22/03/2020 08:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com)- Covid-19 khiến đời sống bóng đá không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới phải trì hoãn. Khi sân cỏ Việt bỗng dưng phải sống chậm lại, người ta mới cảm nhận được nhiều vui, buồn những ngày qua.
Đầu tiên, niềm vui có thể cảm nhận được đối với những người yêu bóng đá nước nhà hay rộng hơn là hơn 90 triệu dân Việt Nam chính là tình cảm của các cầu thủ bóng đá.
Nhiều lãnh đạo, HLV, cầu thủ các CLB đã lan toả nhiều hình ảnh đẹp từ vật chất đến tinh thần để dành tặng đồng bào đang sống trong những ngày khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Từ các cầu thủ phát khẩu trang miễn phí cho người dân, đến việc hướng dẫn chi tiết các biện pháp rửa tay để phòng ngừa dịch bệnh và đến ngày 21/3, đã có hàng trăm triệu đồng được các tuyển thủ chuẩn bị sẵn nhằm đưa đến các Quỹ quyên góp nhằm chống dịch.
Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên vừa thông báo đã quyên góp được hơn 12 tỉ đồng lập quỹ mua máy lọc nước biển thành nước ngọt, làm dịu bớt phần nào cơ cực của đồng bào miền Tây giữa hạn mặn.
Những hành động đầy ý nghĩa của các lãnh đạo CLB, HLV, cầu thủ, cựu cầu thủ đến ở thời điểm người dân cả nước cần đến sự chung tay từ mọi nguồn lực trong xã hội. Bóng đá, một lĩnh vực tồn tại phải có khán giả cũng sẵn sàng “cho đi” để hy vọng đồng bào mình có thêm nghị lực vượt khó.
Trong niềm vui động viên tinh thần to lớn đó của các cầu thủ chuyên nghiệp, cũng có không ít nỗi buồn tới từ thế hệ tương lai của bóng đá nước nhà. Việc các giải đấu trẻ quốc gia bị phanh phui tiêu cực suốt một thời gian dài đã khiến dư luận dậy sóng.
Điều đáng nói khi những cầu thủ đó lại là đại diện cho giấc mơ World Cup 2026 mà bóng đá Việt Nam đang dồn toàn lực hướng tới. So với thế hệ hiện tại của HLV Park Hang Seo đã được đánh giá toàn diện về nhân cách lẫn chuyên môn, những gì mà thế hệ trẻ vừa gây ra khiến những người yêu bóng đá nước nhà không khỏi lo ngại.
Viễn cảnh về sự đầu tư kiểu “ném tiền qua cửa sổ” rất dễ mắc phải sau những gì đã diễn ra.
Tuy nhiên, trách các cầu thủ trẻ bồng bột khi gây ra sự cố trên sân bóng 1 thì phải đề cập đến trách nhiệm của những người đứng đầu đến 10. Cách giải quyết tiêu cực của lãnh đạo Đồng Tháp như đã biết kiểu “sợ không còn người để đá” càng khiến dư luận thêm phần bức xúc. Hay ngoài vụ việc của Đồng Tháp, nếu không để bản tường trình của Văn Tiến lọt ra ngoài, vô số những trận đấu “có mùi” khác đều trôi vào dĩ vãng.
Cách xử lý chưa rốt ráo của người làm bóng đá Việt Nam tạo cơ hội cho tiêu cực có đất sống. Và như thế, cầu thủ trẻ dễ sa ngã hơn ở thế giới số hiện tại. Khi cầu thủ trẻ chưa ý thức được đồng tiền mình kiếm được và quan niệm “làm giàu không khó” như thế, bóng đá Việt Nam về lâu dài sẽ đối diện cảnh mục từ móng.
Bóng đá Việt Nam thời Covid-19 vui nhưng cũng lắm buồn. Và khi có thời gian để nhìn nhận lại, không có cớ gì để người ta tiếp tục “dĩ hoà vi quý” hay xử lý qua loa để rồi nhận đại hoạ về sau này.
Thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam cần bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, để rồi mới có thể có cơ hội học hỏi hành động đẹp của bậc đàn anh.
V.H
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất