22/01/2016 11:01 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Thất bại của U23 Việt Nam đi liền với việc sử dụng không hiệu quả HLV Miura, sự mất đoàn kết trong nội bộ VFF gia tăng…khiến dư luận thực sự muốn Thường trực VFF phải đối thoại thẳng thắn với truyền thông tất cả những hạn chế của mình.
Tôi bị tước nhiều quyền cơ bản
VFF sắp đi được nửa nhiệm kỳ. Ông đánh giá phần việc của mình thế nào?
- Tính đến tháng 3 này, tôi đã nhận nhiệm vụ tròn 2 năm. Tôi được giao phụ trách truyền thông và đối ngoại nhưng như các bạn biết, về đối ngoại thì người khác họ ôm hết phần việc của tôi rồi. Tôi bị tước nhiều quyền cơ bản. Đến lễ ra mắt AFC sau khi Đại hội VFF mấy ngày, tôi cũng phải ở nhà.
Cho nên, phần việc của tôi chỉ bó hẹp ở mảng truyền thông. Thuận lợi của tôi là mấy chục năm làm báo, có không ít mối quan hệ, sự chia sẻ nhất định của đồng nghiệp. Nếu để ý, rõ ràng quan hệ giữa VFF với báo chí bây giờ được cải thiện rõ nét. Thời anh Nguyễn Lân Trung, anh ấy lâu lâu mới lên trụ sở VFF nhưng tôi hầu như ngày nào cũng có mặt. Vào giải, tuần nào tôi cũng rong ruổi đi theo dõi bóng đá, kể cả phong trào.
Hôm rồi anh Lê Hùng Dũng có nhắn tôi rằng, từ đầu năm đến giờ chưa kiếm được đồng nào. Chỉ có chi chứ chưa có thu. Nhờ tôi tìm chỗ nào hỗ trợ cho hoạt động báo chí. Tôi vẫn phải lọ mọ đi vận động được 500 triệu đồng cho VFF. Các sự kiện gặp gỡ báo chí, Văn phòng VFF đề xuất, Tổng thư ký ký nên rất rõ ràng tiền bạc, đấy là nỗ lực của tôi.
Là phụ trách truyền thông, tôi luôn muốn được truyền những thông điệp về VFF một cách minh bạch, chính xác, thiện chí với báo chí nhưng dường như không thể.
Tôi lấy ví dụ. Đội tuyển mới đá 30 phút trận thua Malaysia 2-4 ở AFF Cup 2014, anh Lê Hùng Dũng đã móc điện thoại báo cho báo chí là cầu thủ bán độ. Báo chí họ viết lên, thì tôi lại bị phê bình phụ trách truyền thông mà để báo chí “đánh” Liên đoàn thế à. Đấy đâu phải lỗi của tôi.
Hay năm ngoái anh Lê Hùng Dũng trước khi đăng đàn “mắng nhau" với anh Nguyễn Văn Vinh, tôi đã cản đừng làm thế, nhưng anh ấy có nghe đâu để rồi sự kiện ầm ĩ cả lên.
Nếu các thành viên trong thường trực VFF ý thức được cần làm sao để phát triển hình ảnh VFF, lãnh đạo VFF, thông điệp VFF… một cách chuyên nghiệp thì hình ảnh chung của VFF chắc chắn sẽ cải thiện theo nỗ lực.
Tôi vẫn phải nói thẳng là hình ảnh của VFF hiện nay xuống rất thấp. Tôi nhận một phần trách nhiệm nhưng vẫn ấm ức bởi phụ trách truyền thông VFF nhưng luôn bị bưng bít thông tin.
Các thành viên trong Thường trực VFF chưa nhìn về một hướng. Ảnh: Quang Liêm
Cần xem lại tiêu chí chọn Chủ tịch VFF
Như ông nói ở Hội nghị ngành thể thao vừa qua, VFF hiện nay tồn tại như Công ty TNHH…2 thành viên. Và có sự lạm quyền, thao túng của một số người là có thật?
- Tôi đính chính lại là đó không phải ý kiến tôi mà là của anh Nguyễn Hồng Thanh trong cuộc họp BCHVFF. Ủy viên BCH lâu nay bị cho là “nghị gật” nên những phát biểu của anh Nguyễn Hồng Thanh là đáng quý chứ.
Tại sao lại bưng bít, mà không nói ra trong hội nghị quan trọng như thế khi được yêu cầu. Tôi chỉ truyền tải lại thông điệp đó khi được lãnh đạo Bộ VH,TT& DL, Tổng cục TDTT, cùng một số lãnh đạo cao cấp của ngành thể thao chất vấn, đề nghị phải phát biểu. Tôi nghĩ đấy là sự đàng hoàng, cần thiết.
Theo tôi, để cải thiện VFF, nếu không còn tôn trọng nhau, các thành viên trong Thường trực VFF cũng phải tuân thủ theo điều lệ hoạt động của VFF. Phần việc của các Phó chủ tịch phải được tôn trọng như tín nhiệm đại hội đã bầu. Không được lộng quyền, ôm hết phần việc của người khác. Phần việc ai không tốt thì phải chịu trách nhiệm khi đã được trao toàn quyền.
Ví dụ, về truyền thông, khi được giao quyền rõ ràng và được tôn trọng, tôi làm không được sẽ phải chịu trách nhiệm. Về chuyên môn, U23 và ĐTQG thất bại, sử dụng HLV kém thì anh Trần Quốc Tuấn phải chịu trách nhiệm cao nhất. Tôi nghĩ lúc này cần xem xét vấn đề chuyên môn, kẻo lại rối, đánh bùn sang ao.
Nếu chúng ta có một Chủ tịch VFF mới vì lý do nào đó, theo ông cần tiêu chí nào?
- Tôi đồng ý với quan điểm của bạn là vấn đề của VFF hiện nay là nằm ở cơ chế, cung cách làm việc, cung cách ứng xử với nhau thiếu tình người. Điều đó khiến ai làm Chủ tịch VFF cũng khó thành công.
Mặt khác, vai trò quản lý về mặt nhà nước đối với VFF phải thực sự chặt chẽ hơn nữa, nếu vẫn như hiện nay thì khá nguy.
Theo tôi, Chủ tịch VFF có thể không có tài năng xuất chúng, nhưng dứt khoát cái tâm phải sáng. Bóng đá ta dù phát triển thế nào, mục đích chính vẫn phải đặt nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân lên hàng đầu.
Nếu Chủ tịch VFF hội đủ hai tiêu chí ấy thì sẽ được việc thôi. Làm với cái tâm sáng, luôn nghĩ đến khán giả thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ, nhà tài trợ sẽ nhiều. Còn nếu lấy tiêu chí Chủ tịch phải có tiền, có khả năng tìm ra tiền mà bản lĩnh cùng cái tâm kém, thì không thể vực dậy nền bóng đá.
Mới đây, ông Trần Anh Tú, thành viên trong Thường trực VFF đăng đàn chỉ trích đích danh ông. Quan điểm của ông thế nào?
- Anh Tú có quyền phát biểu bởi chuyện thành viên VFF phát biểu không tốt về nhau đã là chuyện thường ngày. Vấn đề là anh Tú nói đúng hay sai, mục đích gì.
Những phát biểu của tôi đều rõ ràng, nội dung chuyển tải ý kiến của anh Nguyễn Hồng Thanh và anh Đoàn Nguyên Đức tại một Hội nghị quan trọng, sau đó báo chí lấy lại lời tôi.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Quý (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất