21/06/2017 06:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Xoay quanh câu chuyện giữa phóng viên thể thao với những người làm thể thao, HLV Hoàng Anh Tuấn có sự nhìn nhận ấn tượng về mối quan hệ tương hỗ này. Cùng Thể thao & Văn hóa, người đưa bóng đá Việt Nam đến với World Cup có những tâm tư nhân ngày vui của anh chị em phóng viên.
Nghề phóng viên thể thao không phải đơn giản
* Là người tiếp xúc nhiều với anh em phóng viên thể thao, ông có quan điểm gì về nghề này?
- Các anh chị em phóng viên thể thao đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề truyền tải thông tin đến độc giả, người xem. Dưới góc độ nghề nghiệp, phóng viên thể thao không phải là nghề đơn giản vì phải trải qua cả quá trình làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các anh chị em làm việc rất vất vả, có nhiều đóng góp giá trị nên cũng cần được tôn vinh. Mọi người phải có tinh thần thép mới hoàn thành tốt công việc của mình.
* Với cá nhân, ông nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa nghề phóng viên với các đội bóng, với HLV cũng như cầu thủ?
- Tôi quan sát thấy một vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa anh chị em phóng viên với các đội bóng, HLV cũng như cầu thủ được xích lại gần nhau hơn. Họ thường xuyên trao đổi, qua lại với nhau. Từ mối quan hệ tốt đẹp đó thì có những việc làm, hành động đóng góp cho cầu thủ, HLV và đội bóng tốt hơn.
Đương nhiên không phải tất cả đều hoàn hảo. Một số phóng viên rất non nhưng đại đa số các phóng viên làm việc rất tốt. Có sự chuẩn bị, tư duy. Thông qua giải đấu lớn như U20 World Cup vừa rồi, sự ảnh hưởng, tầm quan trọng của anh chị em phóng viên rất là đáng ghi nhận.
* Tình cảm của giới phóng viên thể thao với ông ra sao?
- Tôi có thể cảm nhận nhiều anh chị em phóng viên có những tình cảm tốt đẹp cho mình. Đó là hành động gián tiếp, sự ghi nhận những gì mình đã làm. Những bài viết, bức ảnh trong quá trình tập luyện, thi đấu ghi nhận tất cả công việc mình làm. Tôi rất cảm ơn anh chị em phóng viên đã ủng hộ trong suốt quá trình dài.
Sự thành công của một đội bóng có sự giúp sức từ anh chị em phóng viên. Ngoài việc truyền tải thông tin đến độc giả, người xem thì họ cũng có những bài viết động viên. Đó là niềm khích lệ với những người làm bóng đá như chúng tôi.
Phóng viên nước ngoài chuyên nghiệp hơn
* Ở U20 World Cup vừa rồi, đông đảo giới truyền thông sát cánh cùng đội bóng. Chắc hẳn, trong muôn vàn câu chuyện giữa ông với cánh phóng viên, sẽ có câu chuyện khiến ông tâm đắc?
- Có những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất thú vị, đáng nhớ. Chẳng hạn như quá trình đi World Cup thì không chỉ riêng đội ngũ phóng viên Việt Nam mà cả nước ngoài không được đến gần chỗ đội tuyển tập. Họ được đến sân tập nhưng đứng rất xa. Trong số đó có rất nhiều phóng viên Việt Nam. Đó là hình ảnh mà tôi thấy mình phải suy nghĩ. Tôi đã tự vấn rất nhiều. Và những lần sau này, trong buổi tập của U20 Việt Nam, tôi đều mở cửa để báo chí tác nghiệp tự do.
Tôi luôn quan điểm, mình chẳng có việc gì phải giấu diếm cả. Một số những vấn đề thuộc về nội bộ hoặc vấn đề công tác chuẩn bị cho trận đấu cần được giữ kín còn tất cả mọi thứ thì nên cởi mở. Báo chí cần nên biết. Báo chí biết thì độc giả, người xem mới biết được cầu thủ, Ban Huấn luyện, đội bóng. Tôi nghĩ những thông tin đó độc giả, người xem rất mong chờ. Tại sao mình lại không để anh chị em phóng viên thực hiện nhiệm vụ của họ.
Đương nhiên, tôi cũng nhắc lại là trong một chừng mực nào đó thì cũng cần giữ kín. Đó là nguyên tắc nghề nghiệp. Những vấn đề quan trọng nên để anh chị em phóng viên tiếp xúc để người hâm mộ nắm bắt được thông tin từ đội bóng.
* Là người đi nhiều, ông thấy phóng viên nước ngoài như thế nào?
- Chỉ có ấn tượng là họ làm việc rất chuyên nghiệp. Chẳng hạn họ chuẩn bị phỏng vấn với mình thì họ không phải đặt câu hỏi ngay lúc đó mà họ chuẩn bị từ ngày trước cơ. Họ có một nền tảng chuẩn bị sẵn nên những câu hỏi thường không bị thừa, lặp lại những câu hỏi từ phóng viên khác. Đó là sự khác biệt với phóng viên trong nước. Một số phỏng vấn từ FOXSport, Đài truyền hình Hàn Quốc KBS hay Đài truyền hình Trung Quốc khi mình qua Vũ Hán, họ đặt lịch rồi có kịch bản rất rõ ràng, câu hỏi rất cụ thể nên khi trả lời không cảm thấy câu hỏi bị thừa. Tôi đã từng có những cuộc phỏng vấn như thế.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Trần Khánh (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất