15/07/2021 05:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Bóng đá Việt Nam có sự thăng tiến vượt bậc trong thời gian qua. Nền tảng cho sự phát triển đó, không đâu khác, chính là cách nhìn nhận, cách làm và tư duy khác hẳn từ công tác đào tạo trẻ.
Năm 2017, bóng đá Việt Nam lún sâu với thất bại ở SEA Games 29. Thời điểm đó, bầu Đức hoạch định rằng, lứa Công Phượng sẽ giành HCV ở kỳ SEA Games này. Nhưng, bóng đá Việt Nam tiếp tục bị phủ lên bóng mây khi bị loại ngay vòng bảng.
Một chuỗi ngày tháng dài chìm trong bóng tối dù sở hữu lứa cầu thủ tài năng, chỉ mới vài tháng trước đã hiên ngang trên đấu trường World Cup cho lứa U20. Công bằng để đánh giá, thành công của U20 Việt Nam thời điểm đó chỉ là đốm sáng bởi các cấp độ từ U23 đến ĐTQG đều liên tục trắng tay.
Tất nhiên, để hái được quả ngọt, chúng ta cần sự đánh giá, nhìn nhận suốt chiều dài thời gian và sự chung tay của cả cộng đồng. Thời điểm đó, tư duy, cách làm bóng đá còn nặng về sự cổ hũ. Bầu Đức phất cờ với việc thành lập Học viện HAGL JMG mang đến luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam. Nhưng, một cây không thể “nên non”. Bóng đá trẻ thời điểm đó và những năm về trước nặng thành tích.
Các trung tâm bóng đá trẻ ở địa phương thiếu sự đột phá về tư duy. Cách làm dựa trên nền tảng kinh nghiệm, lấy giáo án từ năm này qua năm khác vô hình trung đã kìm hãm sự phát triển. Khi bóng đá đòi hỏi sự vận động, thích nghi theo tiến trình phát triển của bóng đá thế giới thì cách làm đó đã quá lỗi thời.
Nhiều HLV đã quá nhẵn mặt ở các đội trẻ. Và thực tế, đâu đó, ở nhiều nơi, để làm trẻ cũng phải có “dây”. Chính mối quan hệ chằng chéo này dẫn đến hệ lụy cứ đào tạo theo kinh nghiệm, cứ có quan hệ là có chỗ ở các đội trẻ. Thế nên, khi các trung tâm có yếu tố doanh nghiệp nhảy vào, các trung tâm ăn theo ngân sách địa phương mất hút, thành tích cứ thế thụt lùi.
Đó là bức tranh mang tính toàn cảnh của bóng đá trẻ Việt Nam trước đây. Nhưng rồi, khi tiến trình bóng đá thế giới phát triển theo công nghệ, tất cả đều phải vận động. Các ông chủ không ngần ngại bỏ ra kinh phí lớn để đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, từ cơ sở vật chất đến tạo điều kiện để các HLV theo học những lớp hiện đại.
Bản thân các HLV phải tự cập nhật công nghệ mới, phong cách mới và tư duy đổi mới để theo kịp thời đại. Không chỉ mỗi HAGL, bóng đá Việt Nam còn nở rộ các trung tâm đào tạo trẻ danh tiếng khác. Họ cùng nhau tạo nền tảng để đội tuyển quốc gia có chân đế phát triển.
Không phải ngẫu nhiên mà HLV Park Hang Seo thành công cùng bóng đá Việt Nam. Viên gạch đầu tiên chính là từ giải trẻ ở vòng chung kết U23 châu Á 2018. Đó là nền móng để nhà cầm quân người Hàn Quốc xây dựng nên bộ khung cho các đội tuyển quốc gia. Từ đó, mỗi giải đấu, với lứa cầu thủ trẻ trưởng thành từ nhiều lò đào tạo trong cả nước, HLV Park Hang Seo mang đến thành công sáng chói cho bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, cũng cần có cái nhìn thực tế, họ thăng hoa ở các đội tuyển quốc gia nhưng khi trở lại với nền móng V-League, không phải ai cũng là chính mình. Phong độ phập phù, thậm chí là tụt dốc thời gian dài cũng như sự phức tạp từ V-League đã ảnh hưởng phần nào đến phong độ của các cầu thủ.
Ngoài ra, các giải trẻ liên tiếp rúng động bởi tiêu cực từ cá độ khiến môi trường bóng đá vừa mới được làm trong sạch nay lại vấy bẩn bùn đen. Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã cố gắng tạo ra nhiều sân chơi hơn bằng cách duy trì các giải trong hệ thống từ đội 1 đến các lứa U và tổ chức thêm Cúp Quốc gia ở giải trẻ. Song, mấu chốt vẫn nằm ở sự chuyên nghiệp của các giải đấu, trong đó quan trọng nhất là V-League. Ở đó, VFF, VPF tạo môi trường sạch, các CLB sẵn sàng tin dùng cầu thủ trẻ, ắt hẳn, bóng đá Việt Nam sẽ có chân đế để phát triển bền vững hơn nữa.
Gia Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất