Kiếm tiền từ bóng đá Việt Nam

12/12/2017 12:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - 'Doanh thu của ĐKVĐ Thai League 2017 hơn cả 1 nhiệm kỳ 3 năm VPF'!

Thông tin trên mặt báo sáng khiến cốc cafe như đắng hơn! Vẫn biết người Thái Lan hơn nhiều mặt, nhưng khi mà người láng giềng khu vực này không chỉ hơn trên mọi sân cỏ mà còn vượt xa cả chuyện kiếm tiền từ bóng đá, thì e là còn lâu chúng ta mới mong đuổi kịp họ.

Theo như thông tin trên, chỉ tính riêng năm 2017, CLB Buriram United đã đạt doanh thu 600 triệu baht, xấp xỉ 417 tỷ đồng. Trong đó, tiền thưởng từ chức vô địch Toyota Thai League chỉ là 10 triệu baht, số còn lại đều từ doanh thu (240 triệu baht); hoạt động marketing (114 triệu baht), tiền bản quyền truyền hình (84 triệu baht) và bán vé (32 triệu baht). Đó là chưa kể đội bóng còn tiền từ... 23 nhà tài trợ!

Làm phép so sánh ngược với VFP - đơn vị tổ chức quản lý, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam không khó để thấy rõ, sự chênh lệch là đáng kể. Đặt ra mục tiêu doanh thu trong nhiệm kỳ 2 giai đoạn 2014-2017 là 429 tỉ đồng, VPF dù đã nỗ lực, nhưng cũng chỉ đạt 92% kế hoạch với 397 tỉ đồng. Mức chi đặt ra là 421 tỉ cũng chỉ chi được 397 tỉ.

Không nói đến khoản chi, chỉ ở mức thu thôi, 3 năm của VPF còn thua xa đội bóng Thái. Đó là VPF, đơn vị tổ chức giải còn thế, nói gì đến các CLB trong nước nếu mang ra để so sánh!

Tất nhiên, mọi so sánh trong bóng đá chỉ đều mang tính tương đối. Bóng đá Việt - Bóng đá Thái và V-League - Thai League (dù cùng gắn tên nhà tài trợ Toyota), nhưng có rất nhiều khác biệt. Như đã nhắc, bóng đá ta còn phải... học dài dài mới hy vọng đuổi kịp người Thái cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Chỉ có điều, từ con số so sánh chênh lệch ấy, câu chuyện cũ - Kiếm tiền từ bóng đá lại thêm lần nữa nóng. Đã 18 năm khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tròn chữ chuyên theo đúng mô hình doanh nghiệp, mà ở đó lợi nhuận là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển.

Không phủ nhận bóng đá là môn thể thao có mức độ xã hội hóa cao nhất hiện nay với trào lưu doanh nghiệp hóa. Nhưng đó không phải là thứ bóng đá chuyên nghiệp khi tất cả các đội bóng hiện tại đều phải "hít thở" qua hầu bao của các ông bầu, tiền tài trợ, thậm chí cả ngân sách địa phương... mà chưa CLB nào đủ sức kiếm tiền chỉ để nuôi sống chính mình, chứ nói gì đến chuyện có lãi, kiếm thêm.

Tiền bán vé, bản quyền truyền hình (được chia), kể cả một vài CLB cũng bắt đầu xúc tiến hoạt động marketing, kinh doanh... chả thấm tháp vào đâu so với số kinh phí cỡ cả trăm tỉ đề duy trì hoạt động 1 mùa.

Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'

Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'

Thông điệp tìm người thay thế ông Lê Hùng Dũng ở vị trí Chủ tịch đã được phát đi trước khi Đại hội thường niên VFF năm 2017 diễn ra. Tuy nhiên, vẫn chưa xuất hiện một ứng viên cụ thể nào cho vị trí quyền lực nhất tại Liên đoàn...

Theo kế hoạch dự kiến, sang tuần tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 4 năm triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với nhiều thành phần tham dự, từ các cấp quản lý nhà nước, chuyên môn, đến các CLB và cả các chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Có thể đây chưa phải một hội nghị kiểu "Diên Hồng" như được nhắc đến trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng với rất nhiều mục tiêu quan trọng mà Chiến lược đã đặt ra, đòi hỏi có sự đánh giá nghiêm túc. Và chắc chắn chuyện kiếm tiền từ bóng đá cũng là 1 điểm nóng của hội nghị này, nếu bóng đá Việt Nam muốn thực sự là chuyên nghiệp. Bởi bóng đá chuyên nghiệp xét cho cùng là thứ bóng đá tự nuôi sống được chính mình mà thôi.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm