26/04/2017 13:01 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Công Phượng, Anh Đức, Quang Hải,… đem tới luồng gió mới ở lượt đi. FLC Thanh Hóa xác lập chuỗi 9 trận bất bại liên tiếp. Lượt đi V-League 2017 không đến nỗi tệ về chuyên môn nhưng tại sao vẫn bị dư luận chê tơi bời?
1. Nội binh đang dần vượt qua cái bóng của ngoại binh
Trước tiên hãy đến với điểm tích cực tại lượt đi, hãy tự đặt câu hỏi về những cái tên nào xuất sắc nhất lượt đi V-League 2017? Đó là Anh Đức, đội trưởng B.Bình Dương, vua phá lưới lượt đi, ghi 8/14 bàn thắng cho đội bóng đất Thủ, chiếm hơn 50%. Không có Anh Đức, có lẽ B.Bình Dương chỉ có số điểm ngang với XSKT Cần Thơ ở thời điểm hiện tại.
Ở tuổi 31, Anh Đức vẫn là đầu tàu, kéo một B.Bình Dương đã sa sút thảm hại từ mùa giải năm ngoái vẫn còn trụ lại tại V-League. Cũng là đội trưởng, Vũ Minh Tuấn ghi 6 bàn trong 800 phút thi đấu, chưa bao giờ là nỗi thất vọng ở đất mỏ.
Công Phượng thì để lại dấu giày trong 9/14 bàn thắng cho HAGL (nhiều nhất tại V-League). Cả mùa V-League 2015, Phượng chỉ ghi 6 bàn, con số ấy có đủ nói lên sự tiến bộ của cầu thủ sinh năm 1995?
Quốc Chí, Quang Hải thì đem tới một luồng gió mới tại V-League. Quốc Chí đóng góp cực kỳ quan trọng vào thành tích xếp thứ 3 của Sanna Khánh Hòa BVN, có cùng 23 điểm với Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa. Trong khi đó, Quang Hải ghi 4 bàn thắng, tất cả đều là siêu phẩm, đồng thời, thực hiện 2 pha kiến tạo cho đồng đội ở Hà Nội FC. Ở một cầu thủ mới 20 tuổi, chừng ấy thôi là đủ và chẳng cần đòi hỏi gì hơn.
Siêu phẩm của Quang Hải, bàn thắng đầu tiên tại V-League 2017. Nguồn: VTV
Trừ Anh Đức, 4 cái tên còn lại đều còn trẻ, đại diện cho một thế hệ nội binh mới tại V-League. Số bàn thắng, kiến tạo họ thực hiện được còn nhiều hơn đa số ngoại binh là tiền đạo, tiền vệ đang thi đấu tại V-League. Ở một chừng mực nào đó, các nội binh đang dần vượt qua cái bóng của những đồng đội ngoại quốc.
2. Chuỗi trận đối nghịch giữa FLC Thanh Hóa và Long An
FLC Thanh Hóa bất bại 9 trận liên tiếp đầu mùa, con số ấy có thể còn lớn hơn nếu như họ không sảy chân đáng tiếc trước Hà Nội FC ở vòng 10. Lý giải cho sự đổi thay ấy nằm ở tân HLV kỳ cựu Ljupko Petrovic và lối chơi phòng ngự chặt chẽ được nhà cầm quân từng vô địch Cúp C1 châu Âu áp dụng.
FLC Thanh Hóa chỉ thủng lưới 4 bàn/9 trận đầu tiên. 3 trận tiếp theo, họ thua 5 bàn trong đó có 2 trận không được ông Petrovic chỉ đạo trực tiếp do án treo giò từ VFF. Thế nhưng, FLC Thanh Hóa vẫn trở thành đội bóng có hàng thủ vững chắc nhất V-League sau lượt đi và quan trọng hơn, người hâm mộ nhận thấy giá trị từ một chiến lược gia tầm cỡ như Petrovic.
Trái ngược với FLC Thanh Hóa, Long An tạo nên kỷ lục khó quên nhất lịch sử V-League khi để thua 10 trận liên tiếp từ vòng 3 đến vòng 12. FLC Thanh Hóa và Long An vì thế là hai thái cực đối lập hoàn toàn. Thế nhưng, Long An ra nông nỗi như vậy phải nhắc tới trận đấu với TPHCM tại vòng 6. Ngày 19/2 và biến cố tại SVĐ Thống Nhất.
3. Sự cố đáng quên mang tên Long An
Ngày 19/2, Long An thảm bại 2-5 trước chủ nhà TPHCM. Thế nhưng, không ai nhớ mấy đến kết quả, thứ khiến người hâm mộ bàn tán cả tuần sau đó, thậm chí cả năm là phản ứng thiếu chuyên nghiệp của toàn đội Long An.
Phản ứng quyết định thổi phạt đền thứ hai của trọng tài Trọng Thư, toàn bộ BHL, cầu thủ Long An đình công ngay tại sân Thống Nhất. Họ không đá bóng nữa và để các cầu thủ TPHCM ghi thêm 3 bàn thắng. Hành động xấu nhất thuộc về thủ thành Minh Nhựt. Anh phản ứng trọng tài bằng cách quay lưng, không bắt cú đá luân lưu của Victor.
Pha quay lưng không bắt penalty của thủ môn Minh Nhựt là hành động đáng quên nhất tại lượt đi V-League 2017. Nguồn: VPF Media.
Nếu ở Việt Nam cũng có giải “Thùng rác vàng” như ở Italia, Minh Nhựt chắc chắn sẽ được trao. Thế nhưng, sự việc còn nặng nề hơn thế. Chủ tịch Võ Thành Nhiệm và HLV trưởng Ngô Quang Sang bị cấm tham gia hoạt động bóng đá 3 năm. Con số đó với đội trưởng Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt là 2 năm.
Một trong những án kỷ luật bóng đá lớn nhất từng được công bố ở Việt Nam khiến CLB Long An chìm sâu, còn niềm tin với bóng đá Việt Namvốn đã ít của người hâm mộ lại ngày càng ít hơn.
4. “Điểm nóng” trọng tài
Sự cố Long An đến từ một sự bất mãn quen thuộc với trọng tài. Trọng tài Việt Nam tại V-League 2017 một lần nữa trở thành cái cớ để đổ lỗi cho thất bại. Có trường hợp trọng tài sai, có trường hợp trọng tài quyết định đúng, nhưng tựu chung thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện tại là việc nhiều đội bóng không còn tin trọng tài, người hâm mộ cũng vậy.
Vòng 1, trọng tài Nguyễn Đức Vũ bỏ qua tình huống Jardel bị Văn Kiên kéo ngã trong trận Hà Nội FC 3-2 Than Quảng Ninh. Vòng 2, trọng tài Hiền Triết giơ bảng bù giờ hai lần trong trận Long An 1-1 Bình Dương. Vòng 10, trọng tài Nguyễn Hiền Triết bị tố đưa ra những quyết định bất lợi cho FLC Thanh Hóa trong trận thua 1-2 trước Hà Nội FC. Hai vòng sau, trọng tài Trần Xuân Nguyện bị tố đưa ra những quyết định bất lợi cho HAGL trong trận thua 2-3 trước FLC Thanh Hóa.
Sau khi mổ băng, trong tài Triết có lý trong tình huống không công nhận bàn thắng của FLC Thanh Hóa. Ông Nguyện đúng khi phạt thẻ vàng A Hoàng hay từ chối bàn thắng của HAGL. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ dư luận vẫn phủ nhận điều đó. Niềm tin với trọng tài vì thế là bài toán quá khó với những nhà tổ chức, nhưng vẫn luôn phải cải thiện.
Trọng tài tại V-League sẽ làm tốt ở giai đoạn lượt về, nếu không chỉ cần một vài tình huống tranh cãi thôi cũng đủ thổi bùng ngọn lửa bất mãn trong vô thức đã cháy âm ỉ từ rất lâu rồi.
5. Sự mặn mà của khán giả:
Bức ảnh phía dưới là thống kê của VPF về lượng khán giả sau lượt đi từ V-League 2014 đến V-League 2017. Số lượng khán giả vốn dĩ đã không nhiều nhưng năm nay nó còn xuống đáy của hình sin.
Hơn 500.000 khán giả trong gần 90 trận đấu là con số thấp nhất nếu so sánh với 3 năm trước. V-League sự thật đang hấp dẫn hơn khi nhìn vào những kỷ lục bị xô đổ, những cái tên đang tỏa sáng. Thế nhưng, khán giả vẫn giảm sút rất nhiều, mà khán giả phần nào là thước đo cho sự hấp dẫn của một giải đấu.
Hiếu Lương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất