02/08/2016 06:03 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Do chỉ lọt vào bán kết ở 2 trên 3 kỳ AFF Suzuki Cup gần nhất, thậm chí năm 2012, chúng ta còn bị loại ngay ở vòng bảng, ĐT Việt Nam buộc phải nằm ở nhóm hạt giống số 3 ở giải đấu năm nay và chỉ hơn được Indonesia cùng đại diện cuối cùng sẽ phải đấu vòng loại. Nhưng, biết đâu được, trong hoạ có phúc.
Chuyện riêng của người Thái
Bóng đá Thái Lan đã và đang khoác lên mình bộ cánh mới dưới triều đại Kiatisuk Senamuang. Họ đã giành quyền vào chơi vòng loại thứ 4 (vòng đấu bảng với 12 đội mạnh nhất châu Á), hoàn toàn có khả năng cạnh tranh suất dự World Cup 2018 cùng với các ứng viên hàng đầu như Nhật Bản hay Australia, hoặc vé dự trận play-off. Mặc dù vậy, người Thái vẫn chỉ khiêm tốn đặt chỉ tiêu đến ngày hội bóng đá thế giới vào năm 2026, khi giải đấu nhiều khả năng được tổ chức tại Mỹ.
Bóng đá Thái lúc hưng lúc suy, nhưng họ vẫn là đội có thành tích tốt nhất tại các giải đấu cấp khu vực, cũng như châu lục và trong khuôn khổ vòng loại World Cup. Năm 2002 và 2006, Thái Lan đi đến vòng đấu loại thứ 2 khu vực châu Á; các kỳ World Cup 2010 và 2014, họ vào đến vòng loại thứ 3 và ngay lúc này, người Thái đứng trước cơ hội trăm năm có một là săn vé đi Nga dự World Cup 2018. Thái Lan sẽ bắt đầu bằng chiến dịch bằng chuyến làm khách tại Saudi Arabia (1/9/2016).
Trước đó, sau thành tích tuyệt vời tại bảng đấu loại có cả Iraq (Thái Lan xếp đầu bảng), đội bóng của “Zico Thái” Kiatisuk từng thắng Jordan 2-0, hoà Syria 2-2 và chỉ thua sát nút Hàn Quốc 0-1 tại các trận giao hữu và King’s Cup trong năm 2016. Thái Lan sẽ có trận giao hữu tiếp theo với Qatar (25/8 tới đây) và chắc chắn không phải để tập trận cho AFF Suzuki Cup 2016, mà nhằm chuẩn bị cho cuộc đụng độ với Saudi Arabia trong khuôn khổ bảng B vòng loại World Cup 2018.
Dài dòng như thế để thấy rằng các giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á với Thái Lan lúc này không còn là ưu tiên, thậm chí không đáng để họ rèn quân. Đấy là sự phát triển tự nhiên của một quốc gia có nền bóng đá đang phát triển và giàu tham vọng, trong khi Đông Nam Á vẫn bị xem là vùng trũng bậc nhất của bóng đá thế giới.
Mong chung bảng với Thái Lan
Người Thái làm bóng đá và theo đuổi mục tiêu của mình và họ thậm chí cũng chẳng cần giấu giếm điều đó. Từ sự phát triển như vũ bão của Thai Premier League, cho đến các chiến lược tầm quốc gia, bắt đầu từ khâu đào tạo trẻ, đến thuê mướn nguồn ngoại lực, cũng như phát huy nội lực cho các chiến lược mang tính dài hơi.
Trong khi đó, chúng ta vẫn luẩn quẩn với các kế hoạch ngắn ngày, như AFF Cup và SEA Games, chưa thể nuôi mộng bơi ra biển lớn. Phải chấp nhận mình kém mới hy vọng tiến bộ.
Lịch sử các giải đấu cấp khu vực cho thấy, nếu Việt Nam nằm chung bảng đấu với Thái Lan, chúng ta thường có cơ hội tiến xa, thậm chí là vô địch, hoặc tiệm cận chức vô địch.
AFF Suzuki Cup 2008 và SEA Games 2009 là những minh chứng rõ nhất cho lập luận này. Năm 2012, khi bảng đấu có Việt Nam được tổ chức tại Thái Lan, ĐT Việt Nam thời HLV Phan Thanh Hùng đã không thể viết tiếp trang sử, đấy cũng là nốt trầm, khiến bóng đá Việt Nam đánh mất vị thế trong khu vực.
Myanmar và Philippines là những nước đồng chủ nhà đăng cai các trận vòng bảng, nhưng xét về lực, họ không nhỉnh hơn Việt Nam, Malaysia hay Singapore. Suất chơi bán kết là chuyện đương nhiên, nhưng nếu không muốn đánh cược với may rủi để bị loại ở vòng knock-out đầu tiên, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ phải cầu được ở chung bảng đấu với Thái Lan, bất kể đội bóng này có cử đội hình 1 dự giải hay không. Né được Thái ở bán kết, tiến vào chung kết thế nào… hậu xét.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất