09/06/2014 18:50 GMT+7 | World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Sử dụng cầu thủ nhập tịch đang là một xu hướng quan trọng của bóng đá thế giới. Mới nhất, Diego Costa đã quyết định đầu quân cho đội tuyển TBN cho dù tiền đạo này là người gốc Brazil và từng được HLV Felipe Scolari tha thiết mời chơi cho “Selecao”.
Tuy vậy, ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, xu hướng này đã từng lan rất rộng. Thậm chí, có những người còn chơi cho… 3 đội tuyển quốc gia khác nhau.
Nhập tịch cầu thủ Argentina từng là một trào lưu
Nhắc đến xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch, không thể không nhắc tới Argentina, mà Alfredo di Stefano là một ví dụ tiêu biểu. Di Stefano đã từng khoác áo 3 đội tuyển là Argentina, Colombia, và TBN, cho dù ông nổi tiếng hơn với tư cách là một siêu sao của Real Madrid. Ngoài Di Stefano, Laszlo Kubala cũng là một cầu thủ nhập tịch vĩ đại khác từng chơi cho 3 đội tuyển khác nhau là Hungary, Nam Tư và TBN.
Dù vậy, Di Stefano lại là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất chưa từng tham dự World Cup. Trong các năm 1950 và 1954, Argentina và Di Stefano không tham dự. Năm 1956, Di Stefano nhập tịch TBN và sau đó cùng đội bóng này tham dự vòng bảng World Cup 1958 nhưng không lọt được vào VCK. 4 năm sau đó, Di Stefano đã giúp TBN lọt vào VCK World Cup 1962 với 2 bàn ghi được nhưng ông lại vắng mặt bởi chấn thương.
Cùng thời với Di Stefano còn có Omar Sivori, một người Argentina khác chơi cho một đội tuyển ở châu Âu. Sivori sinh ra ở Argentina và là một thành viên quan trọng trong đội hình ĐTQG vô địch Copa America năm 1957, giải đấu mà Sivori đã ghi 3 bàn. Sau khi chuyển tới Italy chơi cho Juventus, Sivori đã bị ngăn cản chơi cho Argentina bởi một lệnh từ chính quyền Italy. Và nhờ có gốc gác Italy, ông được phép khoác áo Azzurri và ra mắt đội tuyển năm 1961. Trong màu áo đội tuyển Italy, Sivori đã ghi 6 bàn sau 9 trận, gồm 1 bàn vào lưới chính Argentina ở một trận giao hữu.
Tuy vậy, Di Stefano hay Sivori cũng không thể đặc biệt bằng Luis Monti, người duy nhất đã chơi 2 trận Chung kết World Cup cho 2 đội tuyển khác nhau. Với màn trình diễn quả cảm của Monti, một mẫu tiền vệ chơi máu lửa, Argentina đã giành quyền chơi trận Chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử vào năm 1930, cho dù Argentina sau đó đã thất bại 2-4 trước Uruguay. Hai năm sau đó, ông ra mắt đội tuyển Italy (khi chơi cho Juventus), và với Monti, Azzurri đã vô địch thế giới năm 1934.
Tuy nhiên, thành phần đội tuyển Italy vô địch thế giới năm 1934 còn có 2 người Argentina nhập tịch nổi tiếng khác là Enrique Guaita và Raimundo Orsi. Guaita chính là người ghi bàn duy nhất vào lưới Áo ở Bán kết. Trong khi đó, Orsi đã ghi 3 bàn cho Azzurri năm 1934, gồm bàn mở tỷ số ở trận đấu cuối cùng với Tiệp Khắc.
Và những tên tuổi lớn khác
Ngoài những ngôi sao nhập tịch đến từ Argentina, không thể không nhắc tới làn sóng từ châu Phi, mà tiêu biểu là Patrick Vieira và Marcel Desailly. Vieira sinh ra tại Senegal nhưng sau đó sang Pháp và đầu quân luôn cho “Les Bleus”, trong khi Desailly có gốc gác từ Ghana và chơi cho đội tuyển áo Lam từ năm 1993. Cả hai đã cùng tuyển Pháp vô địch thế giới năm 1998 và đăng quang ở EURO 2000.
Cùng với sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách chơi bóng, trong những năm qua, Đức cũng là đội tuyển tiên phong trong việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch, chủ yếu từ Ba Lan. Họ sẽ đá World Cup 2014 với hai tiền đạo Lukas Podolski và Miroslav Klose. Dù là những cầu thủ nhập tịch nhưng Klose và Podolski đều có chỗ đứng trong làng bóng đá Đức. Klose hiện đang là chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử đội tuyển Đức với 69 bàn trong khi Podolski đứng ở vị trí thứ 3 với 47 bàn (bằng Klinsmann và Rudi Voeller).
Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất