Bóng đá Việt Nam: Từ U23 Đông Nam Á đến SEA Games

25/07/2025 14:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

Vài tháng sau khi vô địch U23 Đông Nam Á 2022, U23 Việt Nam giành tiếp HCV SEA Games 31. Nhưng kịch bản tương tự không xảy ra một năm sau đó khi chúng ta bảo vệ ngôi vô địch, nhưng bị U23 Indonesia loại ở bán kết SEA Games 32.

1. Việc vô địch U23 Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc giành huy chương vàng (HCV) tại SEA Games, và ngược lại. Sự khác biệt về tính chất, lực lượng và chiến lược giữa hai giải đấu tạo nên những thách thức riêng, đòi hỏi người hâm mộ và các nhà phân tích phải có cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa của từng giải.

U23 Đông Nam Á là giải đấu dành riêng cho các đội tuyển dưới 23 tuổi, tập trung vào việc phát triển tài năng trẻ. Các đội thường sử dụng đội hình dự bị hoặc thử nghiệm, với mục tiêu giúp cầu thủ tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Mức độ cạnh tranh của giải này thường thấp hơn, và các đội không nhất thiết phải cử lực lượng mạnh nhất. Ngược lại, SEA Games là một sự kiện đa môn thể thao mang tính biểu tượng cho danh dự quốc gia, trong đó bóng đá là tâm điểm chú ý. Các đội tuyển dự SEA Games thường được đầu tư kỹ lưỡng về chiến thuật, thể lực và con người, với đội hình tối ưu nhất có thể.

Năm 2019, U22 Việt Nam chỉ cử đội hình 2 dự AFF U-22 Youth Championship (tên gọi khác của U23 Đông Nam Á) tại Campuchia và về thứ ba. Nhưng cuối năm ấy, với lực lượng mạnh nhất – gồm lứa Thường Châu và 2 tuyển thủ vô địch AFF Cup là Trọng Hoàng và Hùng Dũng, thầy trò Park Hang Seo đã giành HCV sau khi đánh bại Indonesia – nhà vô địch U23 Đông Nam Á 2019 – với tỷ số 3-0 ở chung kết. Đến năm 2022, với những ngôi sao quá tuổi như Tiến Linh, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Việt Nam tiếp tục giành HCV khi thắng U23 Thái Lan ở chung kết.

Nhưng năm 2023 cho thấy một kịch bản khác. Việt Nam vô địch U23 Đông Nam Á, nhưng lại thua U23 Indonesia – đội sau đó giành HCV - ở bán kết. Năm đó, Indonesia đã mang đội hình mạnh hơn và ổn định hơn đến SEA Games, trong khi Việt Nam thiếu sự chuẩn bị tương xứng.

Tiêu điểm: Từ U23 Đông Nam Á đến SEA Games - Ảnh 1.

Năm 2019, Việt Nam chỉ đứng thứ ba ở U23 Đông Nam Á, nhưng sau đó giành HCV thuyết phục ở SEA Games 30, chấm dứt cơn khát 60 năm

2. Vì sao vô địch U23 Đông Nam Á không đảm bảo thành công tại SEA Games? Thứ nhất, về lực lượng, các đội thường sử dụng U23 Đông Nam Á để thử nghiệm cầu thủ trẻ, dẫn đến sự thiếu hụt các trụ cột hoặc cầu thủ giàu kinh nghiệm. Trong khi đó, SEA Games là mục tiêu lớn hơn, nơi các đội ưu tiên đội hình tối ưu, đôi khi được bổ sung cầu thủ quá tuổi (ở những kỳ cho phép). Ngay cả khi không có cầu thủ quá tuổi, các đội vẫn chọn những cầu thủ tốt nhất có thể. Thứ hai, về chiến lược và sự chuẩn bị, SEA Games đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về chiến thuật, thể lực và quản lý đội hình. U23 Đông Nam Á thường chỉ được xem là bước đệm để thử nghiệm, không phải mục tiêu chính. Cuối cùng, áp lực tâm lý cũng là một yếu tố quan trọng. SEA Games mang tính chất tranh huy chương, với kỳ vọng lớn từ người hâm mộ và truyền thông, tạo ra sức ép nặng nề hơn so với môi trường thoải mái của U23 Đông Nam Á.

U23 Đông Nam Á 2025 và SEA Games 2025 cũng không đi ngoài xu thế ấy. Sẽ không ngạc nhiên nếu cuối năm nay, lực lượng các đội sẽ mạnh hơn bây giờ nhiều, dù không có cầu thủ quá tuổi. Kịch bản cũ có thể lặp lại: một đội vô địch U23 Đông Nam Á nhưng không thể duy trì phong độ hoặc lực lượng tại SEA Games, dẫn đến kết quả khác biệt.

Tóm lại, vô địch U23 Đông Nam Á là một thành tích đáng tự hào, nhưng không phải yếu tố quyết định để giành HCV SEA Games. Sự khác biệt về tính chất, lực lượng và chiến lược giữa hai giải đấu tạo ra những thách thức riêng biệt. Và người hâm mộ cũng nên có cái nhìn thực tế, tránh đặt kỳ vọng không phù hợp.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm