Bóng đá Việt Nam: Nhập và xuất… Nhật

12/12/2015 18:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - VFF vừa cho HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam, Norimatsu Takashi, thôi việc và đồng nghiệp – đồng hương Toshiya Miura cũng đối mặt với khả năng sẽ bị “trả về nơi sản xuất”, khi hợp đồng đáo hạn vào tháng 4/2016 (hoặc thậm chí có thể sớm hơn, nếu U23 Việt Nam thua tan tác tại VCK U23 châu Á tại Qatar, tháng 1/2016 tới đây).

Trong mối quan hệ công việc thời thị trường, đấy là chuyện bình thường, bởi việc thuê tướng đánh trận, không thành thì “trảm”. Trước đó, vì nhiều lý do, BTC V-League cũng từng chia tay 2 cựu trưởng giải người Nhật Bản là Kazuyoshi Tanabe và Tanaka Koji.

Nhưng ngược với cảnh "mất giá" của các ông thày Nhật, thì bóng đá Việt Nam có thể tạo nên bất ngờ lớn ngay trên đất Nhật, nếu Công Phượng và Tuấn Anh, đạt được các bản hợp đồng với 2 CLB ở J-League 2 là Mito Hollyhock và Yokohama. Nó sẽ là một cuộc cách mạng mini của bóng đá Việt Nam trong việc xuất khẩu cầu thủ, vốn quá xa xỉ với nền bóng đá còn đang dò dẫm lối đi.

Không phải... hàng Nhật xịn?

Dù VFF không tiết lộ chi tiết giá trị bản hợp đồng 2 năm với HLV Toshiya Miura, nhưng theo một kênh thông tin không chính thức, mức lương cho thuyền trưởng người Nhật Bản rơi vào khoảng 12 ngàn USD/tháng (144 ngàn USD/năm, tương đương với 3 tỷ đồng chuyển đổi). Mức lương này không cao khi chỉ bằng một nửa so với HLV ngoại gần nhất của đội tuyển Việt Nam, ông Falko Goetz (300 ngàn USD/năm). Trước đó (2008 – 2010), HLV Calisto nhận khoảng 264 ngàn USD/năm.

Ở Nhật Bản, với các HLV hành nghề tại J-League 1 và 2, cũng như thuyền trưởng các ĐTQG, mức lương và chế độ kèm theo luôn được công khai, minh bạch. Ví như HLV đang nhận lương cao nhất tại J-League 1 là Nelsinho Baptista (CLB Vissel Kobe, lương 1,258,500 USD/năm, tương đương hơn 27 tỷ đồng, tức gấp gần 10 lần ông Toshiya Miura). HLV Hitoshi Morishita (CLB Sagan Tosu) thấp nhất J-League 1, cũng có giá 167,800 ngàn USD/năm (nhỉnh hơn Toshiya Miura chút).


HLV Miura chịu sức ép cực lớn khi cùng U23 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016. Ảnh: Thanh Hà

So sánh để thấy rằng, thù lao (cộng với các chế độ kèm theo như nhà ở, phòng làm việc, vé máy bay, di chuyển…) chúng ta trả cho HLV Toshiya Miura là tương đối thấp so với mặt bằng chung, ở cả Nhật Bản cũng như Việt Nam (với cương vị thuyền trưởng các ĐTQG). Nói thấp so với mặt bằng, nhưng đấy cũng là mơ ước so với cách đây 5 năm, thời HLV Miura còn dẫn dắt Ventforet Kofu hay Consadole Sapporo (năm 2008), với tỷ lệ giành chiến thắng/trận chưa bao giờ quá 23% (thấp kỷ lục).

"Của rẻ" không phải lúc nào cũng là "của ôi", như các cụ nhà ta vẫn nói, tuy nhiên, có một thực tế là, Nhật Bản chưa từng được biết đến như một quốc gia giàu tiềm năng xuất khẩu HLV bóng đá, bất kể J-League đã ra đời từ năm 1992 và chỉ mất 6 năm sau, ĐTQG nước này lần đầu tiên góp mặt tại một VCK World Cup (France 98). HLV Miura vốn dĩ cũng không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp, mà chỉ được biết đến như một giáo viên thể chất, vì đam mê huấn luyện mà đi học các lớp HLV bên Đức.

“Tôi dẫn quân đi qua Nhật Bản đá AFC Champions League, ở đó, không ai biết Toshiya Miura là ai cả”, cựu GĐKT CLB B.Bình Dương, ông Lê Thuỵ Hải từng chia sẻ. Ông Hải không phải không có lý, bởi đến ngay một doanh nhân Nhật Bản đam mê bóng đá như ông Koichi Ota, CEO của KOMAT’SU có trụ sở tại Tokyo, cũng không rõ về Toshiya Miura, cho đến trước khi qua Việt Nam công tác và được biết, có một người Nhật Bản đang huấn luyện đội tuyển Việt Nam là ông Miura?!

Luận về HLV Miura lúc này là không cần thiết nữa (thời gian đã và đang cho câu trả lời rồi), thậm chí là thiếu nhân văn, khi ông sắp dẫn quân U23 Việt Nam đá giải châu Á ở Qatar. Với thực thể nền bóng đá như hiện tại, đến Jose Mourinho hay Pep Guardiola qua Việt Nam, cũng "chào thua", huống hồ… Vấn đề là, các dũng tướng được thuê đánh trận phải biết liệu cơm gắp mắm, đạt đến sự hợp lý tương đối, thay vì xa vời thực tế. Việc HLV Miura bộc lộ hạn chế quá sớm là do năng lực.

Và cái lý của “thị trường”

Cùng là bóng đá, nhưng HLV và cầu thủ là những phạm trù ít đồng bộ. Trong khi cầu thủ chỉ cần có chuyên môn tốt, sự cầu tiến và ý thức chuyên nghiệp là đủ, thì với một chuyên gia (làm kỹ thuật đơn thuần như một “head coach”) hay nhà quản lý bóng đá (manager), cần xây dựng được chiến lược phát triển đội bóng, từ kỹ - chiến thuật đến các vấn đề về tâm lý, thể lực…, phải tổng hoà được các mối quan hệ. Khó nói HLV Miura đã thất bại, nhưng không thể bảo ông đã thành công.

Trở lại với vấn đề của Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường (được cho là đã nhận được lời mời từ một đại diện của K-League, giải Nhà ghề Hàn Quốc, với giá 300 ngàn USD/năm)…, nếu đến được với các giải đấu hàng đầu của Nhật Bản hay Hàn Quốc, đó là một nấc thang vĩ đại trong sự nghiệp. Nhưng, chỉ thị trường (giải đấu) mới có thể quyết định xem họ thành công hay thất bại, chứ không phải chúng ta, càng không phải bầu Đức. Phải chăng, không mơ thì thôi nhưng đã mơ thì mơ cho đáng?!

Ở lộ trình phát triển bắt buộc của một cầu thủ trẻ, dù là một cầu thủ trẻ tài năng cỡ mấy, cũng phải thông qua các đội bóng hạng thấp, giải đấu hạng thấp, mới mong ngày chinh phục được đỉnh cao, bằng với sự tích luỹ, nâng cấp các kỹ năng. Đã ở độ chín cỡ Lê Công Vinh khi qua Consadole Sapporo cách đây mấy năm, cũng là kết hợp giữa PR và việc mở mang các kiến thức về bóng đá chuyên nghiệp, chứ chưa thể chơi bóng một cách đúng nghĩa. Nhưng như thế vẫn rất tích cực!

Cách đây hơn chục năm, thời điểm mà làn sóng Thái Lan tràn ngập V-League, chúng ta rõ ràng có một giải đấu hấp dẫn hơn Thái Lan cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. CLB BEC Tero Sasana từng chơi trận chung kết AFC Champions League, mùa giải 2002 – 2003, nhưng mãi đến năm 2007, Thai – Premier League mới ra đời. Therdsak Chaiman được bầu là cầu thủ hay nhất AFC Champions League năm đó và hiện ở tuổi 42, cựu tiền vệ Ngân hàng Đông Á đang chơi cho Chonburi FC.

VFF chia tay HLV Norimatsu Takashi, chuyện bình thường

VFF chia tay HLV Norimatsu Takashi, chuyện bình thường

Mới chỉ cách đây hai năm, các huấn luyện viên Nhật Bản được coi là một lựa chọn tối ưu cho bóng đá Việt Nam khi VFF đã chọn họ cho cả đội tuyển nam và nữ.


Cầu thủ Thái qua Việt Nam khi ấy đều là các tuyển thủ QG và đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn đang chơi bóng chuyên nghiệp như Chaiman, Thonglao, Issawa, Sakda… Tức là, họ có đẳng cấp thực sự, chứ không là sản phẩm của PR, truyền thông. Nhưng, sau cái tên cuối cùng là Sakda Joemdee (được Việt hoá thành Đoàn Văn Sakda – PV) rời V-League (trong màu áo HAGL, mùa giải 2014), giải đấu cao nhất Việt Nam gần như không còn trong tiềm thức của người Thái.

Sau chức vô địch AFF Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam, Lê Công Vinh từng nằm trong kế hoạch mua sắm của đội bóng nhà giàu Muang Thong United, nhưng phút cuối, các ông chủ Tập đoàn Siam Sports (chủ sở hữu MT United) lắc đầu, vì giá quá cao. Không tính trường hợp của Trung Tuấn gửi qua Cảng Thái mùa 2004 – 2005 để lánh nạn, Công Vinh là cầu thủ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, từng được một CLB Thái Lan để ý. Bây giờ thì không, bởi Thai-Premier League đã ở quá xa.

Nếu đạt được các thoả thuận hợp đồng với các đối tác Nhật Bản hay Hàn Quốc, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, sẽ vào vai ngoại binh gốc châu Á (tức thấp nhất về mặt đẳng cấp trong số 5 ngoại binh đăng ký/CLB), rõ ràng chỉ có rất ít cơ hội chen chân vào đội hình chính. Cần phải thực tế như vậy, và hãy nhẹ nhàng như một suất học bổng, với kinh phí mà đôi ba bên cùng bỏ ra, khoan nói chuyện chinh phục cao siêu, ảo tưởng, cũng là phòng tránh được tổn thất… tinh thần. Dù sao chúng ta có hàng xuất được vào 1 thị trường lớn như Nhật Bản (và có thể là cả Hàn Quốc) cũng là điều đáng để mừng.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm