu như đội U19 HA.GL hiện tại. Chưa có một vị Chủ tịch VFF nào thật sự chú tâm vào công tác đào tạo trẻ như vậy. Nếu đào tạo trẻ không phải là nền móng thì cái gì mới là nền móng đây?
- Nếu phải ví von, thì việc đào tạo trẻ tập trung như HA.GL Arsenal JMG chỉ được coi là trụ cột chứ không phải nền móng. Họ tuyển sinh khi các cầu thủ trẻ ở tuổi 12-13 rồi mới bắt đầu đào tạo. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Nếu các cầu thủ nhí đó chưa từng chơi bóng đá thì HA.GL dựa vào đâu để tuyển chọn?
Làm thế nào để đứa trẻ 12 tuổi đã được làm quen với bóng đá trước lúc dự tuyển, khi mà tới trường chúng hầu như không được chơi bóng đá nói riêng và thể thao nói chung bởi tối ngày học, học thêm, và học thêm?
Làm thế nào để những đứa trẻ dưới 12 tuổi được làm quen với bóng đá, khi cha mẹ chúng cũng không được đá bóng và dẫn chúng tới sân bóng đá?
Làm thế nào để những đứa trẻ ở thành thị được chơi bóng đá, khi mà sân bóng công cộng ở đô thị giờ không còn tồn tại, và tất cả những sân bóng mở ra đều mang tính kinh doanh, trong khi trẻ con của chúng ta thì chưa biết kiếm tiền?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta phải phát triển bóng đá và thể thao học đường, đó còn là vấn đề của ngành giáo dục. Trả lời câu hỏi thứ hai là vấn đề của thể thao cộng đồng, mà bóng đá của chúng ta hiện ở gần với con số 0. Trả lời câu hỏi thứ ba là vấn đề của quy hoạch đô thị (đừng hỏi tôi tại sao bóng đá Hà Nội, TP.HCM lại suy tàn như bây giờ, và những cầu thủ giỏi nhất hiện tại của bóng đá VN đều xuất thân tỉnh lẻ hay “Hà Nội 2”).
Nếu trả lời đồng thời cả ba câu hỏi thì đó lại là vấn đề về chiến lược phát triển quốc gia.
* Anh coi 12 tuổi để bắt đầu đào tạo bóng đá là quá muộn, không lẽ mô hình đào tạo của Arsenal mà bầu Đức học hỏi và cả giới hâm mộ bóng đá VN đang thần tượng là sai lầm?
- Có hai vấn đề. Thứ nhất, Arsenal coi đó là mốc để đào tạo tập trung. Nhưng quá trình tiền đào tạo thì đã bắt đầu từ trước đó, trên nền tảng của thể thao học đường, thể thao cộng đồng rất sôi động ở nước Anh. Không cần nhìn sang nước Anh, chúng ta hãy nhìn ngay các trường quốc tế nghiêm túc của Anh, Mỹ, Canada tại TP.HCM, họ đều có hồ bơi, sân thể thao hỗn hợp, sân bóng đá, và trẻ em từ bậc mầm non đã được làm quen với thể thao.
Các CLB bóng đá nổi tiếng cũng luôn có những lớp đào tạo nghiệp dư để dạy trẻ em làm quen với bóng đá, và là nơi để các cầu thủ trẻ có thể tập luyện và chơi bóng đá dù họ không hoặc chưa thể hiện năng khiếu để phát triển. Còn tại Việt Nam, bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng, và cả đào tạo nghiệp dư tại các CLB lớn đều gần như bằng 0.
Thứ hai, 12 tuổi mới bắt đầu tập luyện bóng đá thì đúng là quá muộn. Tôi nhắc lại lý thuyết 10.000 giờ của Malcome Gladwell. Những tài năng đặc biệt đều cần có ít nhất ngần đó thời gian tập luyện và làm việc với một môn hay công việc nhất định.
Để chơi bóng đá chuyên nghiệp khi bước vào tuổi 18, nếu mỗi ngày tập luyện gần 3 tiếng đồng hồ thì bạn phải bắt đầu trước đó 10 năm, khi mới lên 8 tuổi. Thực tế rất khó tập mỗi ngày 3 tiếng khi chưa đào tạo tập trung, vì vậy các tài năng bóng đá tương lai đều bắt đầu sớm hơn. Messi lên 5 tuổi đã chơi cho một đội bóng thiếu nhi địa phương. Rooney năm 9 tuổi đã là trụ cột của đội thiếu nhi Everton.
Walcott thì lên 10 tuổi mới bắt đầu chơi bóng đá, nên dù có những tố chất đặc biệt về tốc độ và sự lạnh lùng trước cầu môn mà không thể phát triển thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới.
* Nhật Bản cũng là một nước phát triển bóng đá rất muộn. Năm 1993 họ mới cho ra đời J-League, nhưng 20 năm sau họ đã tiếp cận đẳng cấp thế giới, với J-League và đội tuyển quốc gia số 1 châu lục, và những cầu thủ thi đấu ở Bundesliga, Premier League ngày càng nhiều. Chúng ta có thể học việc tạo nền móng từ họ?
- Tôi coi đó là sự ngộ nhận lớn. Năm 1992, ngay trước khi J-League ra đời, đội tuyển Nhật Bản vô địch châu Á, và 4 năm trước đó Verdy Kawasaki đã vô địch Cúp
C1 châu Á. Khi J-League ra đời, bóng đá Nhật đã ở một trình độ rất cao tại châu Á. Giải chuyên nghiệp Nhật ra đời chỉ tăng thêm sự thu hút của bóng đá với công chúng Nhật, và để thừa nhận bóng đá là một nghề - thứ duy nhất mà họ thiếu.
Từ rất lâu, thể thao Nhật Bản có nền tảng vững chắc từ triết lý giáo dục Nhật Bản, xếp thứ tự ưu tiên là giáo dục đức, thể, trí, mỹ. Còn nền giáo dục của chúng ta chỉ tập trung vào trí và bỏ bê ba yếu tố còn lại. Những nền móng khác của thể thao và của bóng đá như thể thao cộng đồng và quy hoạch đô thị họ đều rất chất lượng.
Đó là chưa kể đến nền tảng văn hóa, đạo đức, và thái độ lao động của người Nhật hơn hẳn chúng ta, và ở vị trí hàng đầu thế giới. Khi kiến trúc sư của J-League Saburo Kawabuchi vận động các doanh nghiệp từ bỏ gắn tên mình với các CLB, đổi tên để bảo đảm sắc thái địa phương nhằm thu hút công chúng, tất cả các CLB bóng đá Nhật đều thực hiện. Chứ đi vận động các CLB V-League thì…
Vì vậy, vạch chiến lược cho bóng đá Việt Nam cần bắt đầu từ việc nhìn vào thực trạng, biết điều gì chúng ta cần hướng tới, hành trình phải trải qua và “hạng mục” công việc. Mọi mô hình chỉ có ý nghĩa tham khảo. Sao chép mà không thấu hiểu sự khác biệt căn bản của thực trạng, việc thất bại là khó tránh khỏi.
* Cà phê tuần này lại hơi đậm rồi. Hẹn anh tuần sau nhé!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất