22/05/2014 05:56 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Không phải Myanmar, Thái Lan giờ đây mới là đối thủ kỵ giơ của ĐT Việt Nam và HLV Trần Vân Phát đã phải thừa nhận, từ năm 2010 trở lại đây, trong những lần 2 đội gặp nhau, ĐT Thái Lan luôn là những người thắng thế.
Với những gì cầu thủ 2 đội đã thể hiện và thế trận trên sân tối qua, những đánh giá của ông Phát dù phũ phàng nhưng không phải là không có lý. Các cầu thủ ĐT Việt Nam đã thua kém đối phương về nhiều mặt.
Chưa nói đến các yếu tố chuyên môn như thể lực hay kỹ, chiến thuật, cái yếu lớn nhất của ĐT Việt Nam chính là tâm lý thi đấu. Sân nhà tưởng như sẽ là lợi thế cho ĐT Việt Nam trong mục tiêu giành vé dự World Cup 2015 nhưng cuối cùng, đây lại chính là rào cản ngăn thầy, trò HLV Trần Vân Phát bước lên đỉnh vinh quang.
Áp lực quá lớn từ nhiều phía khiến tâm lý của các cầu thủ ĐT Việt Nam từ những người còn ít kinh nghiệm như Thanh Hương, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Liễu đến các cựu binh Nguyễn Thị Nga, Lê Thị Thương... bị áp lực quá lớn. Những đôi chân như đeo chì, bước chạy không thanh thoát và hình ảnh của ĐT Việt Nam trong hiệp một trận đấu play-off hoàn toàn trái ngược với cả 3 trận đấu vòng bảng cũng như ở các buổi tập.
Bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua rất nhiều thế hệ cầu thủ và có lẽ không chỉ riêng ĐT bóng đá nữ, tất cả các ĐT của bóng đá Việt Nam khi đứng trước những nhiệm vụ lớn, thời cơ quan trọng thì thường xuyên bị sức ép và ảnh hưởng rất nhiều đến lối chơi, phong độ và sau cùng là kết quả thi đấu chung cuộc.
Đây không phải là vấn đề mới nhưng lại là bài toán cho đến thời điểm này chưa có lời giải và có lẽ, chính HLV Trần Vân Phát đã phải bó tay.
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đứng trước cơ hội lớn và rõ ràng đến thế để đến được với sân chơi World Cup nhưng... Cơ hội gần giờ đã quá xa xôi và cũng không biết đến khi nào bóng đá Việt Nam có được những cơ hội thuận lợi đến thế.
Cầu thủ tiếc một, người hâm mộ tiếc hai, ba phần, nhưng biết làm sao được. Khi chúng ta tiến bộ, khi chúng ta có sự đầu tư thì đối thủ cũng đâu dừng lại để đợi chúng ta. Nếu như ĐT Việt Nam tập huấn tại Trung Quốc, Hàn Quốc thì Thái Lan cũng tập huấn dài hạn tại Nhật Bản.
Trong khi bóng đá nữ Việt Nam bao năm chỉ quanh quẩn với lực lượng của 6 CLB thì Thái Lan đã xuất khẩu được cầu thủ nữ với 3 người sang đá tại Nhật Bản. Kanjana Sung Ngoen, người "gieo sầu" cho các CĐV bóng đá Việt Nam hôm qua chính là một trong số những cầu thủ như thế của ĐT Thái Lan.
Sau mỗi thất bại, những lần sảy chân tiếc nuối và cả dư vị cay đắng, đã có những giọt nước mắt rơi, bài học ở lại. Nhưng để bóng đá nữ Việt Nam từ 'cô bé lọ lem" để trở thành "nữ hoàng" thì còn cần rất nhiều thời gian và có lẽ rất lâu nữa.
Chưa thể vươn tới sân chơi World Cup, ngay ở "ao làng" Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đã bị người Thái vượt qua mất rồi.
Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất