25/04/2014 16:25 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nhắc tới bóng đá đỉnh cao TP.HCM giờ chỉ là sự khơi gợi những kỷ niệm đẹp về một thời hào hùng, với “tam hùng tranh vương”: Cảng Sài Gòn, Hải Quan và Công an TP.HCM, những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, tại sân Thống Nhất đông nghẹt người. Nhưng rồi sau năm 2009, bóng đá TP.HCM chính thức trở thành vùng trắng trên bản đồ V-League, dù người ta đã cố kéo về những phiên hiệu nhập cư như Navibank Sài Gòn hay XMXT.Sài Gòn.
Tiền, tài hay cơ chế?
Tại Đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) khóa IV, ngày 22/5/2009, diễn ra ở Trung tâm Thành Long, giới truyền thông đã hối thúc những nhà quản lý bóng đá địa phương đưa phương án giải quyết, nếu CLB TP.HCM rớt hạng và bóng đá TP.HCM có thể là vùng trắng.
Không có “Ban chống xuống hạng” nào dược thành lập, đổi lại, chỉ là điệu cười nụ của ông Chủ tịch HFF khi ấy, Lê Hùng Dũng. Ông Dũng (đương kim Chủ tịch VFF) thậm chí còn kết tội một bộ phận truyền thông, rằng: “Các anh lập luận như thế là không mang tính xây dựng. Làm bóng đá khó lắm, chứ chẳng nói chơi được”.
Ơ hay, có ai bảo làm bóng đá dễ đâu?! CLB bóng đá TP.HCM rớt hạng V-League năm 2009, cùng với thời điểm đó, Sài Gòn United, một trong những đội bóng đầu tiên nhập khẩu về TP.HCM bị kỷ luật ở giải hạng Nhất rồi giải tán luôn, với ông bầu bị truy tố hình sự không lâu sau. Và mặc cho người trong cuộc đã rất nỗ lực kéo về cái tên lạ lẫm Navibank Sài Gòn (vốn tiền thân là Quân khu 4 ở tận Nghệ An), hay XMXT.Sài Gòn sau đó, để đảm bảo rằng TP.HCM sẽ không là vùng trắng V-League, nó vẫn không thể an ủi phần nào niềm kiêu hãnh của bóng đá thành phố năng động nhất cả nước, suốt thời gian dài tung hoành ngang dọc.
Chúng ta đều đã biết là, sau V-League 2012, N.Sài Gòn được bán lại cho XMXT.Sài Gòn. Một năm sau, đến lượt XMXT.Sài Gòn cũng giải thể luôn, với lý do đưa ra là bất phục trước các quyết định kỷ luật đội bóng của Ban tổ chức V-League 2013, từ trận đấu cuội với K.Kiên Giang. Trước đó, năm 2010, chủ tịch Lê Hùng Dũng đã sớm rời nhiệm sở ở HFF, khiến tổ chức này phải bầu chủ tịch lâm thời (cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Trần Duy Long trúng cử - PV), cho đến khi Đại hội khóa V (nhiệm kỳ 2012 – 2016) diễn ra. Cái kết buồn cho bóng đá TP.HCM, nhưng quan trọng hơn, nó khiến người hâm mộ thêm cạn niềm tin.
Bóng đá TPHCM (giữa) đang lận đận ở giải hạng Nhất quốc gia. Ảnh: HFF.
Bỏ qua giai đoạn các thương hiệu lớn như Hải Quan, Công an TP.HCM và Cảng Sài Gòn, lần lượt bị giải thể, vì nhiều lý do khách và chủ quan, chỉ tính riêng ở kỷ nguyên V-League, tại sao và như thế nào, bóng đá TP.HCM không thể bật lên được, dù vẫn hội tụ điều kiện cần?! Tiền không thiếu, khi đã có sẵn những ông bầu máu mê và hàng chục Mạnh Thường Quân sẵn sàng nhảy vào chung tay. Nhân tài không thừa mứa, nhưng nếu kéo lại được lứa cầu thủ từ khóa 9 – 12 của Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM (từ Hữu Thắng, đến Quang Thanh, Công Minh, Ngọc Thanh…), gộp với bộ khung CLB TP.HCM, vẫn chơi được!.
Như vậy, phải chăng là do cơ chế, điều nằm ngoài chức năng của HFF? Chiếu theo quan điểm của một vài ông bầu, trong đó có bầu Thụy (chủ tịch Nguyễn Đức Thụy của XMXT.Sài Gòn), thì TP.HCM không sẵn “cơ chế” cho những nhà tài trợ sẵn sàng chung tay với bóng đá địa phương. Hiểu theo cách nào đó, thì đấy là các dự án, hạng mục đầu tư. Vv và vv! Hẳn tất cả cũng đều từng được nghe về dự án mở Học viện bóng đá liên kết với CLB Bayern Munich của N.Sài Gòn, nhưng rồi cũng không đi đến đâu, mà quỹ đất (được cho là khu vực Q.9) là mắt xích quan trọng. Tất nhiên, những ý kiến cá nhân đôi khi chỉ để tham khảo.
Đi trước về… sau
CLB bóng đá Cảng Sài Gòn, thành lập năm 1975, lên hạng chuyên nghiệp 2001 và giải thể năm 2009, dù lịch sử họ từng 4 lần đăng quang ở giải vô địch quốc gia, 2 lần khác đoạt Cúp QG; Đội bóng Hải Quan, thành lập 1975, giải thể 2002 và trước đó, cũng đã vô địch quốc gia năm 1991, á quân mùa giải 1982 – 1983, vô địch Cúp QG các năm 1996, 1997. Cùng với cái tên lẫy lừng khác là đội bóng Công an TP.HCM (vô địch quốc gia năm 1996), đây chính là 3 địa chỉ đỏ cung cấp nguyên khí cho đội tuyển quốc gia, chinh chiến các giải đấu khu vực và châu lục, kể từ sau ngày hội nhập trở lại (kể từ năm 1991).
Vắn tắt thế về 3 trong số những tên tuổi hàng đầu của bóng đá TP.HCM (chưa tính Sở Công nghiệp hay Công nghiệp thực phẩm), kể từ sau ngày đất nước thống nhất, phần nào nói lên sự hào hùng một thời của bóng đá địa phương này. Và cái gì cũng có nguyên nhân của nó, khi cuối những năm 80 – đầu 90 của thế kỷ trước, với cơ chế bao cấp bị xóa bỏ, những người làm bóng đá TP.HCM đã hô khẩu hiệu: “Đi trước, về trước”. Thực tế là, họ đã dẫn đầu suốt một thời gian dài, cho đến khi tụt hậu và về sau. Khi nền kinh tế thị trường được mở ra, TP.HCM vẫn đi đầu, nhưng tại sao bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của địa phương lại tụt?!
Một phần vấn đề này, chúng ta đã bàn tới ở nửa trên của bài viết rồi. Có bao nhiêu người làm bóng đá vì lợi nhuận, thay vì tình yêu?! Sau Đại hội HFF khóa V, với người trúng cử chức chủ tịch là ông Trần Anh Tú, cùng Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hưng, phụ trách Tiếp thị tài trợ & Thông tin tuyên truyền, kế đó là các chức danh Tổng thư ký, kiêm Trưởng bộ môn bóng đá thuộc Sở (Trần Đình Huấn), các ủy viên phụ trách các mảng như Đào tạo (Phạm Hồng Phẩm), Ban thi đấu (cựu trọng tài FIFA Lương Thế Tài), Ban kiểm tra, Ban trọng tài, Ban truyền thông, Ban bóng đá học đường, Ban futsal... Nói chung là rất quy củ và có vẻ khoa học.
Ông Tú, chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH & TM Thái Sơn Nam, người được xem như lá cờ đầu của futsal TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, chắc không cần phải giới thiệu. Thế còn phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hưng là ai?! Xét về tuổi đời, ông Hưng (quê Hải Phòng, từng tốt nghiệp Đại học Báo chí, Phân viện Báo chí & Tuyên truyền, rồi Đại học Sư phạm ngoại ngữ…) còn khá trẻ (sinh năm 1974) và theo chức danh vào thời điểm được bầu là Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Dentsu Việt Nam, đối tác tham gia các hoạt động mua bán bản quyền truyền hình như FIFA World Cup 2010, AFF Cup 2010, 2012…
Trong số hơn 10 chức danh đứng đầu HFF, thật tiếc, chỉ có duy nhất ông Phạm Hồng Phẩm từng có thời gian thi đấu & huấn luyện bóng đá. Số còn lại, học cử nhân chuyên ngành bóng đá, kinh tế hoặc nữa là báo chí, luật, na ná nhau. Hiếm người giỏi chuyên môn và thực sự có uy tín trong làng bóng đá đỉnh cao, phải chăng là lý do khiến HFF khóa V chỉ chú trọng phát triển bóng đá phong trào, học đường và đưa nó vào “cương lĩnh hành động”?! Thực ra, cũng chẳng có gì mới mẻ cả, khi trước đó, HFF khóa IV đã thất bại nặng nề với Chương trình Tầm nhìn châu Á (khởi đi từ năm 2005, chú trọng đào tạo trẻ và bóng đá học đường).
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất