Tại sao U21 Việt Nam quyết không thua U21 HAGL?

20/11/2015 11:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - “Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn cũng như thành tích của đội bóng. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm quốc gia, chứ không phải các vấn đề cá nhân! Đó là lý do tôi cần những cầu thủ tốt nhất để giành chiến thắng, chứ không vào giải để chấp nhận làm kẻ bại trận. Năm nay chúng tôi quyết không để thua U21 HAGL, nếu 2 đội gặp lại nhau”, đấy là phát biểu của ông Phạm Minh Đức, HLV trưởng ĐT U21 Báo Thanh Niên, tại buổi họp báo trước giờ bóng lăn.

Trong khi đó, chúng ta hãy nghe những chia sẻ rất khiêm tốn, thậm chí nhún nhường, của đại diện BHL đội U19 Hàn Quốc: “Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến VFF cũng như nhà tổ chức giải đấu khi đã mời U19 Hàn Quốc tham dự sự kiện này. Nó không đơn thuần chỉ là bóng đá nữa, mà tại TP.HCM những ngày tới đây, chúng tôi có điều kiện để giao lưu với các quốc gia châu Á láng giềng, để hiểu hơn về văn hoá, cũng như tập tục, kết nối, chia sẻ và xích lại gần nhau hơn”.

“Tuy là một giải giao hữu, nhưng nó có ý nghĩa lớn với chúng tôi trong quá trình chuẩn bị cho VCK U20 thế giới trên sân nhà vào năm 2017. Đây là cơ hội tuyệt vời để cọ xát, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm cho những cầu thủ trẻ. Tại vòng bảng, chúng tôi sẽ được gặp ngay một đối thủ mạnh, đấy là U21 Myanmar, với nòng cốt các cầu thủ vừa trở về từ giải U20 thế giới. Chúng tôi tin rằng sẽ học hỏi được nhiều từ họ cũng như các đối thủ còn lại”, vẫn phát biểu phía BHL U19 Hàn Quốc.

Bóng đá Hàn Quốc ở mọi cấp độ, từ học đường cho đến bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp, luôn ở một đẳng cấp rất khác so với Đông Nam Á. Tại vòng loại giải U19 châu Á 2016 (với Thái Lan là bảng trưởng), U19 Hàn Quốc đã toàn thắng 4 trận, ghi vào lưới các đối thủ đến 26 bàn và chỉ để lọt lưới 4 bàn, tự điền tên mình vào VCK (sẽ diễn ra tại Myanmar vào năm sau) với ngôi nhất bảng. Có câu, sư tử thì không cần ra oai. Bóng đá xứ kim chi đã đạt tầm cỡ hàng đầu châu Á từ rất lâu, nhưng họ vẫn nghiêng mình khi cần.

18h00 ngày 20/11, U21 HAGL – U19 Hàn Quốc: Tìm lại ngày xưa

18h00 ngày 20/11, U21 HAGL – U19 Hàn Quốc: Tìm lại ngày xưa

Không chỉ đơn giản là bảo vệ chức vô địch giải đấu, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” phải tận dụng cơ hội này để lấy lại những gì gọi là bản ngã của họ.


Xác định giải U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men 2015 là cơ hội cọ xát, nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi, trong đó có các giải đấu U19 châu Á và U20 thế giới các năm tới, nên U19 Hàn Quốc mang đến Việt Nam lần này thuần là các cầu thủ sinh năm 1997. Trong khi đó, các đội bóng chủ nhà như U21 Báo Thanh Niên và U21 HAGL đã không bỏ qua bất kỳ sự ưu ái nào của điều lệ giải, với quyền đăng ký 3 cầu thủ 22 tuổi trong đội hình. Thậm chí với đội chủ giải còn là 4 cầu thủ.

Trong lịch sử 8 giải U21 quốc tế từng được tổ chức (kể từ lần đầu tiên tại Nha Trang năm 2007), các đội bóng Việt Nam đã giành đến 5 chức vô địch, 3 trong số đó thuộc về đội chủ giải (2 còn lại chia đều cho U19 Việt Nam năm 2010 và U21 HAGL năm 2014). Danh hiệu là thước đo cho năng lực chinh phục của một đội bóng, nhưng danh hiệu tại các giải bóng đá trẻ nặng tính giao hữu, học hỏi và cọ xát, không phải là tất cả. Bằng chứng là ở cấp độ cao hơn, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được những gì?!

Cần thẳng thắn với nhau rằng, ĐT U21 Báo Thanh Niên tuy là được thành lập thông qua quyết định của VFF và BTC giải đấu, nhưng không thuộc biên chế chính thức của Tổng cục TDTT, không đại diện cho quốc gia như HLV Phạm Minh Đức tuyên bố, tất nhiên, không được mặc áo đấu hàng hiệu Grand Sport như ĐTQG thực thụ mà là hàng chợ. Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy đội chủ giải U21 Báo Thanh Niên đang muốn chức vô địch giải U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men 2015 bằng mọi giá. Nhưng sau chức vô địch là gì thì không ai trả lời được.

Suy nghĩ manh mún sẽ dẫn đến hành động manh mún. Căn bệnh thành tích đã ăn vào xương tuỷ rồi, hỏi sao ngay cả ở những giải đấu giao hữu mà người ta cũng muốn phải vô địch bằng mọi giá?!

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm