HLV Đặng Phương Nam: 'Việt Nam sẽ chơi phòng ngự phản công với Indonesia'

02/12/2016 15:16 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Cách đây chưa lâu, đội tuyển Việt Nam chơi tấn công trước Indonesia trên sân vận động Mỹ Đình và giành chiến thắng 3-2. Nhưng đó chỉ là một trận giao hữu và chiến thắng đó cùng chưa thực sự thuyết phục. Vậy thì câu hỏi đặt ra trước trận bán kết lượt đi là thầy trò HLV Hữu Thắng có tiếp tục mạo hiểm theo đuổi triết lý kiểm soát bóng tấn công hay sẽ thực dụng hơn để có một kết quả có lợi trước trận lượt về?

Triết lý kiểm soát bóng và tấn công đã có sự điều chỉnh

Chắc hẳn bất cứ ai yêu bóng đá Việt Nam đều nhớ tuyên bố của Hữu Thắng khi anh nhận chức HLV trưởng ĐTQG Việt Nam đó là theo đuổi lối chơi tấn công đậm chất cống hiến dựa trên khả năng kiểm soát bóng nhuần nhuyễn của các cầu thủ. Anh cũng khẳng định lối chơi tấn công của đội tuyển sẽ là những miếng phối hợp ngắn nhỏ hoặc trung bình một cách đa dạng nhờ kỹ thuật khéo léo và tố chất linh hoạt, nhanh nhẹn nổi bật của các cầu thủ Việt Nam.

Nhưng khi bước chân vào một giải đấu chính thức là AFF Suzuki Cup thì chúng ta không còn thấy lối chơi tấn công cống hiến được thể hiện một cách rõ nét nữa. Thay vào đó là lối chơi thận trọng, chắc chắn như trong 2 chiến thắng quan trọng trước Myanmar và Malaisia. Không còn nhiều những pha bật nhả 1 chạm tốc độ, linh hoạt, biến hóa nhưng khá mạo hiểm nữa mà thay vào đó là những pha chuyền bóng nhanh lên phía trước cho Công Vinh, Văn Quyết tự xoay sở hay những pha chuyền dài mở cánh của Xuân Trường ra biên cho Văn Toàn, Trọng Hoàng, Thanh Trung đột phá và tạt bóng.

Lối chơi này không đẹp mắt, cũng không gây được quá nhiều áp lực lên đối phương, nhưng thỉnh thoảng cũng đạt được hiệu quả tối đa nhờ kỹ năng đặc biệt của các cầu thủ. Chẳng hạn pha chọc khe chuẩn xác của Trường cho Văn Quyết trong bàn mở tỷ số hay bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 vào lưới Myanmar đến từ đường chuyền dài hơn 30m của Xuân Trường và tình huống khống chế tạt bóng hoàn hảo của Trọng Hoàng cho Công Vinh đệm bóng tinh tế ghi bàn.

Nhìn lại 5 bàn thắng Việt Nam có được từ vòng bảng thì đều có một điểm chung là nhanh về phía trước một cách đơn giản, đúng nhịp và cực kỳ chính xác. Một điểm tiến bộ nữa là khả năng quan sát, hiểu ý nhau hay liên hệ qua những ánh mắt giữa các cầu thủ được cải thiện một cách đáng kể. Nó thể hiện qua những tình huống Quyết chạy trước khi Trường chọc khe, Công Vinh chạy cắt mặt lướt qua hậu vệ để nhận đường tạt bóng thuận lợi ngay trước mặt, Trường nhả vửa tầm để Trọng Hoàng quặt trôi hậu vệ rồi dứt điểm.

Ngay cả bàn đá phản của Cambodia cũng là một đường chuyền trực diện nhanh ở trung lộ và với sự uy hiếp của Vinh, hậu vệ đối phương luống cuống xử lý hỏng. Nó cho thấy đội tuyển Việt Nam đang hướng đến lối đá tấn công trực diện, nhanh và đơn giản nhất đến cầu môn đối phương chứ không cố kiểm soát bóng thật nhiều nhưng đôi khi không hiệu quả.

Công Vinh – Solossa: Hai đầu tàu, hai đội trưởng, hai ngã rẽ

Công Vinh – Solossa: Hai đầu tàu, hai đội trưởng, hai ngã rẽ

Lê Công Vinh và Boaz Solossa là đội trưởng, tiền đạo chủ lực của Việt Nam và Indonesia. Sinh cùng thời, cùng ra mắt bóng đá khu vực từ Tiger Cup 2004, nhưng sự nghiệp của Công Vinh và Solossa là cả một quãng khác biệt.


Đội tuyển Việt Nam sẽ chơi phòng ngự- phản công.

Với những gì đã phân tích thì theo quan điểm cá nhân tôi, đội tuyển VN sẽ chơi phòng ngự - phản công trên sân của Indo vì một số lý do sau:

Indo với sức ép của khán giả nhà, của lịch thi đấu bất lợi ( đá trận lượt về trên sân VN) sẽ phải chủ động dâng cao tấn công để tìm kiếm một kết quả có lợi trước khi hành quân sang Việt Nam để chuẩn bị cho trận lượt về. Đã từng thi đấu trực tiếp với Indo trên sân khách, tôi hiểu rõ hơn ai hết cái không khí rực lửa trên khắp các khán đài và với các khán giả cuồng nhiệt đến mức quá khích thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận đội bóng của mình thi đấu cầm chừng trên sân nhà. Indo sẽ tấn công, tấn công một cách mạnh mẽ. Việc Indo mất 2 trụ cột Fachrudin Aryanto và Rudolof  Basna cũng sẽ càng thôi thúc HLV A. Rield phải mạo hiểm dâng cao đội hình để lấy công bù thủ.

Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam dù mất Đình Luật nhưng vẫn còn đó những Tiến Dũng, Tiến Thành có thể thay thế xứng đáng. Quan trọng hơn, HLV Hữu Thắng đang xây dựng một hệ thống phòng ngự toàn đội với những nhân tố đầu tiên chính là các tiền đạo. Bàn thắng của Văn Quyết có công rất lớn của Công Vinh khi anh nỗ lực tranh bóng với hậu vệ Myanmar để Thanh Trung có cơ hội giành bóng chuyền nhanh cho Xuân Trường kiến tạo. Chính việc tổ chức tranh chấp quyết liệt và phòng ngự từ xa ấy không những giúp tuyến dưới giảm bớt áp lực mà còn tạo rất nhiều cơ hội cho các cầu thủ tiền đạo tấn công trực diện nếu như họ gây sức ép và giành được bóng ngay trên phần sân đối phương.

Và nếu Indo gây sức ép một cách mạnh mẽ khiến Việt Nam lùi sâu về phần sân nhà thì chúng ta vẫn còn những vũ khí đặc biệt trong nhưng pha phản công. Đó là nhãn quan chiến thuật, tầm nhìn rất rộng, kỹ năng chuyền dài cực kỳ chính xác của Xuân Trường và khả năng di chuyển thông minh của Công Vinh, sự tinh quái khôn khéo khi chọn vị trí và xử lý bóng của Văn Quyết, tốc độ của Văn Toàn hay sức mạnh, sự càn lướt của Trọng Hoàng. Quan trọng hơn, khi theo dõi đội tuyển thi đấu trong thời gian gần đây tôi nhận thấy các cầu thủ cải thiện đáng kể khả năng chuyển trạng thái, đặc biệt là từ phòng ngự chuyển sang tấn công.

Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar đã vào Bán kết AFF Suzuki Cup thế nào?

Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar đã vào Bán kết AFF Suzuki Cup thế nào?

Với thành tích toàn thắng ở vòng bảng, Việt Nam và Thái Lan được đánh giá rất cao nhưng Indonesia và Myanmar sẽ cho thấy vì sao họ xứng đáng với tấm vé vào Bán kết AFF Cup có được.


Nhưng, vẫn chưa đủ

Tôi tin, nếu chơi phòng ngự - phản công thì đội tuyển Việt Nam sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Indonesia, thậm chí chúng ta có thể nghĩ đến một chiến thắng ngay trên sân khách. Nhưng cho dù thầy trò HLV Hữu Thắng có thể chơi phòng ngự một cách chủ động thì cũng cần có vài điểm cần lưu ý:

1.Năng lực phòng ngự cá nhân cần được cải thiện. Phong độ của Tiến Dũng hay Tiến Thành vẫn là một điều bí ẩn, tình trạng sức khỏe của Đình Đồng cũng chưa chưa có tín hiệu rõ ràng. Đây là những yếu tố rất quan trọng bởi ai cũng biết những bàn thua của đội tuyển hầu hết đến từ những sai sót cá nhân.

2.Khả năng phòng ngự từ xa cần được cải thiện, 2 bàn thua đều đến từ những cú sút xa cho thấy các tiền vệ trung tâm chưa thực sự hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn hay gây áp lực lên các cầu thủ sút bóng. Trong 2 tình huống đó, đối phương đều ra chân hết sức thoải mái. Mối quan hệ và sự phối hợp giữa 2 tiền vệ trung tâm và 2 trung vệ cũng cần phải chặt chẽ hơn. Nếu mỗi tình huống đối phương chuyền xuyên tuyến lên cho tiền đạo mà 2 tiền vệ trung tâm nhanh chóng quay về hỗ trợ thì không những họ có thể hỗ trợ phòng ngự trước mặt 2 trung vệ mà còn có cơ hội rất lớn để giành bóng phản công.

3.Đội hình cần có sự cân bằng hơn, lưu ý những tình huống chống phản công, đặc biệt là sau quả phạt. Trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Indo ghi 2 bàn vào lưới chúng ta đều từ những tình huống phản công. Đó không hẳn là lỗi của hàng phòng ngự mà sâu xa là thái độ sẵn sàng phòng ngự của một số cầu thủ khi đội tuyển của chúng ta đang tấn công. Đó có thể là những hậu vệ, những tiền vệ trung tâm. Họ cần phải chọn vị trí tốt để vừa có thể hỗ trợ tấn công, vừa sẵn sàng can thiệp để trì hoãn đối phương hoặc gây áp lực nhanh để giành bóng nếu không may chúng ta mất bóng.

Tóm lại, chủ động chặt chẽ đồng bộ trong phòng ngự, chuyển trạng thái nhanh, chính xác linh hoạt tốc độ khi phản công thì chắc chắn đội tuyển Việt Nam sẽ giành được kết quả có lợi ngay trên đất Indonesia.

 

HLV Đặng Phương Nam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm