'Siêu cò' Trần Tiến Đại: 'Tiền không thể là thước đo phẩm giá con người'

13/03/2015 15:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - “Bóng đá ngoài chuyện kinh doanh, thương mại, thì còn có nghĩa vụ đem lại niềm vui cho tất cả mọi người, từ các cấp lãnh đạo, đến ông chủ và đặc biệt là CĐV. Nếu đội bóng có thành tích tốt thì muốn gì cũng được, nhưng khi không như mong muốn, mọi thứ dễ đổ vỡ lắm. Thế nên, làm bóng đá đừng quá hoan hỉ với thành công bước đầu, bởi ai biết đâu ngày sau. Mới hôm qua, XMXT.Sài Gòn từng mang đến những ngày vui ở sân Thống Nhất đấy thôi…”, bên tách café, cựu GĐĐH XMXT.Sài Gòn Trần Tiến Đại, nhân vật từng được mệnh danh là “siêu cò”, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.

Ông Đại nói thêm: “Khi mình chỉ chú tâm vào công việc chuyên môn, thành công chẳng ai nói làm gì. Nhưng khi ra lĩnh vực tay trái và bứt phá, sẽ có nhiều kèn cựa, sân si, từ chính những đồng nghiệp, bằng hữu, những người từng bên cạnh mình trước đó. Tôi quyết định dừng lại vì không thể chịu thêm điều tiếng nữa”.

* Có câu “sinh nghề tử nghiệp”. Ông từ bỏ môi trường làm việc từng giúp mình rất thành công, thậm chí là triệu phú đô la, chỉ mang tính thời điểm chứ không phải mãi mãi?

- Cách đây không lâu, bầu Thuỵ (Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành, ông chủ của XMXT.Sài Gòn – PV) có ý định mời tôi ra Ninh Bình để tiếp tục với bóng đá, sau khi bầu Trường (ông Hoàng Mạnh Trường – PV) giải thể V.Ninh Bình.

Chỉ cần tôi gật đầu, anh Thuỵ sẽ lại song hành ngay. Nói thế không phải để thanh minh về mối quan hệ giữa tôi và anh ấy vẫn rất tốt đẹp, không như đồn đại. Thuỵ trẻ tuổi, nhưng rất thông minh, thậm chí là thông minh hơn tôi nhiều bậc.

Đó là một phần lý do khiến tôi không dám đụng tới một cắc bạc nào trong thời gian làm việc với anh ấy, dù anh ấy có đề nghị về 5 hay 10% bản hợp đồng mà cầu thủ “lại quả”. Phần lý do còn lại là do sự thay đổi về công việc và con người tôi.

Một thời gian dài, tôi đã rất đau khi ước nguyện đóng góp cho bóng đá TP.HCM không trọn vẹn, sau việc XMXT.Sài Gòn giải thể. Nhưng, tôi chỉ tự trách mình, vì có thể tài năng có hạn. Việc gắn bó quá lâu với một ông chủ trẻ tuổi không phải lúc nào cũng tốt, vì nó hạn chế tầm nhìn và cả những va đập, kiến thức. Tôi tự thấy phải dừng lại.

* Ông chỉ thôi không làm bóng đá ở Việt Nam, chứ vẫn là nhà môi giới có số má ở Trung Đông và lục địa đen?

- Tôi vẫn giữ lại tất cả các mối quan hệ và công việc của mình với đội ngũ cầu thủ ở thị trường Trung Đông, cụ thể là ở Dubai (UAE – PV). Nhưng công việc chủ yếu của tôi lúc này là thương mại, thiết kế, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng vải jeans, giầy dép…

Đây là một lĩnh vực mới hoàn toàn và bạn phải thực sự hiểu thị trường mình nhắm đến. Ở châu Phi, rất nhiều ca sỹ nổi tiếng sẵn sàng quảng cáo miễn phí cho các mẫu thiết kế quần jeans lạ lẫm của tôi. Nó bắt đầu từ một ý tưởng điên rồ, khi chúng tôi ném mấy miếng vải jeans vào chuồng sư tử đói để chúng cắn ngấu nghiến, sau đó đổi lại bằng miếng thịt để lấy miếng vải ra làm mẫu thiết kế.

Cuộc sống và những ý tưởng đôi khi xuất hiện lạ lẫm thế đấy. Nói chung, bạn khó có thể đoán trước được điều gì sẽ đến. Trong tiềm thức, tôi không nghĩ có một ngày sẽ phải đoạn tuyệt với bóng đá, niềm đam mê lớn nhất đời mình. Mặc dù vậy, tôi nhận được nhiều sự chia sẻ.

* Những chia sẻ ấy hẳn phải là từ các mối quan hệ mà ông từng giúp đỡ họ? Cổ nhân có câu, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, song ông dường như có khả năng thiên biến vạn hoá, có thể “đá” rất nhiều sân và đều thành công nhỉ?

- Một câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với anh như thế này. Ngay trước giờ bóng lăn trận đấu giữa Hà Nội.T&T và XMXT.Sài Gòn, trung vệ đội trưởng Cristiano Roland chạy từ trong sân ra đường piste bắt tay với tôi rất thân tình, ngay trước mặt bầu Hiển, một người mà tôi cũng rất quý trọng. Ngày anh ấy quyết định chia tay sân cỏ, chúng tôi cũng nói chuyện với nhau.

Rồi Phước Tứ, Minh Đức, Kesley Huỳnh Alves hay Nguyễn Rogerio… luôn dành cho tôi sự tôn trọng. Một trường hợp khác là Chủ tịch Nguyễn Minh Sơn của B.Bình Dương cũng từng nói ông ấy không quan tâm đến thiên hạ bàn tán gì về tôi, mà thực sự rất quý tôi. Mỗi người một việc và như tôi với anh chẳng hạn, dù anh từng viết rất nhiều bài phản biện, không mấy có lợi nhưng tôi luôn tôn trọng anh (cười).

Tôi là người biết lắng nghe và ham học. Tuy nhiên, thành công không đến một cách dễ dàng. Ví như trước khi tôi “cầm” XMXT.Sài Gòn với tư cách HLV và giúp đội bóng đoạt chức vô địch Cúp QG 2012, khi trước đó tôi chỉ làm điều hành, tôi đã phải mày mò đọc, rồi học rất nhiều về bóng đá, về chiến thuật. Tôi không dám nhận mình thông minh hơn người, nhưng sự nhanh nhạy thì tôi có một chút.

* Kể từ khi chia tay bóng đá quốc nội, ông có còn đọc và nghe ngóng thông tin về các giải đấu, cũng như các biến cố của nó không? Gần đây, có sự việc các quan chức bóng đá ở Lâm Đồng và Kiên Giang liên quan đến tiền bẩn từ bóng đá?

- Tôi có đọc trên mạng và cũng biết đôi chút, nhưng đó không phải là việc của mình. Bóng đá Việt Nam không giống như môi trường nước ngoài, nơi mà những ràng buộc pháp lý bằng văn bản quyết định tất cả. Ở nước ngoài, họ cũng chẳng muốn lôi nhau ra toà, vì thế nên mọi thứ rất rõ ràng, minh bạch.

Còn bóng đá ta thì khác, nói luôn dễ, nên người ta thường thích nói nhiều, chỉ là làm và thành công cực khó. Khi qua giúp việc cho VPF, ông Tanabe cũng từng giữ ước nguyện giúp bóng đá Việt Nam và cụ thể là các giải bóng đá chuyên nghiệp QG phát triển, nâng tầm, nhưng cuối cùng cuộc bể dâu vẫn diễn ra. Ông Tanabe đã mất, nhưng chúng ta phải trân trọng những ý kiến đóng góp của ông ấy.

Tri thức và tư cách là điều quan trọng. Nếu anh có tri thức, anh có thể dễ dàng lĩnh hội được kiến thức và được tôn trọng. Tiền quan trọng thật, nhưng không thể là thước đo về phẩm giá con người.

Làm HLV, nếu bạn cầm tiền của cầu thủ, ít nhiều bạn sẽ không còn nhận được sự tôn trọng đúng mực của họ, dù đó có là quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Còn làm điều hành thì có chút khác biệt, nếu bạn làm được việc. Ai chẳng muốn đội bóng của mình tốt lên, rồi giải đấu và cả nền bóng đá Việt Nam tốt lên, nhưng bằng cách nào thì lại loay hoay.

* Người ta đồn rằng, HLV có thể không bảo được cầu thủ ngôi sao, nhưng “cò” Đại chỉ cần hô một tiếng là tất cả im re? Khi còn “đương thời”, cầu thủ của “cò Đại” chiếm bao nhiêu % thị phần bóng đá Việt Nam?

- Nói thế hơi quá và không hay với anh em đồng nghiệp HLV và cả những ông chủ đội bóng. Như đã nói, tôi là người biết lắng nghe, từ những ý kiến nhỏ nhất của một người tầm thường nhất. Nghe rồi, bạn phải có phương pháp để giải quyết mâu thuẫn. Làm huấn luyện, nghiệp vụ sư phạm rất quan trọng. Bạn phải thuyết phục được họ, những cầu thủ giỏi nhất và có đẳng cấp bằng phương pháp luận, bằng hình ảnh và những phân tích hợp lý, chứ đừng đôi co với họ.

Khi làm XMXT.Sài Gòn, không ít lần tôi thử đưa còi cho một vài cầu thủ khó bảo, nói họ đứng lớp HLV một buổi xem sao. Cốt là để cho họ thấy cái khó và cái thiếu hợp lý ở pha bóng đó, thay vì chỉ lăm lăm nghĩ đến chuyện phạt.

Bằng các mối quan hệ, tôi đã từng đem những ngoại binh tốt nhất đến cho V-League và giải hạng Nhất. Họ là “vua phá lưới” hay “cầu thủ nước ngoài hay nhất”, nói chung đều thuộc hàng top khi thi đấu ở Việt Nam. Tôi cũng từng giúp rất nhiều thế hệ cầu thủ trẻ phát triển, trở thành các tuyển thủ QG. Nhưng chuyện đó đã là quá khứ rồi. Giờ tôi thanh thản để tập trung vào kinh doanh, phát triển các mặt hàng và thị phần, chứ gần như không màng chuyện bóng bánh nữa!

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông thành công!


Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm